313 Onions alley
Ngõ Hàng Hành
Ngõ Hàng Hành dài 120m, nối phố Lương Văn Can với ngõ Báo Khánh. Cuối ngõ có đình Phả Trúc Lâm thờ 4 vị Tổ nghề da giày (di tích quốc gia). Nay thuộc: P. Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 80m (hướng 9h). Trạm bus lân cận: BĐX Bờ Hồ (xe 09, 14), 56 Hàng Cân (31)
Lược sử
Ngõ Hàng Hành vốn là một trong những đất phường nghề nổi tiếng của Thăng Long. Từ khoảng cuối thế kỷ XVI có nhiều người từ Hải Dương đến đây làm thợ da giày và buôn bán sản phẩm da giày. Đến đầu thế kỷ XIX, họ đã sống tập trung ở vùng thôn Tả Khánh Thụy thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ) của huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức cũ. Các địa danh sau này trở thành tên phố như Hàng Da, Hàng Hài, Hàng Trống, ngõ Hài Tượng... đều có liên quan đến phường thợ da giày.
Thời Pháp thuộc, ngõ Hàng Hành còn ăn thông ra phố Hàng Trống, về sau bị chặn. Trong ngõ lúc đó có cả cánh thợ khác từ làng Nhị Khê (Thường Tín) ra đây làm nghề tiện gỗ với cái bàn tiện đạp chân. Ngõ ngày nay tuy chỉ có chừng năm chục số nhà cả bên chẵn lẫn bên lẻ nhưng kinh tế sở tại đang phát đạt bằng các quán cà phê và dịch vụ du lịch, nhờ vị trí thuận tiện rất gần góc tây-bắc của Hồ Gươm.
- Ngõ Hàng Hành. Photo ©2016 NCCong
Hà Nội từng có tới 72 con “phố Hàng” nhưng “ngõ Hàng” thì chỉ có 9 và ngõ Hàng Hành là một trong số đó, mặc dù nó dài và rộng như phố Ngõ Gạch (nơi ngược lại đã là phố mà còn gọi “Ngõ” !). Không biết xưa có phố Hàng Hành hay không mà lại sinh ra ngõ Hàng Hành, tuy có thể suy đoán hành là thứ rau gia vị đã thường được bán ở quanh đây.
Đầu thế kỷ XX nhà văn Tam Lang (Vũ Đình Chí) từng sống ở ngôi nhà 15B ngõ Hàng Hành một thời gian nhưng cũng không kể gì về lai lịch cái tên rất nôm na mà khó hiểu. Chính ông đã thâm nhập thực tế vào đời sống người lao động cùng khổ bằng cách trực tiếp làm phu xe, rồi viết thiên phóng sự “Tôi kéo xe” đăng trên “Hà Thành Ngọ Báo” năm 1932 và gây được tiếng vang một thời.
- Đình Phả Trúc Lâm. Photo ©NCCong 2023
Đến năm 1946, ngõ Hàng Hành mới thông với ngõ Báo Khánh. Trước đó ngõ Hàng Hành chỉ thông với đoạn đầu phố Hàng Trống và đoạn cuối phố Lương Văn Can. Ngày nay du khách đứng đầu ngõ bị tòa nhà KFC dài che lấp nên không thấy Quảng trường Đông kinh Nghĩa thục, trung tâm của nhiều sự kiện. Nơi đó xưa kia có một bãi đất rộng với rặng dừa mà ngày 15-4-1887 từng chứng kiến việc Pháp đem hành hình nhà chí sĩ Nguyễn Cao hòng thị uy đám dân chúng Hà Nội đang sục sôi căm thù quân xâm lược.
Đình Phả Trúc Lâm
Thôn Trúc Lâm, tức Phong Lâm hay Tam Lâm, là tên chữ của làng Trắm, quê gốc của nhiều thế hệ thợ da giầy từng đi làm ăn sinh sống ở bốn phương. Đến Thăng Long—Hà Nội họ đã lập phường thợ và xây dựng đình Phả Trúc Lâm tại nhà số 40 ngõ Hàng Hành để thờ 4 vị Tổ nghề của mình (cũng như ở đình Hài Tượng).[1]
- Trong đình Phả Trúc Lâm. Photo ©2016 NCCong
Đình quay mặt về hướng nam. Cổng tam quan chỉ có 1 cửa hình chữ nhật, mái đắp ngói ống giả. Sân rất ngắn, hai bên đắp hình thanh long, bạch hổ. Tòa tiền tế gồm 3 gian, xây kiểu 2 tầng 8 mái, cổ diềm có chạm khắc đẹp. Hậu cung kết nối theo hình chuôi vồ.
Ngày 16-1-1995, ngôi đình đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Tháng 10-2012 với tổng kinh phí trên 11 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, dự án tu bổ toàn bộ ngôi đình đã hoàn thành sau 11 tháng thi công.
Di tích lân cận
- Chùa Bà Đá: số 3 phố Nhà Thờ.
- Đền Xuân Yên cũ: số 6A phố Lương Văn Can.
- Đình Cổ Vũ: số 85 phố Hàng Gai.
- Đình và đền Đông Hương: số 82 phố Hàng Trống.
- Đình Xuân Phiến Thị: số 4 phố Hàng Quạt.
- Quảng trường Đông kinh Nghĩa thục: đầu các phố Hàng Gai, Lê Thái Tổ và Đinh Tiên Hoàng.
©NCCông 2015-2017, Onions alley
[1] Nguyễn Thời Trung đỗ tiến sĩ khoa Ất Sửu năm Thuần Phúc nguyên niên (1565), từng cầm đầu một sứ bộ triều Mạc sang triều Minh để hòa đàm. Trong đoàn còn có ba vị cùng quê Trúc Lâm là Phạm Thuần Chánh, Phạm Đức Chính, Nguyễn Sĩ Bân. Hoàn thành công việc sứ bộ, bốn vị quay lại Hàng Châu học công nghệ thuộc da, đóng giầy tiên tiến. Khi về nước họ đã truyền nghề cho dân làng và được triều đình ban chức "Thượng y" ở Quốc Tử Giám. Sau khi mất lại được tôn thờ là Tổ nghề, hàng năm có cúng giỗ vào dịp tháng Hai và tháng Tám âm lịch.