151 Phung Khoang pagoda
Chùa Phùng Khoang (Thanh Xuân Tự)
Lê trung hưngq.Nam Từ Liêmsông NhuệChùa Phùng Khoang có từ trước năm 1623. Tên chữ: Thanh Xuân Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1991). Vị trí: XQQV+5F, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 10km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: 873 Nguyễn Trãi.
Từ Ngã tư Sở đi theo đường Nguyễn Trãi về hướng Hà Đông, du khách qua ngã tư Khuất Duy Tiến chừng 1km thì sẽ đến một ngã ba nối với con phố nhỏ Phùng Khoang. Rẽ vào phố này đi về phía tây bắc khoảng 200m, qua hết chợ Phùng Khoang sẽ thấy một hồ bán nguyệt ở bên phải và trước mặt là chiếc cổng được xây năm 1951, trên có đắp nổi tên làng bằng cả chữ Hán lẫn chữ Quốc ngữ.
Lược sử
Làng Phùng Khoang có đông giáo dân và Phật tử cùng chung sống. Cánh đồng làng xưa kia trù phú nên có câu ví "Tiền làng Mọc, thóc làng Khoang". Từ giữa thế kỷ XX đã mọc lên ở đây trường Đại học Ngoại ngữ và trụ sở nhiều cơ quan. Cả vùng nay đã đô thị hoá hết nhưng đình, chùa và nhà thờ vẫn còn khá nguyên vẹn.
- Tam quan chùa Phùng Khoang ©NCCong 2014
Làng cũng đã trải qua lắm đổi thay hành chính. Thời Lê, tên làng là Phùng Quang, thuộc về xã Nhân Mục Môn, huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam Thượng. Năm 1723 làng chuyển sang huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Thời Nguyễn đổi về xã Ngọc Trục, tổng Đại Mỗ, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Năm 1964 nhập vào xã Trung Văn, huyện Từ Liêm; sau đổi thành phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Tên chùa nay là tên của quận Thanh Xuân liền kề.
Tấm bia đá cổ nhất hiện còn bảo lưu được trong chùa mang niên đại Chính Hòa 13 (1692) và viết rõ tên chùa là “Thanh Xuân”: “Thường xem đất Phật ở trời Nam xứ nào cũng có. Duy chỉ có chùa Thanh Xuân, thôn Phùng Khoang, xã Nhân Mục là danh lam thắng cảnh lâu đời”. Đến thời Nguyễn, trong sách “Việt sử thông giám cương mục” cũng viết tên chùa là “Thanh Xuân”: “Năm Quí Hợi tháng Sáu mùa Hạ, Trịnh Xuân bất mãn đốt nhà cửa, phố xá trong kinh thành. Trịnh Tùng đang ốm phải lên xe dời khỏi kinh thành. Ngày 20, Chúa mất ở chùa Thanh Xuân.”[1]
- Bia chùa Phùng Khoang ©NCCong 2019
Đời Tự Đức, năm Đinh Sửu (1853) ông trưởng mục Nguyễn Huy Trâm cùng dân làng đã dời ngôi chùa về phía nam thôn, tu tạo chính đường, bái đường, tam quan, tất cả đều lợp ngói lá đề, xung quanh có tường bao. Hai tấm bia dựng năm Đồng Khánh thứ 2 (1887) và Bảo Đại thứ 19 (1944) cho biết công chúa Ngọc Nga đã cho dựng ngôi chùa này ở ven đường làng để thờ Phật. Bà cũng có công xin cho Phùng Khoang có một phiên chợ riêng họp vào ngày 28 tết hàng năm, do vậy chợ làng còn gọi là chợ Chùa và trong chùa có am thờ công chúa.[2]
Kiến trúc
Cổng ngõ chùa ở ngay sau cổng làng, dọc ngõ có các cửa ngách ở hai bên tam quan. Mặt chùa nhìn về hướng đông-nam, sân trước có cầu dẫn ra toà thuỷ đình. Tam quan lợp ngói ta, xây hai tầng đơn giản, giống như kiểu tam quan của chùa Kiến Sơ và chùa Láng nhưng trên gác chuông treo quả chuông đồng đúc năm 1813, trong gian bên phải cạnh chân cầu thang lại có tấm bia hậu được dựng từ năm 1692.
