196 Bao An pagoda

Chùa Báo Ân

nhà Trầnh.Gia Lâmsông Đuống

Chùa Báo Ân cũ có từ khoảng thế kỷ XIII-XIV, nay được phát lộ một phần. Xếp hạng: Di tích TP Hà Nội (2003). Lễ hội: 14 tháng 4 ÂL. Vị trí: 2X3G+XV, thôn Quang Trung, xã Dương Quang, H. Gia Lâm, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 20 km (hướng 3 h). Trạm bus lân cận: Ngã 4 Phú Thị - Kiêu Kị (xe 40, 52a, 52b)

Lược sử

Chùa Báo Ân toạ lạc tại thôn Quang Trung, xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, trước đây thuộc huyện Thuận Thành, Kinh Bắc. Theo truyền thuyết, chùa được xây dựng từ thời Lý, khá gần đền thờ Linh Nhân Hoàng Thái Hậu, người Thổ Lỗi, tức nguyên phi Ỷ Lan của Lý Thánh Tông. Đại Việt sử kí toàn thư chép rằng sau sự biến bức tử Dương Thái Hậu cùng 76 cung nữ năm 1073, bà đã cho “dựng chùa thờ Phật, trước sau hơn trăm sở… để sám hối và sửa oan”, trong đó có chùa Báo Ân. Hương Thổ Lỗi năm 1068 đổi thành Siêu Loại, do đó còn có tên chùa Siêu Loại.

Sử cũ ghi tháng 10-1308 sơ tổ Trúc Lâm là Nhân Tông về kinh thăm công chúa Thụy Thiên ốm nặng. Đến ngày rằm, ngài lại lên núi Yên Tử, dọc đường có nghỉ đêm tại chùa Siêu Loại. Năm 1312 ngài cúng chùa 5 vạn quan tiền và 500 mẫu ruộng. Năm 1313 Bảo từ Hoàng Thái Hậu cúng vào chùa 300 mẫu gia điền, còn vua Anh Tông lấy đồ thờ tam bảo của mẹ để cung tiến cùng vật liệu xây dựng và cung cấp thợ xây thêm tháp. Năm 1315 vua lấy 30 mẫu ruộng của cung nhân cũ họ Phạm cúng vào chùa, v.v…

Một tháp mộ chùa Báo Ân. Photo NCCong ©2015

Năm 1314 tại đây, sư Pháp Loa cho xây 33 công trình trong đó có Phật điện tàng kinh và Tăng đường, mời hai vị sư huynh là Tông Cảnh, Bảo Phác mở những lớp giảng Tứ phần luật cho tăng sĩ và in 5.000 bản kinh. Hoàng Thái hậu đã quy y tại chùa rồi năm 1323 Văn Huệ Vương và Uy Huệ Vương cũng xin thụ Bồ Đề tam giới và Phát Quán đỉnh.

Trải qua nhiều triều đại, chùa cũ chỉ còn để lại dấu tích khảo cổ học, một số bia đá và tháp mộ. Trên hai tấm bia đời Lê Thần Tông đều có ghi về nguồn gốc và những lần tôn tạo, sửa chữa lớn của ngôi chùa cũ. Nội dung “Báo Ân đại thiền tự bi ký” ghi nhận năm Đức Long thứ hai (1630) một số vương phi và quan to nhà Trịnh đã bỏ tiền đại trùng tu tam quan, bái đường, thiêu hương, lầu chuông, gác trống và tô tượng. [1]

Trước 1946, chùa có 36 nóc nhà với 99 gian cùng hai tam quan nội ngoại, dân gian gọi là chùa Cả. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cùng những biến cố xã hội, chùa bị phá dỡ, nhiều di vật thuộc chùa cũng bị chuyển vào ngôi đền thờ vua Trần Nhân Tông ở bên cạnh.

