187 Tang Phuc pagoda

Chùa Tăng Phúc

q.Long Biênnhà Lýsông Đuống

Chùa tương truyền có từ cuối thế kỷ XII, xây lại đầu thế kỷ XXI. Tên chữ: Tăng Phúc Tự. Vị trí: 3V5P+9G, số 27 phố Thượng Thanh, P. Thượng Thanh, Q. Long Biên, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 6km (hướng 2h). Trạm bus lân cận: 18-20 Ngô Gia Tự (xe 10a, 10b, 15, 17, 42, 43, 54)

Lược sử

Tăng Phúc Tự là một ngôi chùa cổ của làng Thượng Cát, nay thuộc phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội. Theo các cứ liệu lịch sử, chùa do sư Tổ Ma Ha Ca Diếp Ma Đằng Hào Thụy khai sơn xây dựng vào nửa cuối thế kỷ XII dưới triều vua Lý Cao Tông và sau này được đại trùng tu vào đầu thế kỷ XVII thời Lê Trung Hưng.

Thượng Cát nằm ven sông Đuống, nơi đây vốn là một làng quan họ của trấn Kinh Bắc. Trấn này xưa kia rất rộng lớn, bao gồm 4 phủ và 20 huyện. Ngày nay hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và một số quận huyện của các tỉnh thành khác như: Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh của Hà Nội; Văn Giang, Văn Lâm của Hưng Yên; Hữu Lũng của Lạng Sơn đều đã từng thuộc địa phận Kinh Bắc.

Cổng cũ chùa Tăng Phúc. Photo ©NCCong 2014

Làng Thượng Cát là bên Em, kết Chạ với làng Mai Lâm bên kia sông Đuống là bên Anh. Hàng năm vào ngày rằm tháng giêng cư dân hai làng mở lễ hội chung rất tưng bừng, nhộn nhịp. Bên Anh bên Em cùng tổ chức đám rước Chạ qua sông, cúng lễ Thượng nguyên ở đình và chùa. Dân hai làng ca hát giao lưu bằng những làn điệu quan họ du dương, tha thiết.

Thượng Cát nghĩa là “cực lành”, xưa còn mang tên “ấp Gia Trợ”, tương truyền có thế đất phong thủy Quy Xà rất tốt. Tấm bia đá của làng từng ghi: “Nơi đây là đệ nhất cảnh quan của trấn Kinh Bắc”. Nhưng đến cuối thế kỷ XX, chùa bị xuống cấp nghiêm trọng và một thời gian dài không có sư trụ trì.

Tiền đường chùa Tăng Phúc. Photo ©NCCong 2014

Năm 2002, nhà chùa đã phát tâm vận động chính quyền địa phương và Phật tử góp công góp của làm lễ động thổ khởi công xây dựng lại ngôi chùa làng. Mười năm sau, đến xuân Tân Mão, nhân dịp đại lễ kỷ niệm Thăng Long—Hà Nội nghìn tuổi, chùa Tăng Phúc mới hoàn thành cuộc đại trùng tu trên diện tích 1400m2. Ngày 14-10-2011, chùa tổ chức Đại lễ khánh thành và an vị Phật.

Kiến trúc

Tam quan chùa Tăng Phúc xây kiểu hai tầng tám mái, mở ra một con ngõ rộng dẫn vào trụ sở UBND phường Thượng Thanh. Bên cạnh các câu đối chữ Hán trên côṭ còn có nhiều câu răn dạy của nhà Phật được đắp nổi bằng chữ Quốc ngữ trên bức tường dài dọc theo ngõ. Sau cổng là cây hương cổ và ngọn tháp Tổ ở bên trái, tượng Quán Thế Âm Bồ Tát ngồi tựa gối chống tay trên một trong các tảng cẩm thạch lớn ở bên phải.

Nhà Văn hoá và chùa Tăng Phúc. Photo ©NCCong 2014

Mặt chùa nhìn về hướng đông-nam. Sân chùa lát gạch đỏ, rộng hơn 800m2, dẫn thẳng lên thềm tiền đường tòa tam bảo. Bên phải là sân chơi của nhà văn hóa thôn dưới tán lá xanh của các cổ thụ, tạo cảm giác thoáng đãng và dịu mát. Phía đó còn có một ngôi nhà bia nhỏ bên cạnh lối đi chung thông sang cổng nhà văn hóa mở ra phố với hai tượng Hộ pháp trấn giữ bên ngoài.

Chùa được xây lại cao hai tầng, kết cấu bằng bê tông cốt thép. Mái chùa vẫn giữ theo lối cổ truyền. Dưới tầng một là nhà thờ Tổ và giảng đường có diện tích hơn 400m2, hai bên có nhà khách và nhà ăn. Hàng cột trước hiên chùa được chạm khắc tinh tế trên thân đá và cả trên phần gỗ ở đầu trụ áp mái bằng những hoa văn đẹp mắt.

Lưng chùa Tăng Phúc. Photo ©NCCong 2014

Bên trên lầu là chính điện thờ Phật và một ban thờ Mẫu. Nội thất ở đây tràn ngập màu sắc tâm linh với các hoành phi, câu đối, bệ thờ, tượng Phật, tượng Thánh… Hệ thống họa tiết trang trí trên câu đầu, cột trốn, đường đao hay cửa ra vào, cửa thông gió và bệ thờ đều được chạm khắc rất tinh xảo, phỏng theo mẫu của các ngôi chùa đặc trưng cho vùng châu thổ sông Hồng thời Lý—Trần.

Di sản

Sau đợt trùng tu tôn tạo vừa qua, trong chùa Tăng Phúc vẫn giữ được hai hiện vật rất quý có từ thế kỷ XVIII. Cổ nhất là cây hương đá Kính Thiên Đài hình trụ lục lăng, chạm khắc chữ Hán, hoa văn tinh xảo, được dựng ngày 27 tháng 7 năm Tân Tỵ thời Lê Trung Hưng, niên hiệu Chính Hòa thứ 22 (1701). Tiếp theo là quả chuông đồng nặng 300kg, cao 130cm, đường kính 55cm, được đúc vào ngày mồng 1 tháng Chạp năm Quý Sửu (1793) thời Tây Sơn, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ nhất.

Bảo tháp và cây hương chùa Tăng Phúc. Photo ©NCCong 2014

Ngoài ra trong số các câu đối còn có một đôi nêu rõ tên chùa:
“Thiên Tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ
Xuân mãn càn khôn Phúc mãn môn”

Di tích lân cận

©NCCông 2013-2014, Tang Phuc pagoda