155 Phu Gia pagoda

Chùa Phú Gia (Bà Già Tự)

Champaq.Tây HồLê trung hưng

Chùa làng Phú Gia có ít nhất từ đầu thế kỷ XVII. Tên chữ: Bà Già Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1996). Vị trí: ngõ 209 An Dương Vương, P. Phú Thượng, 3RQ3+QR, Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 9 km (hướng 11 h). Trạm bus lân cận: 327 An Dương Vương (xe 31, 58).

Địa lý

Phường Phú Thượng toạ lạc ở khoảng giữa hai đầu phía nam của cầu Thăng Long và cầu Nhật Tân. Trước kia đó là một xã nông nghiệp thuộc huyện Từ Liêm. Xã nằm ven đê sông Hồng, từ tây sang đông bao gồm ba làng: Thượng Thụy (làng Bạc), Phú Gia (làng Gạ) và Phú Xá (làng Sù), đều có di tích lịch sử và truyền thống văn hoá lâu đời. Một nhà thờ Ki-Tô giáo khá lớn đã được xây từ đầu thế kỷ XX tại Thượng Thụy. Còn Phú Xá là quê của tiến sĩ Nguyễn Kiều (1695—1771), chồng Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705—1748).

Tại Hà Nội, làng Phú Gia vẫn nổi tiếng với nghề nấu xôi và làm rượu nếp, bánh trôi, bánh đa kê. Làng Phú Xá thì vốn có nghề làm bún và trồng đào, hiện nay các vườn đào ở đây còn nhiều hơn cả ở Nhật Tân.

Cổng cũ chùa Bà Già. Photo NCCong ©2014

Lược sử

Theo sách “Bản xã thần ký” còn lưu giữ tại đình làng Phú Gia, thôn xưa gọi là Bà Già hương, có sông Già La chảy qua. Già La là tên cổ của sông Thiên Phù. Thời nhà Đường, nơi đây gần trị sở của quan lại phương Bắc, hương Bà Già đổi là An Dưỡng phường và đã có miếu thờ thổ thần. Đến cuối thời Lý, sông Thiên Phù bị cạn. Năm Thiệu Long đời vua Trần Thánh Tông (1258-1272), thiền sư Văn Thao đã sửa lại miếu thổ thần thành chùa An Dưỡng.

Theo sách “Đại Việt Sử ký Toàn thư”, thôn Bà Già là một trong những nơi mà các vua nhà Trần từng đến ở. Một nhóm tù binh Champa được đưa từ phía nam ra đây đã dựng nên ngôi chùa được phiên âm là Đa-da-li (nay gọi là Bà Già Tự). Thái úy Trần Nhật Duật (1254—1330) thường cưỡi voi tới đàm đạo với vị sư trụ trì người Champa.

-Cổng mới chùa Bà Già. Photo NCCong ©2014

Ngay phía trước chùa là đình Phú Gia; hàng năm từ mùng 8 đến 11 tháng Giêng âm lịch (chính hội là 10/1), dân làng mở hội tại đây [1]. Vẫn theo sách “Bản xã thần ký”, vào thời Lê đời Hồng Đức (1470-1497), có tiến sĩ Ông Nghĩa Đạt người Phú Gia làm quan đến chức Phó đô ngự sử, đã hưng công cho chuyển ngôi đình từ chỗ giáp thôn Quán La về một quả gò được thầy phong thuỷ cho là thế đất “Quy Bộ đầu, hình nhân bái tướng”.[2].

Theo nguồn tư liệu khác, chùa An Dưỡng về sau bị hư hại nặng, đã dời về cạnh đình làng Phú Gia trên gò Con Quy. Có hai chị em gái chuyên nghề buôn muối đã phát tâm bồ đề bỏ tiền ra xây dựng, tu sửa lại chùa, tạc tượng Phật, dựng gác chuông. Khi hai bà mất đi, để tỏ lòng biết ơn, dân trong vùng đã đúc tượng và rước vào chùa thờ như tượng hậu Phật.

Năm 1996, chùa Bà Già được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Ao chùa Bà Già. Photo NCCong ©2014

Kiến trúc

Ngày nay, chùa Bà Già nằm liền kề đình làng Phú Gia, bên cạnh con ngõ 209 An Dương Vương. Chùa quay mặt về hướng nam, phía trước cổng là một gốc đa cổ thụ được xếp hạng Cây di sản Việt Nam vào năm 2012.

Năm Nhâm Thìn 2012, chùa đã được trùng tu, tôn tạo theo phong cách cuối thời Nguyễn. Sau tam quan mới xây 3 tầng đồ sộ là đường dẫn qua vườn tượng đến tam quan cũ kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái duyên dáng. Tiếp theo là một sân rộng rồi đến tiền đường 5 gian, thiêu hương, thượng điện 3 gian với mặt bằng xây dựng hình “chữ Đinh” truyền thống. Phía sau là nhà Tổ, nhà Mẫu và các công trình phụ.

Di sản

Trong Bà Già Tự có tấm bia đá, văn bia khắc vào năm Dương Hòa 4 (1638) cho biết hai năm trước đó ngôi chùa đã được trùng tu lớn.

Mặt sau chùa Bà Già. Photo NCCong ©2014

Chùa hiện bảo lưu quả chuông đồng được đúc vào cuối mùa đông năm Ất Hợi Chính Hòa 16 (1695), cao 146 cm, trên có 7 chữ lớn “Tái chú Bà Già Tự hồng chung”, nội dung bài minh ca ngợi tiếng chuông, mô tả chùa và lý do đúc lại chuông. Trong chùa còn có bức hoành phi đề chữ “Bà Già Tự” và tấm bia “Bà Già Tự tân tạo bi ký” dựng năm 1683. Hệ thống tượng tròn gồm 58 pho, trong đó có 46 pho tượng Chư Phật, La Hán, Đế Thích và Phạm Thiên, được tạo tác công phu theo phong cách nghệ thuật thời cuối Lê, đầu Nguyễn.

Di tích lân cận

©NCCong 2013-2023, Ba Gia pagoda

CHÚ THÍCH
[1] Theo thần phả, đình thờ một vị tướng có công đánh giặc giữ nước đời Hùng Vương thứ 6 là Khai Nguyên làm thành hoàng. Ngài còn trị nạn hồng thủy, đem lại bình yên, hạnh phúc cho dân lành, nên được các đời vua sau ban 12 đạo sắc phong với 12 chữ “Cứu nước, cứu dân, âm phù, dương trợ, dân tình yên ổn”.
[2] Đến đời Tự Đức (1847-1883) họ Ông đổi thành họ Công.