140 Vong La pagoda
Chùa Võng La (Bạch Sam Tự)
Lê trung hưngh.Đông Anhsông HồngChùa Võng La có từ thế kỷ XVII, còn gọi chùa Chài hoặc chùa Ba. Tên chữ: Bạch Sam Tự. Lễ hội: 20/7 và 11/10 âl. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1996). Vị trí: 4Q2Q+XM, thôn Võng La, xã Hải Bối, H. Đông Anh, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 15 km (hướng 10 h). Trạm bus lân cận: Gầm Cầu Thăng Long Thôn Võng La - Đê Tả Sồng Hồng (xe 122).
Lược sử
Thôn Võng La tên nôm là làng Chài, dân còn có nghề làm đậu phụ ngoài nghề nông và chài lưới. Đến cải cách hành chính của triều Nguyễn năm 1831 thôn thuộc xã Võng La, tổng Võng La, huyện Yên Lãng, phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây. Năm 1876 xã Võng La nhập vào tỉnh Bắc Ninh, năm 1904 chuyển sang tỉnh Phúc Yên, năm 1961 mới cắt về TP Hà Nội.
Chùa Chài được xây vào thời Lê, trên một mảnh đất bồi ở bên ngoài con đê tả ngạn sông Hồng. Trong chùa còn lưu giữ một tấm bia đá có niên đại Dương Hoà thứ 4 (1638) tạc nổi thiền sư Ngọc Động Thánh Tổ. Theo truyền thuyết địa phương và một vài tấm bia hậu hiện còn trong chùa, sư là một vị chân tu họ Phan, pháp danh Chu Bồ Đề, có phép thuật và tài nghệ y học. Sư đã từng chữa khỏi bệnh cho bà mẹ của chúa Trịnh nên được triều đình ban phong và được dân tôn xưng là Thánh tổ. Sư mất ngày mồng 10 tháng Tám âm lịch, về sau được lấy làm ngày giỗ Tổ chùa.
- Cổng chùa Võng La. Photo ©NCCong 2014
Tương truyền trước đây chùa rộng hàng trăm gian nhưng sau bị chiến tranh phá hủy hoàn toàn. Đức Thánh Tổ báo với dân trong vùng nếu muốn có chùa thì về san đất, Ngài sẽ dựng cho. Rồi xảy ra một trận lũ, nước sông Hồng dâng lên, phù sa bỗng san bằng nền chùa cũ trước đây. Sau đó, Ngài sang làng Gạ dùng phép thuật chuyển chùa từ bên đó về làng Võng La. Ngôi chùa chuyển về đây vẫn y nguyên, rong rêu còn phủ trên mái. Từ đó, làng này có chùa để thờ Phật.
Ngoài thờ Phật, chùa Chài còn là một di tích lịch sử cách mạng. Thời kỳ 1941-1945, các ông Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Lương Bằng đã từng sinh sống và hoạt động lâu dài tại ngôi chùa này. Trong chùa có một hầm bí mật được đặt ngay phía dưới bệ thờ của Sư tổ và thông ra bờ sông Hồng.
- Sân chùa Võng La. Photo ©NCCong 2014
Năm 1966 ngôi chùa đã được xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng và kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc và di sản
Cuối thập kỷ 2010 một ngôi chùa đã được xây thêm ở vào vị trí ngay trước mặt chùa cũ. Toà tiền đường 7 gian kết nối theo hình “chữ Đinh” với toà thiêu hương và thượng điện, hậu cung đều 3 gian.
Trong chùa Võng La hiện có 14 tấm bia dựng vào các năm 1681, 1684, 1699, 1696, 1734, 1736 và 1763. Bia chủ yếu được làm bằng đá xanh liền khối, chạm trổ hoa văn tinh tế, sống động. Đáng tiếc là những tấm bia quý này đang phải nằm lăn lóc chịu nắng mưa cùng cỏ dại ngoài vườn, ngay gần cổng ra vào. Lại có 24 pho tượng thờ được làm vào thế kỷ XIX nhưng đã bị thay thế hoặc tô lại bằng vàng công nghiệp sau đợt xây chùa mới.
- Tượng Nữ thần Po Nagar
Hội làng kỳ 1 diễn vào dịp 19–21 tháng Bảy âm lịch, chính hội là ngày 20 tháng Bảy âl. Kỳ 2 mở từ mồng 10 tới 13 tháng Mười âl, chính hội là ngày 11 tháng Mười âl. Khai lễ, các cụ bô lão cử một đoàn từ đình ra sông rước nước đến chùa Chài. Một đoàn khác mang kiệu xuống chùa để rước nước về đình làm lễ mộc dục.
Di tích lân cận
- Chùa Vẽ: phố Kẻ Vẽ, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm.
- Đền Bà: 4PJP+Q9W, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh.
- Đình Chèm: đê sông Hồng, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm.
- Đình Ngọc Chi, miếu Vĩnh Thanh: 4R9J+56, xã Vĩnh Ngọc, H. Đông Anh.
- Đình Vẽ: 37 phố Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm.
- Miếu Mạch Lũng: 4PCP+RW, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh.
©NCCong 2014, Vong La pagoda