296 Uoc Le village relics

THÔN ƯỚC LỄ

h.Thanh OaiLữ Giasông Nhuệ

Ước Lễ 約禮 nổi tiếng với các di tích lich sử - văn hoá và nghề làm giò chả. Vị trí đình: RRG6+V3H, Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 30km (hướng 6h). Trạm bus lân cận: UBND Xã Tân Ước.

Cổng làng

Tại Hà Nội hiện còn sót lại khá nhiều cổng làng Việt mang giá trị nghệ thuật truyền thống dân gian bên cạnh kiến trúc đình, chùa. Cổng làng thường xây bằng đá ong hoặc gạch ngói, vôi vữa là những vật liệu được dùng phổ biến ở nông thôn Bắc Bộ. Phần lớn chúng được xây dựng hay trùng tu vào cuối thời Nguyễn, tuy vậy vẫn có thể tìm thấy những cổng làng cổ hơn, có từ thế kỷ XVI, XVII tại vùng Hà Đông như Ước Lễ, Cự Đà, Vạn Phúc, hoặc vùng khác như Đồng Kỵ, Mông Phụ, Chi Quan, ...

Làng Ước Lễ có cổng tiền xây từ thời Mạc, năm 1988 được làm lại. Phần vọng lâu hiện nay gồm 2 tầng 8 mái lợp bằng ngói ống, trang trí hình hoa thị chạy dọc trên diềm mái. Cổng cao 6m, rộng 12m, được xây bằng gạch chỉ nung già, phần mới sửa thì dùng bê tông, trông như công trình phòng ngự, lại có một chiếc cầu nên thơ bắc qua hào nước phía trước.

Cổng làng Ước Lễ. Photo ©NCCong 2020

Cửa xây vòm cuốn, cao 2,2m, rộng 1,5m, xưa kia cánh cửa làm bằng gỗ lim, hàng ngày có tuần đinh đóng mở theo giờ quy định. Hai cột bên và trên hai mặt cổng đều có đắp chữ Hán. Mặt trước đề “Ước Lễ Môn”, ghép từ lời Khổng Tử: “Bác học dĩ văn, ước chi dĩ lễ” (học rộng dựa vào văn, chế định thì dùng lễ). Mặt sau đề “Thiểu Cao Đại”, lấy tích Vu Định Quốc là quan trong triều, khi về quê dặn con cháu làm cửa “phải cao to hơn một chút”, có chí tiến thủ sau này làm quan to, xe mới đi vừa.

Cạnh mặt cổng đắp hình 2 con dơi, cánh mảnh dài, vân xoắn trên thân, đầu hướng về câu đối. Bờ nóc cổng có trang trí hoa chanh, đỉnh mái tạo hình đầu rống, trên cùng là hình mặt trời với những tia lửa. Mặt cổng lại có hình con lân được chạm tròn đi cùng với hình rùa đắp nổi. Hai bên trụ cổng còn đắp hình cá chép chúc đầu chầu vào vòm cổng. Phần lớn phù điêu, chạm khắc đều làm muộn sau thời Mạc.

Cổng hậu làng Ước Lễ. Photo ©NCCong 2020

Đôi câu đối đắp trên cổng chơi chữ cũng tài hoa, một nửa lẩy Kiều bằng chữ Nôm, một nửa viết bằng chữ Hán: "Thâm nghiêm kín cổng cao tường, thương cổ nguyện tàng kỳ thị" / "Xôn xao trước thày sau tớ, mã xa phục quá thử kiều". Vế trước lấy của Mạnh Tử: "thiên hạ chi thương giai duyệt, nhi nguyện tàng ư kỳ thị hỹ"; ý nói nếu được trọng dụng thì người tài sẽ vui lòng ra giúp nước. Vế sau lấy của Tư Mã Tương Như: "Bất thừa cao xa tứ mã, bất phục quá thử kiều" thề rằng nếu không thành đạt sẽ không trở lại cầu này.

Cổng sau của làng Ước Lễ cũng có hình dáng gần giống cổng trước nhưng đơn giản và không có cầu. Từ cổng hậu du khách đi giữa hai hàng cọ dẫn ra con đường quốc lộ mới làm. Bên kia quốc lộ có một cái giếng tròn khá to, gọi là giếng Rống, xưa kia cung cấp nước sạch cho cả làng. Từ giếng lại có con đường dưới bóng những cây bạch đàn cổ thụ dẫn đến chùa Sổ và nghĩa trang của làng Ước Lễ ở giữa cánh đồng.

Cổng đình Ước Lễ. Photo ©NCCong 2019

Đình chùa

Sau cổng làng là mấy dãy nhà của ngôi chợ, cạnh đó có một miếu nhỏ nằm dưới gốc đa cổ thụ. Nghi môn đình Ước Lễ mở ra đường làng, đối diện chợ nhưng mặt đình nhìn về phía tây bắc, ở bên kia con lạch nước là đình làng Phúc Thụy. Đình xây trên nền cao, kiến trúc mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê. Tất cả đầu vì kèo và đầu xà ngang đều được chạm khắc nổi các hình tứ linh cùng mai lan cúc trúc.

Trên nóc đình ngoài hình lưỡng long triều nguyệt còn có đôi cá chép ghép bằng các mảnh sứ xanh lam, hai đầu mái gắn hai bầu rượu tròn. Bên trong đình có thờ bài vị thành hoàng làng là thừa tướng Lữ Gia của nước Nam Việt sống vào cuối thế kỷ II trước công nguyên. Ngài cùng các trung thần giết chết vua và thái hậu là những kẻ đầu hàng nhà Hán. Nhân cớ đó vua Hán cho quân sang xâm lược và ngài đã hy sinh.

Nhà thờ Ước Lễ. Photo ©NCCong 2020

Trong làng Ước Lễ còn có chùa Sùng Phúc, thường gọi là chùa Mới, tuy đã được xây dựng cách nay gần hai thế kỷ và mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Kiến trúc Tây phương nổi bật là nhà thờ giáo xứ toạ lạc trên nền khá cao, phía trước có một cái giếng tròn, đối diện với nhà thờ của làng Phúc Thụy mới xây xong vào cuối năm 2020.

Di tích cổ nhất tại làng Ước Lễ có lẽ là ngôi chùa Sổ tức Hội Linh Quán, do ông Ðào Quang Hoa vốn người xã Tuyền Cam, huyện Thanh Oai, làm quận công ở trấn Lạng Sơn, cùng vợ là bà Trần Thị Ngọc Lâm đứng ra xây năm Kỷ Tỵ 1527. Những viên gạch thời Mạc còn sót lại đến nay trong bức tường thượng điện là minh chứng rõ rệt. Đây vốn là một Đạo quán, về sau đã được trùng tu vài lần, lớn nhất là vào những năm 1634, 1901 và 2019.

Tam quan chùa Sổ ©NCCong 2020

Năm 1986, đình làng Ước Lễ và chùa Sổ được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

(296 thon Uoc Le ©NCCông 2017-2024)