237 Cau Do village hall
Đình Cầu Đơ
q.Hà ĐôngLê trung hưngsông NhuệĐình Cầu Đơ 梂多 có từ thời Hậu Lê. Thờ thành hoàng: tướng Đỗ Bí. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1985). Vị trí: XQCG+58, số 85 phố Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 12km (hướng 8h). Trạm bus lân cận: 80 Quang Trung Hà Đông.
Địa lý
Cầu Đơ thực ra là tên của một cây cầu bắc qua sông Nhuệ và nối thông con đường từ Hà Nội đi Hòa Bình. Cây cầu cũ được che bằng mái ngói theo kiểu “thượng gia hạ kiều” giống như cầu Hội An. Về sau con đường mở rộng và cầu được xây lại bằng bê tông, tức cầu Hà Đông bây giờ.
Làng Cầu Đơ (Cầu Đa) cùng làng Hà Trì nay thuộc phường Hà Cầu, nằm ở trung tâm của quận Hà Đông, giáp với các phường Nguyễn Trãi, Quang Trung, Phú La, La Khê và Kiến Hưng. Cuối thế kỷ XIX chính quyền thực dân Pháp thành lập đô thị Hà Nội trên phần đất của tỉnh Hà Ninh do nhà Nguyễn "nhượng lại", cho nên trụ sở quan lại cũ của Nam triều ở khu vực Phủ Doãn - Ngõ Huyện phải chuyển về làng Cầu Đơ cách đó 12km.
- Sân đình Cầu Đơ. Photo ©NCCong 2013
Tên Cầu Đơ cũng bị đặt làm tên tỉnh (mới) từ tháng 5-1902 đến tháng 12-1904, khi lại được đổi tên thành tỉnh Hà Đông với tỉnh lỵ là thị xã Hà Đông. Thị xã nằm hai bên đường quốc lộ số 6 nên thời đó có nhiều hàng quán phục vụ người Pháp và quân đội Pháp, những nhà hát cô đầu đều treo đèn lồng đỏ nên phố ấy gọi là phố Bông Đỏ. Về sau người ta ghép tên phố với tên đoạn đường gần ngã ba đi Chùa Hương vào mà thành ra tên Ba La - Bông Đỏ.
Vùng Cầu Đơ đã từng kinh doanh sầm uất với nghề dệt thủ công. Có lẽ cái tên Thao Đơ bắt nguồn từ đó. Lụa Vạn Phúc nổi tiếng đến tận bây giờ và tiếp tục vinh danh cho thị xã Hà Đông. Nguyên liệu xưa kia do những ngôi làng làm nghề trồng dâu nuôi tằm ngay ven sông Nhuệ cung cấp. Một số ít làng đã được triều đình nhà Nguyễn xếp hạng là “mỹ tục khả phong” (phong tục tốt đẹp).
- Đình Cầu Đơ. Photo ©NCCong 2013
Lược sử
Ngài Đỗ Bí vốn người huyện Nông Cống tỉnh Thanh, từng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn và phục vụ 3 đời vua đầu của nhà Hậu Lê. Ngày 3 tháng 10 năm Kỷ Mão (1459) khi Nghi Dân nổi loạn giết Nhân Tông và tự xưng vua, Đỗ Bí chống lại và bị chém vào đầu. Theo truyền thuyết, ngài phi ngựa đến Cầu Đơ, cởi chiếc khăn đẫm máu quấn quanh cổ trao cho bà cụ bán nước rồi chạy tiếp đến chiến trường xưa Tốt Động thì hóa. Sau đó dân vùng Cầu Đơ, Tốt Động và nhiều nơi khác đã lập miếu thờ ngài.
Năm 1985 ngôi đình Cầu Đơ đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc
Vẻ ngoài của ngôi đình làng Cầu Đơ cho thấy một phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn đã có giảm bớt những chi tiết đặc biệt cầu kỳ. Xưa kia đình tọa lạc trong khuôn viên rộng hơn. Nay tuy bị lấn chiếm và xây bưng bít xung quanh nhưng đình vẫn rất đẹp nhờ còn đó nghi môn với thủy đình soi bóng trên hồ nước phía trước và tòa phương đình duyên dáng ở giữa sân, nơi thường xuyên thu hút các họa sĩ và kiến trúc sư trẻ.
- Trong đình Cầu Đơ. Photo ©NCCong 2013
Hai bên sân có 2 dãy nhà giải vũ. Phía sau phương đình hai tầng tám mái là tòa đại đình 5 gian cửa bức bàn cùng với thiêu hương và hậu cung kết nối thành hình chuôi vồ, hai bên cũng có tả, hữu vu. Hiện nay ngôi đình đã được trùng tu với phần lớn các hạng mục được giữ nguyên theo lối cũ.
Lễ hội
Hàng năm cứ đến ngày 14 và rằm tháng Giêng, nhân dân Cầu Đơ lại tổ chức lễ hội đình làng để cúng tế Đức Thánh. Trong không khí long trọng và trang nghiêm, dân làng diễu hành thành đoàn dài hàng trăm bước, rước kiệu long ngai thành hoàng Đỗ Bí từ đình ra miếu rồi lại từ miếu về đình. Ngoài ra còn có nhiều sự kiện văn hóa diễn ra như: lễ mừng tuổi các cụ lão niên, các trò vui chơi dân dã và tranh đua thể thao có thưởng.
- Ao đình Cầu Đơ. Photo ©NCCong 2013
Di tích lân cận
- Chùa Đa Sĩ: đường Đa Sĩ, phường Kiến Hưng.
- Chùa Hà Trì: phường Hà Cầu.
- Chùa La Khê (Diên Khánh Tự): số 202 phố Phan Đình Giót.
- Đình Đa Sĩ: đường Đa Sĩ, phường Kiến Hưng.
- Đình La Khê và đền Bia Bà: số 202 phố Phan Đình Giót.
- Đình Hà Trì: phường Hà Cầu.
(237 Cau Do community hall ©NCCông 2012-2015)