299 Nam Huong community hall

Đình Nam Hương

q.Hoàn Kiếmhồ Gươmhuyền sử

Đình Nam Hương được xây cuối thời Lê và di chuyển thời Pháp thuộc. Thờ 5 vị thành hoàng: thần Long Đỗ, Cao Sơn, Linh Lang, công chúa Ả Duy nhà Lý, vương công Dương Tu nhà Nguyễn. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1995). Vị trí: 2số 75 Hàng Trống, VH2+H9, Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 1,6km (hướng 2h). Trạm bus lân cận: ngã ba Lê Thái Tổ - Hàng Trống.

Lược sử

Đình Nam Hương được xây vào cuối thời Lê, thờ 3 vị thần Long Đỗ, Cao Sơn, Linh Lang cùng công chúa Ả Duy nhà Lý (Kha Duy Tĩnh) và vương công Dương Tu nhà Nguyễn (Bảo Xương Đại vương). Đây là một trong hai ngôi đình lớn của thôn Tự Tháp, tổng Tiền Túc (đến giữa thế kỷ XIX đổi thành tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương xưa.

Trước đây đình Nam Hương được xây với quy mô khá lớn về phía khách sạn Phú Gia. Rồi đình bị thực dân Pháp lấy đất, tiếp đến bị tàn phá (có lẽ vào cuối thế kỷ XIX). Về sau, chính quyền Pháp đã xây lại ngôi đình thành hai tầng cho vừa với diện tích bị thu hẹp tại nơi này. Cuối thế kỷ XX, tầng dưới trở thành chỗ làm việc của chính quyền và phần bên bị dân lấn chiếm.

Cổng đình Nam Hương. Photo ©NCCong 2019

Cũng cần nêu rõ là đình Nam Hương và Đài tưởng niệm Vua Lê là hai di tích khác nhau. Theo lời dẫn “Từ tại Kiếm Hồ, trắc Báo Khánh thôn” trong bài văn của Phạm Quý Thích (1760–1825) tế Lê Thái Tổ thì có một ngôi đền Vua Lê ở ven hồ Hoàn Kiếm, cạnh thôn Báo Khánh, tức là cùng địa bàn với Đài tưởng niệm được dựng theo kiểu Pháp vào năm 1894.

Năm 1995, đình Nam Hương được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Từ năm 2006, UBND quận Hoàn Kiếm được giao làm chủ đầu tư dự án tu bổ tôn tạo đình, bắt đầu bằng việc giải tỏa nhà dân trong khuôn viên di tích, lát đá sân trước, phục hồi bình phong, trùng tu cầu thang và mái hiên v.v.. Dự án tiếp tục thực hiện từ tháng 6-2009 và hoàn thành trước Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Sân đình Nam Hương. Photo NCCong ©2019

Sau lần trùng tu đầu thế kỷ XXI, có thể vào đình qua cổng số 75 phố Hàng Trống, hoặc qua cổng Đài tưởng niệm Vua Lê ở phố Lê Thái Tổ.

Kiến trúc

Trải qua bao biến cố lịch sử, ngày nay ngôi đình có kết cấu hình “chữ Đinh” và mang dáng dấp phong cách nghệ thuật kiến trúc cuối thời Nguyễn. Đình nhìn ra Hồ Gươm ở hướng đông, bên ngoài khoảng sân nhỏ là tượng đài vua Lê ở trước bức bình phong lớn xây kiểu cuốn thư. Nghi môn bị mất từ lâu, nay thay bằng những cột trụ đắp nổi hình mây, trên đỉnh trụ có hình bốn con phượng cúi đầu chạm mỏ và chụm đuôi như quả dành dành. Đình có tường cao vây quanh, phần thờ cúng chủ yếu ở tầng gác. Đáng tiếc cầu thang rồng không được phục dựng chính xác.

Điện thờ thành hoàng đình Nam Hương. Photo NCCong ©2019

Trên mái toà tiền đường đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, đỉnh hậu cung đắp đôi cá chép và bình rượu. Tiền đường 3 gian, gian giữa treo bức đại tự đề 3 chữ Hán “Nam Hương đình” và một cửa võng lớn trang trí bằng các hình rồng, phượng, tùng, cúc… Hậu cung 1 gian, bên trong đặt bài vị thờ 5 thành hoàng. Bên ngoài mới bày thêm khám thờ với tượng vua Lê Thái Tổ.

Di sản

Trong đình hiện bảo lưu được 19 đạo sắc phong thần cho các vị thành hoàng làng. Sắc sớm nhất ghi niên đại Cảnh Hưng 8 (1747), muộn nhất ghi niên đại Bảo Đại 10 (1944). Lại có một số cổ vật quý như 01 bảng văn chạm kiểu chân quỳ dạ cá, 05 long ngai, 01 chóe sứ và nhiều đồ thờ tự khác. Ngoài ra còn có các bức đại tự, hoành phi và các câu đối đề chữ Hán.[1]

Điện thờ vua Lê ở đình Nam Hương. Photo NCCong ©2019

Từ xưa, tại đây có tổ chức tế lễ hàng năm vào ngày sinh, ngày hóa của các vị thần và rước kiệu, ngai, bài vị của công chúa Ả Duy từ đình sang đền Ngọc Sơn. Về sau có thêm Lễ sắp ấn - lễ phong tước cho thần và các quan vào ngày giỗ Lê Lợi (22 tháng 8 âm lịch).

Di tích lân cận

Chú thích
[1] Vd. câu đối: Kiếm thủy đương tiền ngưng nhuệ khí / Long Thành tự cổ trấn anh thanh. (Dịch nghĩa: Hồ Gươm trước mặt tụ khí mạnh / Thành rồng tự cổ nổi danh thiêng!). Hoặc: Hương đình lưu danh tích / Long trấn bá anh thanh. (Dịch nghĩa: Đình Hương còn lưu danh tích / Long thành truyền mãi tiếng tăm).

299 dinh Nam Huong ©NCCông 2015-2019