14 Wooden Bridge street
Phố Cầu Gỗ
Chỉ dẫn
Phố Cầu Gỗ dài 250m, nối với Hàng Thùng ở ngã tư Nguyễn Hữu Huân, đi qua ngã tư Hàng Dầu - Hàng Bè và các ngã ba Hồ Hoàn Kiếm, Đinh Liệt, rồi nối với Hàng Gai tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Nay thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 30m (hướng 12h). Trạm bus lân cận: BĐX Bờ Hồ (xe 09, 14, 36), 23 Hàng Tre (04, 08, 11, 18, 23, 31, 34, 36), 54 Nguyễn Hữu Huân (04, 08, 11, 14, 18, 23, 36), 56 Hàng Cân (31).
Lược sử
Từ thời Lê sơ tức khoảng thế kỷ XV, phố Cầu Gỗ đã được hình thành trên nền đất của hai thôn Hương Minh và Nhiễm Thượng, đều thuộc tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Tên phố mộc mạc như thế bởi vì xưa kia nơi đây từng có một cây cầu bằng gỗ bắc qua con lạch nhỏ nối hồ Hoàn Kiếm với hồ Thái Cực. Hồ này sau gọi là hồ Hàng Đào, đến cuối thế kỷ XIX đã bị thực dân Pháp lấp đi để xây nhà.
- Ngã phố Cầu Gỗ - Đinh Liệt. Ảnh ©NCCong 2015
Trên phố Cầu Gỗ đến đầu thế kỷ XX vẫn còn có nhiều ngôi nhà hẹp lòng, chỉ trên 2m bề ngang, xây kiểu một tầng lợp ngói ta hoặc hai tầng chồng diêm thấp lè tè, cửa bức bàn, câu đầu quá giang bằng gỗ phiến, tưởng như sắp xiêu vẹo, phải tỳ vào vai hai nhà bên mà đứng, nóc nhà còn đắp cột trụ như người đội mũ bình thiên. Tường thì trộn mật giọt làm vữa nên mùa nồm chảy nước ướt cả nền nhà vốn đã thấp hơn mặt đường đến vài ba bậc.
Đến thời Pháp thuộc, phố có tên Tây là Rue du Pont-en-Bois (dịch nghĩa đen “Phố Cầu Gỗ”), lúc đó nhiều ngôi nhà vẫn xây theo kiến trúc cổ chỉ có một tầng và một gác xép. Tuy nằm hơi khuất sau đoạn phố Đinh Tiên Hoàng chạy ven bờ bắc Hồ Gươm, nhưng lại kề với chợ Hàng Bè và các phố buôn bán như Hồ Hoàn Kiếm, Đinh Liệt, Hàng Đào, Hàng Gai nên phố Cầu Gỗ rất nhộn nhịp.
- Phố Cầu Gỗ cuối thế kỷ XIX
Từ thời trước, dân nơi đây đã kinh doanh những ngành nghề mà nay người ta gọi là “dịch vụ” trong đời sống đô thị. Phố Cầu Gỗ từng nổi danh vì chuyên bán sơn và các loại dầu cung cấp cho thợ làm tranh sơn mài, gắn thùng gỗ, bả hoành phi, câu đối. Ở đây có một cửa hàng làm mũ mà chủ nhân chính là người đã chế ra cái khăn xếp che đầu trang nghiêm và tiện lợi thay cho việc búi tó hoặc quấn khăn theo lối cũ của đàn ông Việt Nam. Ngoài ra, đến đầu thế kỷ XX phố Cầu Gỗ còn có thêm một nghề mới và khá đặc biệt: nghề đóng xe tay.
Không chỉ nổi tiếng với nhiều nghề truyền thống, Cầu Gỗ còn là nơi từng có nhiều món ngon như: cà phê và phở Giảng, chè bắp Lan Anh... giờ đây chỉ còn lại trong kí ức của những người có tuổi và quen đất Hà Nội. Ngày nay bạn chỉ cần đi thang máy lên gác nhà "hàm cá mập" hoặc nhà đối diện đầu phố Lê Thái Tổ thì sẽ có những chỗ ngồi mát mẻ với góc nhìn rất đẹp trông ra Hồ Gươm. Còn nếu muốn ăn ngon thi xin rẽ qua phố Đinh Liệt ngay cạnh đó để bước vào dãy phố ẩm thực Gia Ngư, Tạ Hiện.
- Cổ thụ trên phố Cầu Gỗ. Ảnh ©2013 NCCong
Phố Cầu Gỗ nay đã đổi thay rất nhiều, nét hiện đại hòa lẫn dáng vẻ cổ kính. Những cửa hàng sang trọng chuyên bán đồ cao cấp như hiệu giày, hiệu sách, hiệu vàng… xuất hiện làm bừng sáng cả con phố nhỏ. Nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, ngân hàng… mọc lên san sát, khiến cho phố Cầu Gỗ trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với khách trong nước và nước ngoài.
Phố Cầu Gỗ lúc nào cũng tấp nập, các tuyến xe buýt số 9 và 14 đều chạy qua đây theo đường một chiều. Tuy không còn lưu giữ những nét ẩm thực truyền thống nhưng phố vẫn thu hút được rất nhiều khách du lịch và người dân Hà thành đến thưởng thức những món dân dã như bún chả, bún riêu cua, bún thang… Ấn tượng nhất về con phố vẫn là hàng xà cừ trăm tuổi xum xuê tươi tốt, vươn cành ra che mát cả con đường, tạo cho Cầu Gỗ một nét đẹp vừa tân vừa cổ, vừa ồn ào, vừa tĩnh lặng, thân quen.
- Phố Cầu Gỗ ngày 10-10-1954. Photo: LIFE
Di tích lân cận
- Đền Bà Kiệu: số 59 phố Đinh Tiên Hoàng.
- Đền Ngọc Sơn: số 2 phố Đinh Tiên Hoàng.
- Đình Phả Trúc Lâm: số 40 ngõ Hàng Hành.
- Đình Xuân Phiến Thị: số 4 phố Hàng Quạt.
- Nhà số 10 phố Hàng Đào: di tích phân hiệu 2 Đông Kinh Nghĩa Thục.
- Quảng trường Đông kinh Nghĩa thục: cuối phố Hàng Đào và Cầu Gỗ.
©NCCông 2011-2015, Wooden Bridge street