201 Ngo Tram street

Phố Ngõ Trạm

Phố Ngõ Trạm dài 228m, đi từ chợ Hàng Da đến ngã ba Phùng Hưng. Nay thuộc: phường Hàng Bông, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 800m (hướng 8h). Trạm bus lân cận: đầu phố Quán Sứ và cuối Đường Thành (xe 01), đầu Điện Biên Phủ (02, 09, 32, 34, 45), cuối Phùng Hưng (18, 23)

Lược sử

Phố Ngõ Trạm ở trên đất thôn Yên Trung Hạ, tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Phố ra đời vào đầu thế kỷ XX với tên Rue Bourret nhưng dân ta quen gọi là Ngõ Trạm Mới, rồi rút gọn thành Ngõ Trạm khi phố Ngõ Trạm Cũ mang tên Rue Hà Trung. Tên phố do Pháp đặt ra trong TP Hà Nội đã được đổi lại khi thị trưởng Thẩm Hoàng Tín ký Nghị định số 138-NĐ ngày 28-2-1951, từ đó đến nay Ngõ Trạm trở thành tên chính thức.

Phố Ngõ Trạm Mới đã được chính quyền thực dân quy hoạch cùng vài phố lân cận trên một khu vực có nhiều bãi đất bỏ hoang dọc đường xe lửa và các ruộng trồng hoa, trồng rau thuộc thôn Yên Trung bên cạnh chợ Hàng Da. Tại đây, lúc đó chỉ lác đác mấy ngôi nhà gần cây Cầu Sắt ở đầu phố Đường Thành, trong đó có trường tiểu học Pháp-Việt (gọi là trường Cửa Đông) xây một tầng gồm năm gian lớp cạnh gốc đa cổ thụ và sân chơi. Suốt từ chỗ đấy đến chợ Hàng Da hầu như chưa xây dựng gì.

Hội thánh Tin Lành Hà Nội. Ảnh NCCong ©2014

Sau đó chính quyền thực dân nhanh chóng cho san lấp mặt bằng, chia lô, mời các nhà giàu bỏ tiền tậu đất. Chỉ trong vòng mười năm đã có nhiều quan lại tìm đến khu vực này xây biệt thự để ở như tổng đốc Hoàng Thụy Chi, tuần phủ Phạm Gia Thụy, v.v. hoặc những tổ chức xã hội như Hội thánh Tin Lành Hà Nội và Hội Hợp Thiện thì xây trụ sở, cũng như những nhà tư sản nội ngoại thì lại xây các dãy nhà tầng để kinh doanh cho thuê.

Phố Ngõ Trạm tuy ở sát chợ Hàng Da nhưng hồi ấy yên tĩnh, nhà cửa chủ yếu xây để ở. Ngoài ra còn có những khách sạn thường ở góc đường, trông bề thế. Những dãy nhà nhiều gian rộng rãi cao ráo thì được cho thuê để mở trường (vd. trường trung học Thăng Long—An Nam học đường...), phòng khám và bệnh viện tư (phòng khám của bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, bệnh viện của Phạm Hữu Chương, Kỳ Quang Thân...).

Biệt thự cũ phố Ngõ Trạm. Ảnh NCCong ©2012

Dân cư hồi ấy gồm nhiều nhà tư sản và trí thức trẻ. Nơi đây đã diễn ra các hoạt động văn hoá xã hội. Đầu thập niên 1930 có nhóm hội viên Việt Nam của Hội Tam Điểm Bắc Kỳ [1] và đến thời kỳ Mặt trận Dân chủ 1936—1939 lại có những tổ chức chính trị tìm đến đặt trụ sở cho cơ quan ngôn luận của họ (toà báo Tin Tức, báo Bạn Dân, Hà Thành thời báo).

- Xem: Ngã ba Ngõ Trạm—Phùng Hưng. Panorama ©NCCong 2014 summer

Ngõ Trạm ngày nay, bên số chẵn có 10 nhà, đầu phố là Tổng Hội Hội Thánh Tin Lành Miền Bắc Việt Nam [2], đoạn giữa phố bao gồm những biệt thự và cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, cuối phố có trường tiểu học Thăng Long (số 20) mới được đại trùng tu mà tiền thân là trường tư thục Thăng Long nổi tiếng với bao nhân vật của "thế hệ vàng" [3]. Bên số lẻ có 20 nhà, đầu phố là những cửa hàng ăn uống nổi danh với các món bún chả, lẩu gà, bò, cá, thập cẩm...; cuối phố là những cửa hàng chuyên bán đồ điện.

Cuối phố Ngõ Trạm. Ảnh NCCong ©2014

Di tích lân cận

©NCCông 2011-2019, Ngo Tram street
[1] Hội Tam Điểm Bắc Kỳ có 2 trụ sở tại Hà Nội: a/ trước ga Hàng Cỏ, ở cuối phố Trần Hưng Đạo bây giờ, gọi là Loge Ecossaise, nơi hội viên người Pháp họp đông; b/ ở phố Đường Thành, nơi sinh hoạt riêng của hội viên người Việt.
[2] Trụ sở Hội Thánh Tin Lành Hà Nội xây năm 1915, sau được mở rộng 3 lần.
[3] Trường tư thục Thăng Long thành lập năm 1929, nâng cấp lên trường trung học năm 1935, cụ Phạm Hữu Ninh là hiệu trưởng. Hầu hết các thầy giáo của trường sau này trở thành những nhà cách mạng và trí thức lớn như Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giám, Bùi Kỷ, Phan Thanh.