17 Fabric street
Phố Hàng Vải
Phố Hàng Vải dài 240m, đi từ ngã tư Lãn Ông—Thuốc Bắc qua ngã tư Hàng Đồng—Bát Sứ và cắt ngang Hàng Gà rồi đến phố Phùng Hưng. Nay thuộc: phường Hàng Bồ, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 650m (hướng 11h). Trạm bus lân cận: 115 Phùng Hưng (xe 01, 18, 23, 36), 50 Hàng Cót (01, 36), 56 Hàng Cân (31).
Lược sử
Vào thời Nguyễn, Hàng Vải là một trong những con phố ở gần chợ Đông Thành (Đông Thành Thị: chợ phía đông thành), thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Dấu tích còn lại của khu chợ là đình Đông Thành và phố Hàng Bút ở mặt sau đình. Ngôi chợ này đã có từ rất lâu trước đó, trong sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn viết: “Thời nhà Lý mới đóng đô ở kinh đô Thăng Long, người bốn phương lũ lượt kéo đến, học tập buôn bán, cùng nhau mở chợ Cửa Đông, lập đàn tràng đại hội sát liền ngay đền thờ thần”.
- Hàng Vải—Cổng Đục. Ảnh ©2013 NCCong
Ngày xưa phố này gồm hai đoạn ngắn. Đoạn phía đông mang tên Hàng Vải Thâm; phần còn lại có tên Hàng Cuốc. Gọi là Hàng Vải Thâm nhưng tại đây lại bán các thứ vải tấm, tức là vải khổ nhỏ do khung cửi cổ truyền ở Kẻ Bưởi dệt ra, chỉ rộng độ hai gang tay. Có lẽ thêm chữ Thâm là vì ở đoạn phố đó bán nhiều vải nhuộm củ nâu và cũng để phân biệt với phố Hàng Vải cũ cạnh đấy chuyên bán vải trắng (nay đã nhập vào phố Thuốc Bắc).
Cuối thế kỷ XIX, một số kiều dân phương Tây đã đến ngụ cư ở phố Hàng Vải và kinh doanh, làm cho hàng hóa phong phú đa dạng hơn với nhiều thứ mới nhập cảng. Tuy nhiên mặt ngoài các cửa hàng vẫn gần y nguyên và đường phố dường như không mấy thay đổi. Khi chợ Đông Thành dọn về chợ Đồng Xuân thì nơi đây vẫn bày bán những mặt hàng theo truyền thống cũ như giấy bút, vải...
- Đầu phố Hàng Vải. Photo ©NCCong 2014
Phố Hàng Vải Thâm thời Pháp thuộc gọi là Rue des Etoffes, dịch khá đúng nghĩa đen. Từ năm 1945, phố này sáp nhập làm một với phố Hàng Cuốc và được đặt tên chính thức là phố Hàng Vải. Hồi đầu dân phố ít người giàu; chủ yếu chỉ gồm những gia đình buôn bán nhỏ trong các ngôi nhà kiểu cổ. Về sau mới có những người nhiều tiền ở nơi khác tới đây mua được nhà đất để xây dựng thành cửa hàng lớn với gác cao và hiện đại hơn.
Đầu phố Hàng Vải luôn luôn có rất nhiều xe cộ chở các loại thảo dược và nguồn hàng khác cho những cửa hiệu ở quanh ngã tư Thuốc Bắc—Lãn Ông. Đoạn này cho tới ngã tư Hàng Đồng—Bát Sứ là một khu vực buôn bán sầm uất và tấp nập.
- Cổng đình Đông Thành. Photo ©NCCong 2020
Phố Hàng Vải hiện nay không còn sinh hoạt phường hội kiểu ngày xưa nữa; trong phố hầu như cũng không ai bán vải. Đoạn giữa phố Bát Sứ và Hàng Gà từ cuối thế kỷ XX có mấy hộ chuyển sang chuyên bán tre cây và vật dụng bằng tre như thang, điếu cày, v.v.. Từ tre trong kiến trúc, xây dựng, cho tới tre trong nội thất, sinh hoạt hàng ngày đều được thiết kế và gia công tại đây.
So với đoạn đầu phố gần ngã tư Thuốc Bắc—Lãn Ông thì đoạn cuối phố nói chung tĩnh lặng hơn, phù hợp cảnh đền, chùa. Nơi đây tuy gần đường xe lửa nhưng số cửa hiệu buôn bán khá ít. Có một con phố nhỏ như ngõ, gọi là Cổng Đục, cũng không kinh doanh gì nhiều.
- Sân đình Tân Khai. Photo ©NCCong 2019
Dấu tích dọc phố
1. Chùa Thái Cam: năm 1990 được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Cổng chính chung với đình Tân Khai ở số 44 phố Hàng Vải, cổng hậu ở số 16c phố Hàng Gà.
2. Đình Đông Thành: số 7 phố Hàng Vải, toàn bộ ngôi đình mới được trùng tu trong giai đoạn 2013-2014 và xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố.
3. Đình Tân Khai (đình Rổ Rá): Cổng đình chung với cổng chùa Thái Cam ở số 44 phố Hàng Vải. Năm 1990 được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
- Hàng Vải—Hàng Gà. Ảnh ©2012 NCCong
Di tích lân cận
- Đền Nhân Nội: số 84 phố Hàng Bồ.
- Đền Tam Phủ: số 52 phố Hàng Cót.
- Đình Lò Rèn: số 1 phố Lò Rèn.
- Đình Ngũ Giáp: số 54 phố Hàng Cót.
- Đình Nhân Nội: số 33 phố Bát Đàn.
©NCCông 2011-2018, Hang Vai (Fabric) street