154 Yen Phu pagoda

Chùa Yên Phú (Khánh Hưng Tự)

Hai Bà Trưngh.Thanh Trìs.Tô Lịch

Chùa Yên Phú tương truyền có từ thời Hai Bà Trưng. Tên chữ: Khánh Hưng Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1988). Vị trí: thôn Yên Phú, WV23+XH, Thanh Trì, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 15 km (hướng 6 h). Trạm bus lân cận: Chùa Yên Phú - QL1A.

Truyền thuyết

Theo thông báo của một cuộc Hội thảo sử học được tổ chức mấy năm trước, chùa vốn tên là Thanh Vân Cổ Tự và có từ những năm đầu công nguyên (?!?), xem như một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam. Thần phả do Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Nhâm Thân (1572) cho biết vào thời Hai Bà Trưng chùa đã được trụ trì bởi Ni cô Phương Dung.

Theo truyền tụng, vào cuối thời Hùng Vương thứ 18, ở làng Lưu Hàm, huyện Thượng Hiện, phủ Nghĩa Hưng, đạo Sơn Nam có vợ chồng ông Trương Công và bà Phùng Thị Huệ sinh được cô gái xinh đẹp đặt tên là Phương Dung. Lớn lên nàng xin cha mẹ cho quy y. Sau đến thăm Thường Tín, thấy làng Yên Phú cảnh đẹp phong quang, bèn ở lại tu hành và đặt tên chùa là Thanh Vân Cổ Tự.[1]

Hai Bà Trưng dấy binh khởi nghĩa, ni cô và hai con nuôi là tướng quân Trung Vũ, Đài Liệu đi theo. Sau khi mất, ba người được Trưng Vương phong làm thành hoàng làng Yên Phú. Đến thế kỷ X, vua Lê Đại Hành phong tặng Ni cô là “Trinh Thục, Chí Đức, Đoan Trang, Cẩn Tiết Hoàng Thái Hậu”, và hai con nuôi là “Hộ Quốc Khang Dân, Phù Vân, Dương Vũ, Uy Dực, Thanh Bảo Canh Hiểu Hựu Trợ Thuận Linh ứng Đại Vương, Bản Cảnh Thành Hoàng”.

Chùa Yên Phú nhìn từ QL1A. Ảnh ©2014 NCCong

Lược sử

Xưa kia chùa vốn toạ lạc ở cánh đồng Lăng, khi bị hỏng nặng mới được dân chuyển về khu vườn Miếu. Trên đồng hiện còn lăng mộ Ni cô Phương Dung, hình tròn xoáy trôn ốc, đường kính lớn tới 20m, cao 3m. Thanh Vân Cổ Tự sau đổi tên thành Khánh Hưng Tự, dân quen gọi theo tên làng là chùa Yên Phú.

Chùa còn là một di tích lịch sử: năm 1789 hoàng đế Quang Trung đã chọn nơi đây để tập kết quân Tây Sơn đánh đồn Ngọc Hồi. Trong thời kỳ 1947—1954, sư trụ trì chùa từng nuôi giấu các chiến sĩ hoạt động kháng chiến chống Pháp. Giai đoạn này, đình Yên Phú bị tàn phá nên các cụ bô lão đã rước bài vị của hai tướng quân Trung Vũ, Đài Liệu về phối thờ tại chùa, cách đình khoảng 700 m.

Kiến trúc

Hiện chưa tìm thấy ảnh tư liệu về chùa Yên Phú xưa kia. Chỉ biết rằng năm 1930 ngôi chùa đã được xây dựng lại với mặt tiền nhìn về phía tây. Từ đó cho đến khi bước sang thế kỷ XXI quy mô chùa vẫn khá nhỏ và càng ngày càng xuống cấp. Sư trụ trì tổ chức quyên góp hưng công và ngày 20-11-2011 đã hoàn thành việc xây mới hoàn toàn chùa Yên Phú.

Chùa Yên Phú. Ảnh ©2014 NCCong
Vườn tháp mộ trước sân là di tích duy nhất của ngôi chùa cũ còn sót lại. Ngôi chùa mới bao gồm 3 toà nhà 3 tầng với 1 tầng hầm, dàn ngang theo hình chữ “Nhất” trong khuôn viên hơn 4.100 m2. Mặt bằng xây dựng rộng 1.800 m2 trong đó khu nội tự rộng 1.260 m2. Hai cổng tam quan nội, ngoại ở mặt tây và mặt nam đều có ba mái cao thấp khác nhau, xây bằng bê-tông, bên trên đề chữ quốc ngữ.

