203 Trang Tien street

Phố Tràng Tiền

Phố Tràng Tiền dài 708m, đi từ ngã ba Trần Quang Khải—Trần Khánh Dư đến ngã tư Hàng Bài—Hàng Khay—Đinh Tiên Hoàng qua 9 phố: Phạm Ngũ Lão, Tông Đản, Cổ Tân, Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Phan Chu Trinh, Nguyễn Khắc Cần, Ngô Quyền, Nguyễn Xí. Nay thuộc: phường Tràng Tiền, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 850m (hướng 5h). Trạm bus lân cận: 30 Tràng Tiền (xe 02, 34), Dốc Bác Cổ (03a, 14, 24, 42, 43, 48, 55), đầu Phan Chu Trinh (02, 04, 11, 34, 35, 40, 45, 49), 75 Đinh Tiên Hoàng (08, 09, 31, 36, 86)

Lược sử

Phố Tràng Tiền xưa kia là một con đường dài, phía tây giáp phủ Chúa Trịnh, phía đông giáp với cửa ô Tây Long [1] thông ra căn cứ thuỷ quân và bến sông Hồng. Đường này đi qua đất của ba thôn Tây Long, Thạch Tần, Cựu Lâu, thuộc tổng Phúc Lâm (Hữu Túc), huyện Thọ Xương cũ. Khoảng năm 1808, một xưởng đúc tiền được vua Gia Long nhà Nguyễn cho lập ra ở đây, tên chữ là Bảo Tuyền Cục, dân quen gọi là Tràng Tiền.

Mặt tiền Nhà hát Lớn ©NCCong 2020

Ngày 20-11-1873 Francis Garnier chỉ huy quân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội lần thứ nhất. Sau đó thì dải đất dọc đê sông Hồng dài khoảng 1km từ chỗ hiện nay là Bảo tàng Lịch sử trở xuống Viện Quân Y 108 đã bị triều đình Huế cắt làm khu nhượng địa Đồn Thuỷ. Pháp xây doanh trại và bệnh xá trong khu này cùng một chiếc cổng ở chỗ Nhà hát Lớn bây giờ, đặt tên là Porte de France (Cổng Pháp Quốc).

Chiếm xong toàn thành Hà Nội (1882), chính quyền thực dân lập quy hoạch đô thị, lấp sông Tô Lịch, phá chùa Báo Ân, xây công sở và chia lô bán đất cho người giàu. Các phố Tây nhanh chóng hình thành và lối sống Pháp cũng thế. Năm 1885, riêng từ cổng Pháp Quốc đến hết phố Hàng Khay đã có 6 quán cà phê, trong khi từ đường kính, bơ sữa cho tới ...nước đá (!) vẫn còn phải nhập khẩu.

Garage Boillot xây năm 1900 tại số 3 Tràng Tiền

Lúc đầu ở gần đó có các đám cháy khủng khiếp, xưởng đúc tiền bỏ hoang. Dần dần về sau nhiều tòa nhà lớn đã mọc lên: Grand magasin Lacaze (1901), Centre commercial Godard (1901), Théâtre municipal de Hanoi (xây 1901-1911), Direction des Douanes et Régies de l’Indochine (1906), Imprimerie d’Extrême-Orient (1907, năm 1920 nâng lên 6 tầng), Musée Louis Finot (1925-1932), v.v..

Ngày 17-7-1914 Đốc lý Hà Nội ký nghị định số 791 chia thành phố ra 8 khu và Tràng Tiền nằm ở khu 4. Hồi đó con đường dài từ bờ sông đến hết phố Hàng Khay được phân đôi như sau. Đoạn đầu ở giữa Bảo tàng Viễn Đông Bác Cổ và Quảng trường Nhà hát Lớn gọi là Rue de France. Năm 1945 thay tên phố Đồn Thuỷ. Năm 1951 đổi là phố Pháp Quốc. Đoạn sau gọi là Rue Paul Bert. Năm 1945 mới đổi tên và tách tiếp làm hai phố Tràng Tiền, Hàng Khay. Năm 1951 lại thay tên là phố Anh Quốc.