Tam quan chùa Báo Ân. Photo NCCong ©2015

Qua ghi chép của sử sách và nghiên cứu di vật tìm thấy tại đây, có thể khẳng định chùa Báo Ân có từ thời Trần, tới thời Lê được tu bổ và xây dựng lại vào thế kỷ XVII—XVIII, hướng hơi xoay về phía nam. Việc phát hiện một số góc của mặt bằng kiến trúc cũ cũng cho phép đoán định chùa xưa hướng về phía tây, nhìn ra nhánh sông Dâu mà nay chỉ còn là một cái hồ dài.

Kiến trúc

Ngôi chùa được xây dựng lại vào thế kỷ XX trong một khuôn viên diện tích nhỏ hơn xưa rất nhiều. Tam quan với gác chuông kiểu 3 tầng 8 mái mở ra đường làng. Sau -cổng có một cây hương đá dựng năm Vĩnh Thịnh thứ tư (1709) và sáu tấm bia, trong đó bia cổ nhất mang niên đại Đức Long (1630) và muộn nhất là Thành Thái năm thứ 11 (1899). Toà tiền đường 3 gian 2 dĩ kết nối với hậu cung theo hình “chữ Đinh”.

Cập nhật: ngày 12 tháng 6 năm 2019 đã tổ chức lễ động thổ một ngôi chùa đồ sộ với phù điêu, tượng Phật hoàng Nhân Tông và các công trình khác. Chùa mới nhìn về phía đông nam, kiến trúc theo hình “chữ Công”.

Sân chùa Báo Ân. Photo NCCong ©2015

Năm 2003 chùa Báo Ân đã được UBND TP Hà Nội công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá của thành phố.

Di vật

Những phát hiện trong 3 lần khai quật ở đây chủ yếu là vật liệu xây dựng, trang trí kiến trúc và đồ gốm tráng men. Trên một số gạch thẻ và gạch chữ nhật có ghi các niên hiệu của triều đại nhà Trần như “Hưng Long Thập Nhị Niên” (1304) hay “Vĩnh Ninh Tràng”.

Trong chùa còn lưu giữ được những hiện vật quý như bộ tượng Tam thế Phật, Di Đà tam tôn, Quan Âm chuẩn đề, Bồ Đề Đạt Ma sư tổ, A Di Đà, cùng tượng vua Trần Nhân Tông, các pho tượng hậu và tượng khác liên quan đến Phật giáo. Lại có một quả chuông đồng đúc năm Minh Mạng thứ 4 (1824).

Tháp lớn nhất cao gần 10 m với ba tầng được xây bằng gạch nung già, mỗi viên rộng 24 cm x 24 cm, dày 10 cm. Hai tháp khác được tạo từ đá nguyên khối, lòng tháp có ghi “Nam Thiên Quốc lập tàng phù môn, trụ trì Bắc Lập, pháp hiệu Chân Ngôn, tự Thắng Minh”.

Bia chùa Báo Ân. Photo NCCong ©2015

Di tích lân cận

Chú thích
[1] Văn bia khắc năm 1636 còn ghi rõ: Vương phủ nội đệ nhị cung tần Đào Thị Ngọc Hữu cùng với con là Khuê quận công Trịnh Lựu và quận chúa Ngọc Xuân, Ngọc Niệm cúng cho chùa 26 mẫu ruộng cùng 6 dật bạc tinh để chi dùng việc đèn hương. Bà Thái Thị Ngọc Phi cũng cúng 9 sào ruộng cùng 5 dật bạc tinh cho chùa. Văn bia “Trùng tu Báo Ân Tự bi ký” cho biết những thế kỷ sau đó, chùa liên tục được trùng tu, sửa chữa tiền đường, Phật điện vào các năm Cảnh Hưng thứ 10 (1750), Thành Thái thứ 4 (1892) và đúc lại chuông vào năm Minh Mạng thứ 4 (1824), v.v…

©NCCong 2015-2019, Bao An pagoda