179 Oil street
Phố Hàng Dầu
Phố Hàng Dầu dài 185m, đi từ ngã tư Hàng Bè—Hàng Thùng—Cầu Gỗ, qua phố Lò Sũ đến phố Đinh Tiên Hoàng. Nay thuộc: phường Lý Thái Tổ, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 200m (hướng 3h). Trạm bus lân cận: BĐX Bờ Hồ (xe 09, 14), 23 Hàng Tre (04, 08, 11, 14, 18, 23, 31, 34, 36, 86), 54 Nguyễn Hữu Huân (04, 08, 11, 14, 18, 23, 36), 162 Trần Quang Khải (03, 24, 34, 42, 43, 48, 55, 86)
- Một nhà cổ cuối phố Hàng Dầu. Photo NCCong ©2012
Lược sử
Phố Hàng Dầu được xây dựng trên nền đất vốn thuộc thôn Nhiễm Thượng, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, phía đông kinh thành Thăng Long cũ. Chính quyền thực dân thời Pháp thuộc đặt tên là “Rue du Petit-Lac” (Phố Hồ Gươm) bởi vì con phố này chạy chéo từ phố Hàng Bè về bờ hồ Hoàn Kiếm.
- Một cửa hàng giày dép trên phố Hàng Dầu
Từ năm 1945 Rue du Petit-Lac được bác sĩ Trần Văn Lai thị trưởng Hà Nội chính thức đặt lại tên cũ là phố Hàng Dầu.
- Rạp Cinéma—Pathé cạnh đền Bà Kiệu, bên phải là phố Hàng Dầu (Bưu ảnh đầu thế kỷ XX)
Quả thật là xưa kia từng có nhiều hộ dân ở đây chuyên buôn bán các thứ dầu thảo mộc như dầu lạc, dầu vừng, dầu bông..., dùng để xào nấu hoặc thắp đèn. Ngày nay, những mặt hàng truyền thống ấy không còn thấy bày bán nữa mà thay vào đó là các loại giầy dép và ba lô, túi xách hiện đại.
Hiện nay phố Hàng Dầu được coi là một trong những trung tâm thương mại sôi động nhất Thủ đô, bởi nơi đây khách hàng mua lẻ và mua sỉ tấp nập từ sáng đến hơn 10 giờ tối. Các mặt hàng giầy dép đủ mọi chủng loại, màu sắc vô cùng phong phú nhưng phần lớn không niêm yết giá trên sản phẩm. Nếu khách hàng không mạnh dạn trả giá thì sẽ bị mua hớ.
Di tích trên phố
Trên phố Hàng Dầu đã từng tồn tại rạp chiếu phim đầu tiên ở Hà Nội, cũng là cổ nhất Việt Nam và Đông Dương. Năm 1899, điện ảnh được du nhập vào nước ta, ban đầu chỉ có dưới dạng chiếu phim trong các khách sạn và nhà hàng lớn nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ quan trọng. Đến năm 1920, một người Pháp tên là Aste đã bỏ tiền xây dựng rạp Cinéma - Pathé nằm ở bên trái đền Bà Kiệu, nay là khu tượng đài Cảm tử quân Hà Nội.
- Phạm Duy Tốn (1883-1924)
Phố Hàng Dầu còn có ngôi nhà của Phạm Duy Tốn (1883—1924), một trong các cây bút tiên phong trong nền văn học hiện thực ở Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình buôn bán dầu hỏa. Tác phẩm của ông gồm có "Sống chết mặc bay", "Bực mình", "Con người sở khanh", "Nước đời lắm nỗi", "Tiếu lâm An Nam", v.v.. “Sống chết mặc bay” là truyện ngắn đầu tay và nổi tiếng nhất của ông, sau này được đưa vào chương trình giảng văn ở cấp giáo dục phổ thông.
Phạm Duy Tốn từng tham gia trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Ông còn là cha của các trí thức và nghệ sĩ nổi tiếng một thời như Phạm Duy Khiêm (1908—1974, nhà giáo, nhà văn, chính trị gia, được trao giải Văn chương Đông Dương lần đầu tiên và giải thưởng Louis Barthou của Viện Hàn lâm Pháp); Phạm Duy Nhượng (1919—1967, nhà giáo, nhạc sĩ); Phạm Duy (1921—2013, tên thật Phạm Duy Cẩn, nhạc sĩ, ca sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc).
Di tích lân cận
- Đền Bà Kiệu: số 59 phố Đinh Tiên Hoàng.
- Đền Ngọc Sơn: số 4 phố Đinh Tiên Hoàng.
- Đền Thọ Nam: số 22 phố Hàng Thùng.
- Đình Trang Lâu: số nhà 77 phố Nguyễn Hữu Huân.
- Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục: đầu phố Đinh Tiên Hoàng.
- Tháp Hòa Phong: cuối phố Đinh Tiên Hoàng.
©NCCong 2014, Oil street