271 Ngoc Truc village
Làng Ngọc Trục
sông NhuệHai Bà Trưngq.Nam Từ LiêmLàng cổ Ngọc Trục nằm ven sông Nhuệ. Chùa, đình, đền, quán được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1992. Vị trí: XQQF+W8, phố Ngọc Trục, Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 12 km (hướng 8 h). Trạm bus lân cận: Ngã 3 Ngọc Trục - Đại Mỗ.
Lược sử
Làng Ngọc Trục phía đông bắc giáp sông Nhuệ, phía đông nam giáp đường Tố Hữu, phía tây nam giáp đường Đại Mỗ, ngày nay thuộc phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Nhân dân chuyên về làm ruộng trồng lúa và gần đây lại nổi tiếng về đào Tết. Trước kia họ có nghề nông kết hợp với đan bồ, đan cót, vì thế tên làng còn được gọi là Dộc Bồ. Theo sổ Địa bạ đời vua Gia Long thì diện tích đất canh tác năm 1805 đo được 320 mẫu ruộng.
Nơi đây lúc đầu vốn là một khối thống nhất cùng với phần làng nhỏ hơn bên bờ bắc sông Nhuệ, về sau chia thành hai thôn độc lập, gồm Dộc Cả (tên chữ Thượng Thư, đầu thời Nguyễn đổi thành Thượng Văn) và Dộc Bé (tên chữ là Trung Văn). Năm 1928, cả hai làng Dộc có 1675 dân, trai đinh chia thành bốn giáp, cùng nằm trong xã Ngọc Trục. Trong làng xưa kia có họ Bạch chiếm số đông.
- Đồng làng Ngọc Trục. Photo ©NCCong 2015
Làng Ngọc Trục nằm trên một triền đất khá cao ven sông Nhuệ, thuộc xã Đại Mỗ. Các bô lão sở tại cho rằng thế phong thủy này rất ưu đãi các cô gái bên ngoài về làm dâu, trong khi trai từ các nơi khác đến ở rể lại không được thuận lợi, vì thế có câu “Làng Ngọc Trục, đất sống trâu, thường đãi dâu, không đãi rể”.
Sau Cách mạng tháng 8-1945, làng Thượng Văn đổi tên thành Ngọc Trục; tiếp theo lại nhập với làng Đại Mỗ và Giao Quang thành xã Đại Mỗ. Tới tháng 12-1948, xã này nhập với xã Tây Mỗ (gồm các làng Tây Mỗ, Phú Thứ) thành xã Hữu Hưng, thuộc huyện Liên Bắc, tỉnh Hà Đông.
- Cổng làng Ngọc Trục. Photo NCCong ©2015
Đến cuối năm 1954, xã Hữu Hưng được cắt về huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, rồi từ tháng 5-1961 thuộc vào huyện Từ Liêm, TP Hà Nội. Tháng 12-1964, xã Hữu Hưng lại chia thành hai xã Đại Mỗ và Tây Mỗ. Làng Ngọc Trục thuộc về xã Đại Mỗ. Bước sang thế kỷ XXI, xã này bị đô thị hóa dần dần, năm 2014 trở thành phường Đại Mỗ, thuộc quận Nam Từ Liêm.
Di sản
Làng Dộc Cả vẫn còn giữ được khá nhiều các di tích kiến trúc và tâm linh. Đầu tiên phải kể tới ngôi đình gần cổng phía bắc làng với tam quan xây kiểu trụ biểu ở giữa, hai bên có cổng phụ. Trước nghi môn là bức bình phong đắp cuốn thư trên tường bao của một ao vuông nhỏ. Tòa đại bái quay về phía đông bắc, gồm 3 gian 2 dĩ kết nối với hậu cung 4 gian thành hình chữ “Đinh”. Trước đại bái có tòa phương đình 2 tầng 8 mái 4 cột với sân nhỏ và 2 nhà giải vũ. Trong đình còn giữ được đạo sắc ghi niên đại Cảnh Trị thứ 8 (1670) phong thành hoàng là Ả Lã Nàng Đê (nữ tướng thời Hai Bà Trưng) và 3 người con của bà. Các hiện vật và mảng chạm khắc có niên đại từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX.
- Cổng đình Ngọc Trục. Photo: NCCong ©2018
Gần đoạn đầu con đường đi Đại Mỗ có hai di tích ẩn dưới bóng các cổ thụ. Trước hết là ngôi đền thờ thần núi Tản Viên và hai anh em kết nghĩa Cảm Hóa đại vương, Minh Trạc đại vương. Cạnh đó có một đền khác thờ Ả Lã Nàng Đê. Cách hai ngôi đền này khoảng 200m về phía đông còn có đền thờ một vị tướng thời Lê-Trịnh là Đào Thế Tiên vốn người làng, làm quan đến chức Đô đốc Thiêm sự, tước Quảng Quận công, lập được nhiều công lao trong các cuộc chiến với quân chúa Nguyễn và tử trận tại Thiên Lộc (nay thuộc Hà Tĩnh) tháng Một năm Canh Tý niên hiệu Vĩnh Thọ (1660), Triều đình truy tặng ngài hàm Dực vận tán trị công thần, Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Bắc quân Đô đốc phủ, Đô đốc đồng tri, Thiếu bảo, cho dân xã Ngọc Trục lập đền thờ.
Mảnh đất rộng gần cổng phía nam làng, nay nằm cạnh chợ, là nơi lưu dấu tích Văn chỉ, với 4 tấm bia cổ khắc vào những năm đầu niên hiệu Vĩnh Trị (1676—1677) ghi sự kiện hai ông Nguyễn Nhân Lân, Nguyễn Văn Lương hiến ruộng, tiền cho làng xây dựng Văn chỉ để tế lễ tại đây.
- Cổng chùa Ngọc Trục. Photo NCCong ©2014
Cạnh Văn chỉ là ngôi chùa có tên chữ Đại Phúc Tự. Chùa cùng với đình làng đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng ngày 31-01-1992 là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Cổng chùa quay về phía tây nam, xây theo kiểu ngũ môn, gác trên treo một quả chuông lớn đúc năm Cảnh Thịnh thứ hai (1794) thời Tây Sơn. Sau tam quan là 2 nhà giải vũ ở hai bên sân và một phương đình ở giữa, gồm 4 mái dựa trên 16 cột tròn nhỏ. Toà tiền đường 5 gian kết nối với hậu cung 2 gian theo kiểu chuôi vồ. Phía lưng hậu cung còn có sân hậu với nhà Mẫu, nhà Tổ và nhà Ni bao quanh. Từ khu này có lối rộng đi ra cổng phụ bên tả của tam quan, không qua phương đình. Sân trước cổng này ngày nay là nơi họp chợ.
Panorama
- Đền thờ Ả Lã Nàng Đê. Photo NCCong ©2018
Di tích lân cận
- Chùa Sét (Đại Mỗ): xóm Tháp, phường Đại Mỗ.
- Đền Am: phường Tây Mỗ.
- Đình Đại Mỗ: xóm Ngang, phường Đại Mỗ.
- Đình Tây Mỗ: phường Tây Mỗ.
- Đình Trung Văn: thôn Trung Văn, phường Trung Văn.
- Đình Vạn Phúc: phố Vạn Phúc, quận Hà Đông.
- Từ đường họ Nguyễn Quý: xóm Đình, phường Đại Mỗ.
271 Ngoc Truc ©NCCông 2013-2018