290 Ai Mo pagoda

Chùa Ái Mộ (Thiên Định Tự)

q.Long Biênsông Hồng

Chùa làng Ái Mộ có từ xa xưa, gần đây được trùng tu năm 2015. Tên chữ: Thiên Định Tự. Vị trí: 2VR8+H5, số 31 đường Ngọc Thụy, P. Ngọc Lâm, Q. Long Biên, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 5 km (hướng 2 h). Trạm bus lân cận: 89 đường Long Biên (xe 11, 98)

Lược sử

Làng Ái Mộ cũ nằm phía trong đê sông Hồng, đoạn giữa hai đầu cầu Chương Dương và Long Biên. Thời Nguyễn, chùa Ái Mộ thuộc địa phận xã Ngọc Lâm, tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Sau năm 1945 mang số nhà 38 trên đường xã Ái Quốc (tức xã Hồng Tiến, sau đổi là xã Bồ Đề), thuộc về quận 8, ngoại thành Hà Nội. Nay chùa thuộc tổ 5, mang số 31 đường Ngọc Thụy, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

Chùa Ái Mộ được thành lập từ rất sớm, nhưng chưa ai rõ đích xác là ở thời điểm nào. Chỉ biết chùa đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần nhờ các tấm bia đá còn sót lại. Bài văn “Thiên Định tự bi ký” ghi rằng năm Cảnh Hưng thứ 33 (1772) đã tu sửa lại toàn bộ ngôi chùa; năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783) trùng tu tòa thượng điện; tháng 4 năm Quý Mùi (1823) dựng lại hành lang phía tây; năm Minh Mệnh thứ 5 (1824) xây dựng gác chuông, tam quan và dãy hành lang bên phải; năm Thành Thái thứ 6 (1894) tiếp tục sửa lại chùa và tô tượng.

Tiền đường chùa Ái Mộ. Photo ©NCCong 2014

Ngoài ra, chùa từng có những đợt tu bổ nhỏ vào những năm Gia Long thứ 8 (1809), Minh Mệnh thứ 21 (1840), Tự Đức thứ 11 (1858), Tự Đức thứ 21 (1868), Bảo Đại thứ 12 (1937).

Kiến trúc

Trải qua rất nhiều sự đổi thay tự nhiên và biến động xã hội, ngôi chùa Ái Mộ cũ đã không còn nguyên vẹn. Dáng dấp chùa hiện nay mang đậm phong cách của nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn do lần trùng tu lớn vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX để lại. Đặc biệt lần đại trùng tu hoàn thành năm 2015 đã đưa ngôi chùa lên một quy mô và màu sắc mới.

Vườn chùa Ái Mộ. Photo ©NCCong 2014

Du khách ngày nay thăm chùa Ái Mộ sẽ thấy từ xa một tam quan kiểu gác chuông nhìn về hướng tây, nổi bật trên bức tường dài và khá cao. Sau cổng ngoại là vườn tháp mộ bên tay phải và khu chùa chính ở bên tay trái. Qua cổng nội là hành lang đi giữa hai sân dẫn vào tòa Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu và các dãy nhà khác. Mỗi hạng mục được khởi dựng ở những thời điểm khác nhau, nhưng nhìn chung đã tạo thành một công trình có sự thống nhất và phù hợp với nhu cầu mới.

Tam bảo quay hướng nam, gồm 7 gian tiền đường và 4 gian dọc của thượng điện kết nối thành hình chuôi vồ. Bộ khung làm theo kiểu “thượng giá chiêng, kẻ nách, hạ bẩy hiên”, phần trang trí gỗ khá đơn giản, chủ yếu là bào trơn, kẻ soi chỉ, có chạm nổi một họa tiết hình lá đề cách điệu trên các đầu xà, đầu bẩy, con rường… Kết cấu các bộ vì của thượng điện giống như ở tiền đường. Tại các gian của thượng điện có trang trí các bức y môn chạm đề tài tứ linh, tứ quý rất công phu. Đặc biệt là bức y môn với các đề tài tùng trúc cúc mai, văn hình học và văn chữ triện mềm mại mang những nét đặc trưng của phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Trong chùa Ái Mộ. Photo ©NCCong 2014

Di sản

Chùa Ái Mộ có hệ thống các tượng Phật giáo bài trí đầy đủ theo phái Bắc tông, phần lớn được làm bằng gỗ và đồng. Đáng lưu tâm nhất là bộ Tam thế Phật mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX được tạc ngồi trong tứ thế bán kiết già, 2 tay đặt giữa lòng đùi. Tượng cao 65cm, tóc bụt ốc khá cao, nổi rõ một khối nhục kháo (Unisa) ở đỉnh đầu, khuôn mặt trái xoan, mũi thẳng, mắt khép nhìn xuống, tai chảy dài xuống vai ở giữa thót lại…

Tại đây còn lưu giữ được 18 tấm bia đá ghi việc trùng tu, sửa chữa chùa, 2 quả chuông đồng đúc năm Đồng Khánh thứ 3 (1888), cùng với hệ thống hoành phi, câu đối, y môn, cuốn thư, nhang án, long ngai, khám thờ… với các đề tài chạm khắc tứ linh, tứ quý, rồng chầu, hổ phù… đều được tạo tác bằng gỗ và sơn son thếp vàng.

Tam quan chùa Ái Mộ. Photo NCCong ©2014

Di tích lân cận

©NCCong 2015, Ai Mo pagoda