- Chùa Phùng Khoang ©NCCong 2013
Bước qua cổng tam quan, du khách sẽ vào một sân gạch dẫn đến bậc thềm của toà tiền đường 5 gian, bên phải có một am nhỏ thờ công chúa Ngọc Nga. Toà hậu cung cũng rộng 5 gian, ở giữa là nhà cầu với 5 bức nghi môn, tất cả được kết nối với tiền đường theo kiểu chữ “Đinh”. Nhà Tổ ở bên cạnh Tam bảo, bên trong thờ ba vị tổ của chùa. Nhà Hậu, nhà Mẫu được xây muộn hơn. Khuôn viên có tổng diện tích 5880m2, xung quanh và phía sau là các cây xanh. Chùa gần đây lại được trùng tu và làm thêm một thuỷ đình trên hồ bán nguyệt với pho tượng Quán thế âm Bồ tát đứng bên trong.
Di sản
Chùa Thanh Xuân hiện giữ được 6 tấm bia đá và 3 chuông đồng lớn niên hiệu Gia Long 12 (1813), Tự Đức 31 (1878), Tự Đức 34 (1881). Ở toà Tam bảo còn tấm bia “Trùng tu Thanh Xuân tự bi ký” dựng năm Tự Đức 31 và tấm bia tương tự dựng năm Đồng Khánh thứ 2 (1887) do Phó bảng Đỗ Huy Điền, người làng Tây Mỗ soạn. Lại có 29 đôi câu đối, 23 hoành phi gỗ, 4 cuốn thư sơn son thiếp vàng; 23 pho tượng Phật, Tổ, Mẫu và 1 tượng công chúa Ngọc Nga. Tất cả đều tạo tác theo phong cách nghệ thuật tiêu biểu của thế kỷ XIX.
- Trong chùa Phùng Khoang ©NCCong 2014
Năm 1991 chùa Phùng Khoang đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Ảnh toàn cảnh
- Tiền đường chùa Phùng Khoang. Panorama ©NCCông 2015
- Thuỷ đình mới xây trước chùa Phùng Khoang. Panorama ©NCCông 2015
Di tích lân cận
- Chùa Hương Vân: phố Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì.
- Chùa Thanh An: thôn Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì.
- Đình Cầu Đơ: phố Quang Trung, phường Hà Cầu, quận Hà Đông.
- Đình Phùng Khoang: phố Phùng Khoang, phường Trung Văn, Q. Nam Từ Liêm.
- Đình Trung Văn: ngõ 28 Đại Linh, phường Trung Văn, Q. Nam Từ Liêm.
- Đình Triều Khúc: phố Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì.
- Thuỷ đình chùa Phùng Khoang ©NCCong 2014
(151 chua Phung Khoang ©NCCong 2013-2014)
[1] Sử đương thời cho biết “tháng 6 năm Quý Hợi, Chúa Trịnh Tùng bị cảm nên cùng các quan văn võ bàn lập Thế tử để giữ binh quyền, cho con thứ là Vạn quận công Trịnh Xuân làm Phó tướng. Hôm sau, Xuân bất mãn liền đem quân lính tấn công phủ Chúa, cướp vàng bạc, voi ngựa rồi đốt phủ. Trịnh Tráng sai tướng hộ tống Chúa chạy ra xã Hoàng Mai, còn Tráng chạy ra chợ Nhân Mục triệu tập quan binh. Chúa phải nhờ em là Phụng Quốc công Trịnh Đỗ dụ hàng Xuân, nói dối rằng Chúa gọi Xuân vào để giao binh quyền. Xuân đến thì bị bắt trói, kể tội rồi giết chết. Sau cha con Đỗ định làm phản nên Tráng phải đưa Chúa đến quán Thanh Xuân, huyện Thanh Oai thì Chúa qua đời ở đấy”. Nếu đúng thế thì năm 1623 chúa không trốn ở chùa mà ở một Đạo quán.
[2] An Thái công chúa Ngọc Nga: con gái thứ bảy của vua Gia Long và Tiệp dư Dương Thị Dưỡng. Năm 1818, gả cho Vệ úy Nguyễn Đức Thiện, năm ấy Thiện chết, không có con. Sau lại lấy Trấn Tây Lãnh binh Vũ Viết Tuấn, có 3 con trai, 2 con gái. Năm 1840 Tuấn đem quân cứu viện đồn Sa Tôn, bị thương nặng rồi chết. Năm 1856 bà mất, thọ 61 tuổi, thụy Nhu Hòa. (Xem: Đại Nam Liệt Truyện–Tập 2: Chính biên–Sơ tập, QUYỂN 3: TRUYỆN CÁC CÔNG CHÚA, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn).