136 Tao Sach pagoda

Chùa Tảo Sách (Linh Sơn Tự)

hồ đầmq.Tây HồUy Linh Lang

Chùa Tảo Sách còn gọi Tào Sách, có từ thế kỷ XVI. Tên chữ: Linh Sơn Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1993). Vị trí: số 386 Lạc Long Quân, 3R96+8M, Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 8,2km (hướng 11). Trạm bus lân cận: ngã ba Lạc Long Quân - Nguyễn Hoàng Tôn.

Lược sử

Theo sách “Tây Hồ chí” và “Thăng Long cổ tích khảo”, chùa có nguồn gốc liên quan đến hoàng tử Uy Linh Lang, con trai thứ 7 của vua Trần Nhân Tông (trị vì 1279—1293). Thuở nhỏ, hoàng tử sống với mẹ là Chiêu Minh phu nhân ở phường Nhật Chiêu. Nhiều lần, hoàng tử xin xuất gia đầu Phật nhưng không được cha mẹ chấp thuận. Hoàng tử lập một nhà nhỏ ven hồ làm nơi đọc sách, cùng bạn bè rèn văn, luyện võ, du thuyền thưởng trăng, ngâm vịnh thi phú, xa lánh chính sự. Khi Chiêu Minh phu nhân mất, nhà vua cho lập đền thờ, gọi là “Chiêu thánh điện”.

Năm 1285, khi nhà Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ 3, Uy Linh Lang dựng cờ, chiêu mộ dân binh, xin vua cho xuất chinh dẹp giặc và đã lập được nhiều chiến công. Thắng trận trở về, hoàng tử không nhận ban thưởng mà lui về tu thiền ở chùa Vân Hồ. Vua luận công, phong là Dâm Đàm Đại Vương.

Cổng trước chùa Tảo Sách

Khi Đại Vương mất, nhân dân rước bài vị vào Chiêu thánh điện, thờ làm Chính thần hoàng cùng 6 người bạn của ngài. Còn trên nền nhà đọc sách ven hồ, dân làng dựng một thảo am để ghi nhớ dấu tích hoạt động của hoàng tử Uy Linh Lang.

Đầu đời Hậu Lê, dân sở tại đã dựng trên nền am thờ Uy Linh Lang một ngôi chùa, gọi là Tảo Sách. Gần cuối thế kỷ XVI, sư Thủy Nguyệt hiệu Tông Giác du học Trung Hoa trở về đã quảng bá thiền phái Tào Ðộng và truyền thụ đệ tử trụ trì các chùa quanh hồ Tây. Chùa Tảo Sách sau trở thành một cơ sở sinh hoạt của hội Hoa Nghiêm. Chùa còn được gọi là Tào Sách và mang tên chữ Linh Sơn Tự[1].

Cổng sau chùa Tảo Sách

Ngày 23-07-1993, chùa Tảo Sách đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Sáng ngày 27-1-2011, toàn bộ diện tích 150m2 của toà Tam Bảo bất ngờ bị hỏa hoạn thiêu trụi. Rất may là nhiều tượng thờ đã kịp thời được di chuyển ra ngoài. Không lâu sau đó, nhà chùa đã cùng Phật tử thập phương quyên góp công đức phục dựng lại và xây thêm một số hạng mục, trong đó có toà nhà lớn ở phía đông bắc.

Cổng sau của chùa Tảo Sách là một tam quan 2 tầng 8 mái giáp với đường Lạc Long Quân ở phía tây bắc. Cổng trước mở ra phố Vệ Hồ là một tháp chuông với 3 tầng 12 mái mới xây.

Tiền đường chùa Tảo Sách

Sau cổng là giả sơn ở giữa một sân rộng trước toà tam bảo có kết cấu kiểu chuôi vồ truyền thống. Chếch bên trái tiền đường có dựng một tượng đài bằng đá trắng tạc Quán Thế Âm Bồ Tát đứng lộ thiên trên tòa sen; tay phải hướng lên trời bắt quyết, tay trái dốc bình tưới nước Cam Lộ.

