214 Nhat Tan community hall

Đình Nhật Tân

q.Tây HồUy Linh Langsông Hồng

Đình Nhật Tân có từ thời Lê trung hưng. Thờ thành hoàng: Uy Linh Lang Đại Vương. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1994). Vị trí: số 401 đường Âu Cơ, 3RGC+FH, Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 6,8 km (hướng 11 h). Trạm bus lân cận: Đình Nhật Tân - Âu Cơ (xe 31, 33, 41, 55, 58).

Lược sử

Đình Nhật Tân có từ thời Lê Trung hưng, xưa gọi là đền Nhật Chiêu. Mãi tới triều Nguyễn dưới đời vua Khải Định mới đổi tên thành Nhật Tân. Đền thờ Uy Linh Lang Đại Vương là một vị tướng quân thời Trần, đến nay đã trải qua bốn thế kỷ, nổi tiếng là linh thiêng.

Tương truyền Uy Linh Lang là con bà Chính Cung Minh Đức Hoàng Hậu. Lớn lên ông là một người học rộng, tài cao, đức trọng, xa gần đều khen. Đến đời vua Trần Nhân Tông, tướng giặc là Toa Đô đem hàng chục vạn quân Nguyên chia làm hai đường thủy, bộ tiến vào nước ta. Ông dâng biểu bày kế sách dẹp giặc ngoại xâm, tự xin đem gia binh đi đánh giặc. Vua khen Uy Linh Lang có chí lớn và đồng ý.

Sân đình Nhật Tân. Ảnh ©NCCong 2015

Uy Linh Lang liền tập hợp môn hạ, chiêu mộ quân sỹ dưới cờ được hơn vạn người. Ông gọi họ là đội Thiên tử quân, tấn công giặc Nguyên ở Bình Than và đại thắng. Vào giờ Ngọ ngày mùng 8 tháng 8 năm Bính Tý, tướng Uy Linh Lang bị bệnh nặng và ngài hóa. Vua và bàn dân thiên hạ thương xót lắm, lập tức xây ngôi đền ở chỗ ông qua đời để thờ, gọi là đền Nhật Chiêu, sắc phong mỹ tự là Hiển Minh Đức.

Đình Nhật Tân còn là nơi nhân dân địa phương tham gia chống giặc dốt sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Đầu những ngày kháng chiến chống Pháp (tháng 12-1946), đội Quyết tử ở quận Lãng Bạc (một xã ở huyện Từ Liêm trước) đã được thành lập dưới mái đình Nhật Tân. Hồi ấy, Ủy ban Hành chính Liên khu I tức Hà Nội đã lấy đình Nhật Tân làm trạm chuyển quân lương, trạm cứu thương và nơi đón tiếp thương binh trong suốt 60 ngày đêm chiến đấu ở Thủ đô. Ngày 8-5-1960, nhân dân Nhật Tân vinh dự được đón Hồ Chủ tịch về thăm đình.

Sau đình Nhật Tân. Ảnh ©NCCong 2015

Kiến trúc

Căn cứ vào tấm bia cổ nhất còn lưu lại trong đình Nhật Tân, có thể xác định thời gian xây dựng đình là năm 1613, dưới thời chúa Trịnh Tùng. Trải qua bao sự kiện lịch sử, đình đã đổ nát rồi lại được sửa chữa, tôn tạo nhiều lần. Ngôi đình trước đây từng dùng làm trường Tiểu học, nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long—Hà Nội mới được tu bổ và trả lại cho phường. Hiện nay dáng dấp đình sau đợt trùng tu này mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn với các công trình phía sau được xây cao hơn.

Cổng nghi môn của đình Nhật Tân nhìn hơi chếch về hướng đông-nam, ăn thông ra con đường làng cũ. Mặt bằng xây dựng nằm trên triền gò đất được giật cấp theo kiểu chữ “Tam”; bao gồm ba gian đình thượng, bảy gian đình trung, bảy gian đình hạ và các nhà tả hữu mạc ở hai bên sân lát gạch tiếp theo sau cột nghi môn. Cạnh tả mạc có một cây sanh cổ thụ duy nhất còn sót lại, tháng 9-2011 được xếp hạng là “Cây di sản quốc gia”.

Sân tiền tế đình Nhật Tân. Ảnh ©NCCong 2015

Trước nghi môn còn có một sân gạch rộng nữa; bên phải cho trường Cao đẳng nghề Hùng Vương thuê làm trụ sở, bên trái có bậc thềm rồng đá khá cao mở cửa ra đường Âu Cơ ở hướng đông-bắc. Hai bên bậc thềm này lại có hai tấm bia đá khắc ghi lược sử và danh xưng Di tích quốc gia. Vòng quanh hậu cung là sân sau, có mở một cửa nhỏ từ đường Âu Cơ dẫn qua gốc nhãn và bậc thềm khác xuống đài tưởng niệm liệt sĩ ở dưới chân gò nhìn về phía Hồ Tây.

Di sản

Trong đình vẫn lưu 36 đạo sắc qua các triều đại phong cho thành hoàng làng Nhật Tân tức Uy Linh Lang Đại Vương. Ngoài ra, đình còn giữ được các cổ vật thời Lê như bộ long ngai có giá trị lịch sử và thẩm mỹ cao. Lại có những hoành phi, câu đối ghi bằng chữ Hán như: “Nhật Điện Uy Linh” và “Đông A hiển thánh thanh thiên cổ, Tam quốc phong trần điện Nhật Chiêu”.

Trong đình Nhật Tân. Ảnh ©NCCong 2015

Ngày 25-1-1994 đình được xếp hạng Di tích lịch sử nghệ thuật quốc gia. Gần đây phường Nhật Tân đã khôi phục lại nghi thức tế lễ. Lễ hội chính thức được tiến hành tổ chức vào ngày 15 tháng 8 và ngày 10 tháng 2 âm lịch hàng năm. Đặc biệt cứ mỗi 5 năm lại tổ chức lễ rước nước. Các cụ già trang trọng mang bình từ đình ra lấy nước ở giữa dòng sông Hồng rồi đem về để tế thần Uy Linh Lang. Ngày 21-3-2015, chương trình lễ hội kỷ niệm 750 năm ngày Đại vương mất đã diễn ra rất hoành tráng.

Di tích lân cận

©NCCông 2015, Nhat Tan community hall