241 Lai Da Community Hall and Temple
Đình, miếu Lại Đà
Nguyễn Hiềnh.Đông Anhsông ĐuốngĐình Lại Đà có từ TK XVII, thờ: trạng nguyên Nguyễn Hiền. Miếu Lại Đà thờ công chúa Tiên Dung. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1989). Vị trí: 3VG8+QMX, Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 11km (hướng 1h). Trạm bus lân cận: Cầu chui Gia Lâm, hoặc Km5 quốc lộ QL3.
Địa lý
"Làm thân con gái Lại Đà / Sáng mùng Ba tết vẫn sà xuống ao".
Lại Đà xưa là trang Cối Giang thuộc tổng Cói, lộ Bắc Giang. Làng vốn có nghề cấy rau cần và làm bỏng ngô nên còn gọi là Cói Cần hay Cói Bỏng để phân biệt các làng khác thuộc tổng Cói [1]. Theo đường chim bay, Lại Đà cách Hồ Gươm khoảng 6km và cách Cổ Loa chừng 3km. Làng nằm giữa xã Đông Hội trong vùng đất màu mỡ nơi huyện Đông Anh giáp với sông Đuống. Từ ngày 12-5-1961, Đông Anh thuộc về TP Hà Nội.
Lại Đà trở nên trù phù vào thế kỷ XVI, ban đầu chỉ có 4 họ: Vương, Lương, Ngô, Nguyễn không rõ từ đâu đến dựng nhà trên một gò đất nay gọi là Vườn Cũ. Năm 1940 mới có khoảng 430 người, thuộc gần 110 hộ. Năm 2003 đã có 1.715 nhân khẩu với 443 hộ, mang 33 họ khác nhau. Sông Đuống xưa kia từng nhiều lần dâng nước cao. Năm 1945 đê Vực Dê (cầu Đôi) vỡ, năm 1957 đê Mai Lâm vỡ, năm 1971 đê Cống Thôn cũng vỡ.
- Hông đình nhìn từ chùa Lại Đà. Photo ©NCCong 2022
Lược sử
Đình Lại Đà thờ thành hoàng Nguyễn Hiền (1235-1256), trạng nguyên đầu tiên của triều Trần ở tuổi 13. Ngài lập nhiều công lớn, từng đi sứ vài lần, chỉ huy đắp đê quai vạc sông Hồng và đánh thắng giặc Chiêm Thành, làm đến chức Thượng thư bộ Công. Sau khi hoá ở tuổi 21, ngài được triều đình cho thờ ở 32 thôn làng. Hiện nay, trong đình Lại Đà còn giữ được 20 đạo sắc phong từ năm Khánh Đức 4 (1652) đến năm Khải Định 9 (1924).
Theo thần phả, đình Lại Đà được xây dựng sau năm 1276, lúc đầu gọi là đền, cuối thế kỷ XVIII chuyển thành đình. Bên hữu hậu cung đình là ngôi miếu thờ công chúa Tiên Dung, một vị thiên thần. Tương truyền ngài Nguyễn Hiền đã được công chúa âm phù thắng trận khi đi đánh giặc Chiêm Thành.
- Trong đình Lại Đà. Photo ©NCCong 2022
Ngày 5-9-1989, đình làng Lại Đà cùng chùa Cảnh Phúc và miếu Tiên Dung đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc và di sản
Đình có từ khoảng thế kỷ XVII, đến nay đã trải qua nhiều lần trùng tu. Ngôi đình có hình dáng ổn định và mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn từ sau lần dựng lại vào năm 1853. Mặt đình quay về hướng nam, bên tả là ngôi chùa Cảnh Phúc. Sau cổng đình là 2 giếng tròn tượng trưng cho cặp mắt hổ. Sau cổng là sân gạch dẫn đến đại đình. Mái đình lợp ngói vẩy rồng, bờ nóc chạy thẳng được soi bằng những đường chỉ chìm. Thân và bờ dải được đắp thẳng bằng những hình hoa chanh. Đầu kìm phía ngoài vuốt cong như sừng trâu, phía trong là đầu rồng cuốn thủy.
- Miếu Tiên Dung (Lại Đà). Photo ©NCCong 2022
Toà đại đình gồm 3 gian 2 chái lớn dựa trên 6 bộ vì. Bộ vì chính làm kiểu giá chiêng chồng rường con nhị, trang trí các loại vân xoắn và lá cách điệu, có niên đại từ thế kỷ XVIII. Hậu cung xây kiểu 2 tầng mái, bên trên cửa võng treo bức hoành phi đề 4 chữ lớn “Nguyễn đại vương từ”, trong cùng là hương án, sập thờ và một số đồ thờ tự đặt trước long ngai, bài vị có ghi “Nguyễn đại vương thần vị”. Đôi lân chầu ngai mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII.
Miếu thờ công chúa Tiên Dung gồm 2 nếp nhà hình “chữ Nhị” xây tường hồi bít đốc tay ngai, bộ vì làm kiểu giá chiêng. Phía trước có cửa bức bàn, bên trong đặt khám gỗ chạm hình rồng và lão mai, lão cúc hoá rồng. Lồng trên bề mặt khám có 4 đại tự "Thánh cung vạn tuế".
- Chánh điện đình Lại Đà. Photo ©NCCong 2022
Miếu ban đầu có quy mô nhỏ hẹp, đến năm Khải Định 10 (1925) đã được mở rộng. Đầu thế kỷ XXI lại được trùng tu. Hằng năm vào ngày 11 tháng Ba âm lịch có đội nữ quan mặc lễ phục cử hành lễ tế tại đây.
Di tích lân cận
- Chùa Cảnh Phúc: xã Đông Hội.
- Chùa Diên Phúc: xã Mai Lâm.
- Đền Lê Xá: xã Mai Lâm.
- Đình, đền Hội Phụ: xã Đông Hội.
- Đình Thái Bình: xã Mai Lâm.
- Đình Xuân Canh: xã Xuân Canh.
241 dinh, mieu Lai Da ©NCCông 2015-2024
[1] Có câu đối ở đình nhắc tới địa danh Cối Giang: Duy thiên sở hưng tường, văn khôi toạ vũ tướng tinh, tự hữu Trần sơ thần lục tịch chiêu tiên miếu cổ / Tứ dân tự kỉ tích, thạch bu kì hoả bố tản, tòng Cối hậu giang thanh trường bá hải hoàn tân (Trời ban cho điều tốt: văn khôi nguyên, võ tướng quân, từ thời đầu Trần gương sáng ghi vào tiên miếu / Tứ dân khắc thần tích: đá làm cờ, lửa làm tán, ngài về Cối Giang làm cho vũ trụ đổi thay). Cư dân ven con lạch Cói đổ vào kênh Chiêm Đức cũ đều gọi làng mình là Cối Giang. Về sau trở thành tên tổng và mỗi làng có tên chữ riêng như Thái Đường, Lộc Hà, Đông Trù, Lại Đà... Khi lạch cạn, tên Cói vẫn còn và nghề trồng rau cần của dân Lại Đà làm cho có thêm cái tên Nôm là làng Cói Cần. Vì huý kỵ, Trịnh Cối khi lên ngôi chúa đã đổi Cối Giang thành Hội Giang (1569), rồi chúa Trịnh Giang lại đổi thành Hội Thuỷ (1729). Về sau Hội Thuỷ đổi thành Hội Phụ và tên tổng này tồn tại cho đến tháng 3-1949, khi thành lập xã Đông Hội.