Di vật

Trong chùa, đáng chú ý có những tấm bia như: Linh Sơn tự kỉ niệm bi kí (Bia ghi về kỉ niệm của chùa Linh Sơn) của Hòa thượng Phan Trung Thứ lập vào năm Tân Tỵ niên hiệu Bảo Đại (1941); Cựu Tào Sách Hoa Nghiêm hội bi kí (Bia ghi về hội Hoa Nghiêm của chùa Tào Sách cũ), Linh Sơn tự Hoa Nghiêm hội bi kí (Bia ghi về hội Hoa Nghiêm chùa Linh Sơn). Hai tấm bia sau đều do Cúc Hương Hoàng Thúc Hội người làng Cót soạn vào năm Bảo Đại 8 (1933).

Phật điện chùa Tảo Sách

Hiện nay chùa còn giữ được 42 đôi câu đối (gồm 39 đôi câu đối chữ Hán và 3 đôi câu đối chữ Nôm); 23 bức đại tự; 2 quả chuông (1 quả đúc năm Minh Mạng thứ ba 1822); 29 tấm bia đá ghi niên hiệu từ Thành Thái đến Bảo Đại (1889—1945) và hơn 40 pho tượng tròn (trong đó có 3 pho tượng Tam Thế được làm từ nửa cuối thế kỷ XVIII).

Trên trụ biểu trước chùa có đắp đôi câu đối chữ Hán:

  • “Tào Sách thanh phong thiên cổ danh lam quang hữu vĩnh / Tây Hồ minh nguyệt tứ thời cảnh chí ánh vô biên” (Gió mát Tào Sách, danh lam nghìn xưa sáng tươi mãi mãi / Trăng chiếu Hồ Tây, cảnh sắc bốn mùa toả ánh mênh mông).
  • “Tú thủy kỳ sơn Tào Sách trường lưu thiên cổ tích / Xuân đài thọ vực thiền lâm biệt chiếm nhất hồ thiên” (Sông gấm núi thiêng, Tào Sách mãi lưu trang cổ tích / Đài xuân vực thọ, rừng thiền riêng chiếm một hồ thiên).
Tượng Phật nhập Niết Bàn, chùa Tảo Sách

Di tích lân cận

136 chua Tao Sach ©NCCông 2012-2022

[1] Từ xa xưa “Linh Sơn đạo” hội tụ Tam giáo đã du nhập vào nước ta. Bia “Linh Sơn tự kỷ niệm bi ký” ghi: “Chùa Tào Sách xã Nhật Tân được xây dựng từ xa xưa vào thời Lê; quay lưng hướng Cấn, quay mặt hướng Khôn. Chùa có cảnh đẹp mê hồn, bên trái tiếp với sông Nhị, bên phải nối liền Long Đỗ, non xanh nước biếc một trời cảnh sắc luôn mới. Nhân kiệt địa linh, vạn phúc trang nghiêm đầy đủ mọi điều tốt đẹp, thực là thắng cảnh vậy. Nhưng trải qua thời gian phong cảnh biến đổi đi, cảm khái trước cảnh mưa sa bão táp dập vùi, hương đài kém sắc. Thế là đồng ấp cùng suy nghĩ để mong khôi phục lại chùa như xưa. Vào năm Canh Ngọ (đồng ấp) mời tổ trường tổ sư ở chùa Quảng Bá là Quang Lâm đến, thấy cảnh chùa như vậy (tổ sư) đổi tên chùa là Linh Sơn, chuyển hướng quay lưng về Tân quay mặt về Ất, lại cử đệ tử là Trương Quang Anh thay mệnh trụ trì. Năm Giáp Tuất trang hoàng tượng Phật và đúc 2 quả chuông, năm Bính Tí hưng duyên tác phúc tân tạo một tòa tổ đường tráng lệ…”.