191 Mai Phuc pagoda

Chùa Mai Phúc (Minh Tông Tự)

sông ĐuốngLong BiênLê trung hưng

Chùa Mai Phúc có từ đầu thế kỷ XVII. Tên chữ: Minh Tông Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1992). Vị trí: 2VRX+2F, số 231 Nguyễn Văn Linh, P. Phúc Đồng, Q. Long Biên, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 8 km (hướng 2 h). Trạm bus lân cận: 274 Nguyễn Văn Linh (xe 11, 59)

Lược sử

Theo sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi (thời Hậu Lê, đầu thế kỷ XV), Mai Phúc là một làng cổ xưa thuộc quận Gia Lâm của thời Lý, trước đó thuộc huyện Long Biên của thời Bắc thuộc. Theo truyền thuyết dân gian và tư liệu còn lại trong di tích thì chùa Mai Phúc được làm từ đầu thế kỷ XVII và đã qua nhiều lần tu sửa. Tấm bia đá trong chùa mang niên đại Vĩnh Trị thứ 4 (1679) chép việc hưng công tu tạo, còn thượng lương của nhà thiêu hương ghi niên đại Tự Đức 32 (1879, thời Nguyễn); như vậy ít nhất đã có hai lần tu sửa lớn trước khi quân Pháp sang chiếm nước ta.

Kiến trúc hiện nay của chùa giữ được dấu tích toà tiền đường xây năm Canh Tuất dưới đời vua Duy Tân (1910), các chi tiết cũ được tận dụng đưa vào tòa thiêu hương và thượng điện. Các toà nhà Tổ, nhà tăng và nhà hậu đều được sửa vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Năm 1947, khi thực dân Pháp mở rộng sân bay Gia Lâm đã phá bỏ hoàn toàn gác chuông và tam quan chùa, lại hủy hoại điện Mẫu, nhà Tổ.

Ngõ chùa Mai Phúc. Photo NCCong ©2014

Trong kháng chiến chống Pháp, chùa từng là cơ sở của các chiến sĩ quân báo theo dõi hoạt động của địch tại sân bay Gia Lâm. Năm 1952-1953 sau khi bắt giam sư thầy Đàm Huệ, địch đã đóng quân ở chùa và phá hỏng phần trong của thượng điện. [Sư thầy bị quân Pháp bắt tra khảo nhưng không để lộ gì, về sau được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen]. Những năm này làng đã phải làm một ngôi chùa tạm để thờ ở cánh đồng Chài. Mãi đến năm 1956-1957 nhân dân và nhà chùa mới làm lại điện Mẫu, sửa chữa nhà Tổ và thượng điện.

Năm 1992 chùa được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Kiến trúc

Du khách từ ngã tư Nguyễn Văn Cừ—Nguyễn Văn Linh rẽ về phía nam đi theo quốc lộ QL5 khoảng chừng 1,7km sẽ nhìn thấy bên kia đường có một ngõ rộng giữa hai hàng cọ lớn dẫn tới tam quan chùa Mai Phúc. Bên tay phải ngõ này là 5 ngọn tháp mộ trong một thửa ruộng nhỏ áp tường với ngõ 231 Nguyễn Văn Linh. Từ cổng tam quan đi vào theo bên tay phải, ta sẽ lần lượt bước qua sân cạnh giếng chùa tới khu điện Mẫu, nhà Tổ rồi mới đến chùa chính.

Sau tam quan chùa Mai Phúc. Photo NCCong ©2014

Chùa chính quay về hướng tây nam, mặt bằng có hình chữ “Đinh”, bao gồm các tòa tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Tiền đường rộng 5 gian 2 dĩ, có hàng cột ở ngoài hiên, đầu hồi bít đốc tay ngai. Hồi trái được trổ cửa ra ngoài, làm thành một am thờ với mái vòm cuốn, là nơi để bia và thờ hậu. Hai gian bên sát đầu hồi có xây bệ gạch cao làm ban thờ Đức ông và Thánh tăng.

Tòa thiêu hương 4 gian 2 dĩ với 5 bộ vì, cột và các bệ được xây từng lớp giật cấp thành toà tam bảo. Chùa có trang trí chạm nổi trên các cấu kiện gỗ và một số hình đắp bằng vôi mật. Ở tiền đường, trên các cốn có chạm nổi một số hình văn triện đan xen cúc dây. Các cốn ở 2 vì giữa và các kẻ hiên đều chạm trổ thư, kiếm; long, ly, quy, phượng và ao sen, cá chép, cúc dây…

Gác chuông chùa Mai Phúc. Photo ©NCCong 2014

Trong đợt trùng tu lớn vào đầu thế kỷ XXI, bên phải khu vườn sau tam quan có xây thêm giả sơn và toà đình lục giác làm nơi thờ tượng Quán thế âm Bồ tát, cạnh giả sơn bên trái đặt một pho tượng Phật Di Lặc, cả hai đều tạc bằng đá trắng toát và ngồi ở tư thế đối diện nhau qua con đường trục đi vào sân chùa chính. Giữa trục này án ngữ một giếng nước lớn hình tròn với lan can và cầu ao chạm rồng, làm bằng đá xanh.

Di vật

Các pho tượng cổ trong tòa tam bảo không còn lại nhiều sau khi trải qua chiến tranh, hiện chỉ có nhóm tượng Đức Ông, Thánh Tăng ở hai bên tiền đường với nhóm tượng Phật ở giữa. Tòa Cửu Long (Thích ca sơ sinh) đúc bằng đồng, mang dấu ấn nghệ thuật điêu khắc của thế kỷ XIX. Pho tượng Ngọc Hoàng và Mục Liên Địa tạng đặt ở phía sau Cửu Long. Riêng pho Địa tạng là một tác phẩm thuộc loại hiếm, thường được tạo tác từ trước thế kỷ XVIII. Tiếp đến là các pho Thế tôn, A Nan, Ca Diếp, A Di Đà và Quan Âm toạ sơn cùng Kim Đồng, Ngọc Nữ.

Toàn cảnh chùa Mai Phúc. Photo ©NCCong 2014

Tại nhà Tổ có đặt ba pho tượng thờ các vị sư trụ trì đã viên tịch. Trong Điện Mẫu là ban thờ Tam phủ. Ngoài ra trong chùa Mai Phúc còn lưu giữ được các tấm bia đá mang niên đại Đức Nguyên thứ nhất (1674), Duy Tân (1910), Bảo Đại (1928) và hai quả chuông đồng nhỏ. Tam quan mới xây lại đồ sộ, trên gác giữa khá rộng có treo một quả đại hồng chung được đúc gần đây.

Di tích lân cận

©NCCong 2013-2021, Mai Phuc pagoda