Toà tam bảo nằm ngay sau tam quan nội, bên trong trông như một Phật điện hiện đại. Hệ thống tượng tròn trong chùa được bài trí hơi khác các ngôi chùa truyền thống ở Bắc Bộ. Lớp sau trong hậu cung có pho tượng Quan Âm tống tử, bên phải là tượng Đức Thánh Mẫu. Chùa còn có một pho tượng Di Lặc mới đặt ở chính giữa hàng hiên tiền đường.

Di sản

Trong chùa Yên Phú vẫn còn giữ được bản thần tích ghi lịch sử chùa và 23 đạo sắc phong, sắc cổ nhất ghi niên đại Dương Hoà thứ 5 (1640). Lại có bức đại tự đề tên chùa “Khánh Hưng Tự”, ghi năm “Thành Thái Nhâm Ngọ niên” (1902). Trước toà tam bảo có 3 bức hoành phi: 1) “Tương quan nhi thiện” — Khải Định mùa thu Ất Sửu (1925), 2) “Từ Quang Phổ Chiếu” — Khải Định năm thứ nhất (1916), 3) “Vạn đức từ tôn” — Bảo Đại năm thứ nhất (1926). Hai bên tam bảo có đôi câu đối: “Kim liên thuý yết thiên hoa pháp / Tuệ nhật quang lâm vạn cảnh tân” — niên hiệu Bảo Đại năm Mậu Thìn (1928).

Tam Bảo chùa Yên Phú. Ảnh ©2014 NCCong
Hội chùa Yên Phú cũng là hội làng, hàng năm diễn ra từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 11 âm lịch. Trong hội, nhân dân rước kiệu từ đình miếu ra lăng mộ Ni cô Phương Dung, sau đó rước về chùa. Kiệu Ni cô đi trước, phía sau là kiệu hai tướng Trung Vũ, Đài Liệu. Làng dành một mẫu ruộng ở cánh đồng Nhị Châu cho dân lần lượt làm rẽ để có tiền soạn lễ. Lễ vật dâng lên gồm bảy mâm, trong đó có một lễ chay (xôi vò, chè, bánh chay).

Ngày 22-3-1988, chùa Yên Phú được xếp hạng Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

Toàn cảnh chùa Yên Phú. Ảnh ©2014 NCCong

154 chua Yen Phu ©NCCông 2013-2023


[1] Một hôm Ni cô ra sông Kim Ngưu tắm, bỗng có mây hồng sà xuống cuốn lấy. Đêm đó, mơ thấy một tướng quân dáng kỳ dị từ dưới nước lên, tự xưng là Thuỷ thần và nói: “Nhà ngươi đức dày, Trời đã soi tỏ, lệnh cho hai Thuỷ thần đầu thai, chớ có lo lắng về điều đó”. Nói xong cưỡi thuyền rồng bay đi. Hôm sau, Ni cô qua miếu thấy có hai quả trứng lớn, bèn mang về chùa. Bỗng từ trứng phát ra tiếng vang như sấm, tách vỏ, xuất hiện hai vị thần đầu người, mình rắn, tướng mạo kỳ lạ, thiên tư to lớn. Các bô lão kéo đến, hai vị thần nói: “Anh em ta vốn là Thuỷ thần mà các ông thờ phụng lâu nay, tên Trung Vũ và Đài Liệu, phụng mệnh giáng sinh giúp dân, cứu nước”.

Ni cô nuôi hai con ăn học, giỏi cả văn võ. Năm hạn hán, hai người lập đền cầu vũ, ngay sau đó mưa to, ruộng đồng đầy nước. Rồi Ni cô và hai con tập hợp mấy ngàn người lên đường theo Hai Bà Trưng, góp phần đánh tan quân Tô Định. Trưng Vương lên ngôi, cho ba nhười về hưởng ấp Thanh Trì. Ba mẹ con bái tạ vua và lên thuyền trở về, đến giữa sông Kim Ngưu, một đám mây vàng sà xuống, mưa to gió lớn, nước dâng cao. Ni cô mình mặc áo gấm, ngồi trên kiệu hoa, cưỡi mây bay lên. Hai con lao xuống sông biến mất.