Tòa nhà Lacaze và Godard đều xây lại vào thập kỷ 1920

Sau 10-10-1954 chính quyền mới của thủ đô đã gộp hai phố Pháp Quốc, Anh Quốc làm một và chính thức đặt tên là phố Tràng Tiền. Ảnh chụp từ máy bay cho thấy rõ những công trình lớn nhất trên con phố này gần một thế kỷ trước. Ngày nay du khách đến đây vẫn có thể tìm thấy đôi nét đặc trưng hoài cổ cho dù dân sở tại đã rất quen với lối sống phương Tây mà nổi bật nhất chính là sách báo.

Lưu ý

Phố Tràng Tiền là một trong những phố đẹp nhất thủ đô. Hiện nay đáng tiếc không còn dấu vết của xưởng đúc tiền và nhiều tòa nhà cũ cũng bị phá để xây cao hơn [2] nhưng ở đầu phố có Nhà hát Lớn Hà Nội (tên cũ: Théâtre Municipal de Hanoi), Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Musée Louis Finot), Bảo tàng Cách mạng (Direction des Douanes et Régies de l’Indochine) là những địa chỉ văn hóa thường xuyên được nhiều khách đến thăm.

Nhà sách Schneider (đối diện trụ sở BFC) xây lại vào thập kỷ 1930

Các tòa nhà trên mang phong cách Tân Cổ điển. Ngoài ra, dọc phố Tràng Tiền còn sót lại vài kiến trúc kiểu Art Deco trong trụ sở Trung tâm văn hoá Pháp L’Espace (nhà in IDEO), trụ sở Bộ Thương Mại (chi nhánh BFC tức Banque Franco-Chinoise), trụ sở Trung tâm Thông tin Triển Lãm TP Hà Nội (Taverne Royale xây lại từ nhà Lacaze). Tất cả đều thuộc diện những di tích tiêu biểu của kiến trúc Pháp tại Đông Dương.

Trụ sở chi nhánh BFC xây năm 1925 trên nửa phía tây của Hanoi Hotel, một khách sạn lớn có từ cuối thế kỷ XIX và là nơi chí sĩ Nguyễn Khắc Cần đã ném tạc đạn giết chết 2 sĩ quan cấp tá của Pháp ngày 26-4-1913. Ông cùng 6 thành viên khác của Việt Nam Quang Phục Hội bị bắt rồi xử tử. Về sau tên ông được đặt cho con phố ngắn bên hông hotel này (đối diện Trung tâm văn hoá Pháp L’Espace).

Phố Tràng Tiền nhìn từ máy bay

Đặc biệt Quảng trường 19-8 phía trước Nhà hát Lớn đã từng chứng kiến cuộc mít tinh diễu hành rất lớn được Mặt trận Việt Minh biến thành ngòi nổ cho lực lượng vũ trang cướp chính quyền vào mùa thu năm 1945 và từ đó trở thành nơi tụ họp thường xuyên của người Hà Nội. Năm 2011, Nhà hát Lớn cùng Quảng trường 19-8 đã được xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc quốc gia.

Di tích lân cận

Quảng trường Nhà hát Lớn ngày 19-8-1945

©NCCông 2015-2020, Rue Trang Tien
[1] Còn gọi là ô Tây Luông, sau đổi thành Trường Long.
[2] Vd. nhà sách Schneider xây trước năm 1901, sau 1954 đổi là hiệu Quốc văn Tổng hợp rồi xây lại thành International Center. Hoặc Hanoi Hotel có từ trước 1900, năm 1962 đổi tên là KS Dân Chủ và đến 2004 xây lại thành Hotel de L’Opera Hanoi.