316 Hao Nam community hall and temple

Đình, đền Hào Nam

q.Đống ĐaHoàng Phúc TrungLinh Lang

Đình Hào Nam thờ Linh Lang đại vương và ngài Hoàng Phúc Trung; đền Hào Nam thờ Thủy Tinh công chúa. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1994). Vị trí: ngõ 29 Vũ Thạnh, 2RGG+WFM, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 2,5 km (hướng 9 h). Trạm bus lân cận: đầu phố Hào Nam (xe 99), đoạn giữa phố Giảng Võ (18, 23, 25, 38, 49, 90, BRT01)

Lược sử

Đình Hào Nam thờ Linh Lang đại vương, thành hoàng làng. Theo ngọc phả, ngài là một trong các hoàng tử của vua Lý Thái Tông. Năm 1077 ngài tham gia cuộc kháng chiến chống quân Tống và lập chiến công, sau khi mất ở tuổi 22 được phong là Thượng đẳng tối linh thần. Vua sai lập nhiều đền, miếu thờ ngài như ở trại Thủ Lệ tức đền Voi Phục (trên nền nhà mẹ), tại làng Bồng Lai (quê hương mẹ) và các làng Đại Quan, Hào Nam v.v. (những nơi ngài từng trú quân). Trong đình còn thờ ngài Hoàng quý công (Hoàng Phúc Trung) - người gốc làng Lệ Mật, có công lập ra Thập Tam Trại mà Hào Nam là một trong số đó.

Đền Hào Nam hay đền Nhà Bà, thờ Vạn Ngọc Thủy Tinh công chúa, có nơi gọi là Bảo Hoa công chúa. Theo ngọc phả, công chúa mất sớm nhưng đã hiển linh âm phù giúp thái úy Lý Thường Kiệt đánh thắng giặc Tống trên sông Như Nguyệt.

Văn chỉ và đền Hào Nam. Photo NCCong ©2016

Trước kia xung quanh đình, đền Hào Nam có nhiều hồ ao và sông Trung Liệt. Thời kỳ chống Pháp 1946-1954, nơi đây từng đặt trụ sở của Liên khu III và Khu ủy Văn Miếu, trở thành một địa điểm cất giấu vũ khí tài liệu và liên lạc, tập kết cán bộ hoạt động nội thành. Về sau đền Nhà Bà có thêm ban thờ Mẫu nhưng vẫn còn dấu tích 2 căn hầm bí mật. Ngày 3-2-1994, đình, đền đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia. Đầu năm 2009, UBND thành phố Hà Nội công nhận đền Nhà Bà là Di tích lịch sử cách mạng kháng chiến.

Kiến trúc

Cụm di tích đình-đền Hào Nam tọa lạc trong một khuôn viên khá rộng. Du khách từ ngõ Vũ Thạnh đi vào sẽ thấy cổng đình xây kiểu nghi môn, hai bên có tượng đôi Voi phục và Hộ pháp đứng gác dưới gốc cổ thụ. Sau cổng là con ngõ đi qua đài tưởng niệm liệt sĩ rồi đến lối rẽ bên tay trái vào đền Nhà Bà và bên phải vào sân đình. Gần đó còn có văn chỉ thờ đức Khổng Tử.

Sân đình Hào Nam. Photo NCCong ©2016

Lần tôn tạo năm 2005 vẫn giữ được hầu hết phong cách kiến trúc thời Nguyễn đã định hình sau đợt đại trùng tu vào đầu thế kỷ XIX. Ngôi đình nhìn qua một bức bình phong ra hồ bán nguyệt ở hướng đông-bắc, quanh hồ có nhiều cổ thụ như đại, đa, si, muỗm v.v., trong đó 7 cây được công nhận Di sản Việt Nam. Dọc bên sân rộng là hai dãy tả, hữu vu. Đại đình gồm 5 gian cửa gỗ bức bàn, kết nối với hậu cung sâu 3 gian theo hình chuôi vồ. Còn đền Nhà Bà xây 3 gian với mặt bằng hình “chữ Đinh”, phía trước là bức bình phong và sân nhỏ.

Di sản

Bên trong đình Hào Nam có các bức hoành phi, đại tự, cửa võng sơn son thếp vàng lộng lẫy. Đồ thờ tự, bát bửu, chiêng trống v.v. cũng đều là các tạo tác rất đẹp. Nhiều mảng gỗ trên bộ vì được chạm nổi và chạm lộng với các hình tượng tứ linh. Bên ngoài có bức phù điêu cá chép hóa rồng rất đặc sắc. Đỉnh các trụ biểu có đắp hình chim hoặc thú nhưng ngay dưới chân đỉnh chỉ có duy nhất chữ “Linh”.

Trong đình Hào Nam. Photo NCCong ©2016

Hàng năm vào ngày mùng 10 tháng 2 âm lịch, người dân sở tại tổ chức hội đình làng, mở đầu bằng lễ rước kiệu Đức thánh Linh Lang đại vương về ngôi miếu thờ mẹ ông ở khu đền Voi Phục Thủ Lệ và đến ngày 13 tháng 2 lại rước về đình Hào Nam.

Di tích lân cận

©NCCông 2016-2020, Hao Nam community hall and temple

Tập hồ sơ