217 Chau Long pagoda
Chùa Châu Long
q.Ba Đìnhnhà Trầnhồ đầmChùa có từ thế kỷ XIV. Tên chữ: Châu Long Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1994). Vị trí: số 112 phố Trấn Vũ, 2RVR+RP, Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 2,3km (hướng 12h). Trạm bus lân cận: các phố Quán Thánh, Yên Phụ, Hoàng Diệu.
Lược sử
Chùa Châu Long tên chữ là Châu Long Tự. Đầu thế kỷ XIX, chùa thuộc đất thôn Châu Long, tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức cũ. Thời Pháp thuộc, cổng chùa mở ra phố Châu Long. Ngày nay, cổng mới ở số 112 phố Trấn Vũ, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Theo sách “Tây Hồ Chí”, chùa Châu Long gắn bó với một công chúa thời Trần, con gái vua Trần Nhân Tông, tên là Khiết Cô. Bà từ tuổi nhỏ đã xuất gia tu ở đây, mấy năm sau vua muốn gọi về gả chồng nhưng công chúa không chịu và trốn đến châu An Sinh (Đông Triều), tu ở chùa Linh Ẩn tại một xóm nhỏ bên cạnh dòng suối.
- Sân chùa Châu Long. Photo NCCong ©2014
Sau khi mất, bà được các môn đồ xây tháp mộ ở Châu Long Tự. Chùa này có dựng tượng thờ bà và các vương triều đã sắc phong là Linh Thông Công Chúa. Ngôi tháp đó từng ở trên một mảnh đất vườn chùa mà đến thế kỷ XX bị trở thành chợ Châu Long. Ngày nay cả tháp và tượng đều không còn.
Trên tấm bia còn lại trong chùa được khắc vào đời Thành Thái năm Tân Sửu (1901) có đề “Long Châu sơn cổ danh thắng dã, sơn thượng hữu tự, nhân danh yên cựu vô bi ký, bất tri sáng tự hà đại”, tạm dịch: Núi Châu Long xưa là một danh thắng, trên núi có ngôi chùa, nhân đó chùa mang tên Châu Long.
- Trong chùa Châu Long. Photo NCCong ©2014
Kiến trúc
Chùa từng trải qua sửa chữa, tôn tạo nhiều lần. Riêng dưới triều đại phong kiến cuối cùng đã có những đợt trùng tu lớn vào năm Mậu Thìn Gia Long (1808), năm Tân Sửu Thành Thái (1901) và năm Nhâm Thân Bảo Đại (1932). Ngôi chùa còn lại ngày nay vẫn mang đậm phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn.
Cổng chùa Châu Long nhìn về hướng tây ra hồ Trúc Bạch. Sân phía trước khá nhỏ, lại bày các tháp và đèn đá cạnh lư đồng nên càng chật. Hai bên sân có cửa ngách, che bằng hai tầng mái kiểu giả lợp ngói ống. Tất cả các tên và câu đối chữ Hán ở cổng và cửa đều được đắp nổi. Cửa mé hữu thông sang một khoảnh sân nhỏ hơn, cả hai sân được bao trong một bức tường thấp. Khuôn viên chùa bị lấn chiếm nhiều, cảnh quan bên ngoài cũng bị khuất bởi các tòa nhà to cao mới mọc lên.
- Tượng Bồ Tát chùa Châu Long. Photo NCCong ©2014
Tòa tiền đường ở trên thềm cao, gồm ba gian hai dĩ với các bia hậu gắn ở hai vách tường đầu hồi; trên cửa giữa bức hoành phi chữ Triện khá đẹp. Hai bên chính điện có Hộ pháp đứng cạnh lối vào thiêu hương và thượng điện. Toà tam bảo tuy không lớn nhưng có nhiều pho tượng độc đáo. Trong chùa còn có nhà thờ Tổ và nhà thờ Mẫu.
Di vật
Chùa Châu Long còn giữ được nhiều tác phẩm điêu khắc và thư pháp trên các trụ biểu và các mảng gỗ. Toàn bộ hệ thống cửa võng và hương án được chạm thủng các hình tứ linh, chim muông, hoa lá, mây lửa, kỷ hà… Riêng pho tượng Thích Ca sơ sinh nho nhỏ và hình chạm Cửu Long đã là một sáng tạo đẹp. Tượng Đức Thế Tôn cũng thuộc loại cao hiếm thấy trong hệ thống tượng cùng loại ở các chùa nước ta. Phần lớn các tượng chư Phật, Bồ tát, Hộ pháp gần đây đã được tô lại, trông như mới.
- Phật điện chùa Châu Long. Photo NCCong ©2014
Ngôi chùa xưa kia nằm trong một khu vườn um tùm, u tịch và huyền ảo. Các thi sĩ đến đây vãn cảnh từng nổi hứng làm nên những câu thơ như: Sương lam phủ đất, chim chờ gió / Sóng bạc tung trời, cá đớp mây hoặc: Mây lẩn nước xanh màu đúc ngọc / Nguyệt lồng hoa thắm vẻ in châu, v.v..
Di tích lân cận
- Chùa Am Cửa Bắc: 2RVV+H6, ngõ 29 phố Cửa Bắc.
- Chùa Hòe Nhai: 2RRW+XW, số 19 phố Hàng Than.
- Chùa Thần Quang: 2RWR+C7, số 44 phố Ngũ Xã.
- Đền Quán Thánh: 2RVP+6F, số 13 đường Thanh Niên.
- Đình An Trí: 2RXR+6G, số 55 phố Trúc Bạch.
- Đình Ngũ Xã: 2RWR+G8, số 16 phố Nguyễn Khắc Hiếu.
217 chua Chau Long ©NCCong 2013-2023