318 Van Sa community hall
Đình Vân Sa
Hai Bà Trưngsông Hồngh.Ba VìĐình Vân Sa có từ thời Lê. Thờ 2 vị thành hoàng: Huệ Vũ đại vương Trần Quốc Chẩn và Liệt nữ Ngũ Nương. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1999). Vị trí: 7C8F+J2, thôn Vân Sa, xã Tản Hồng, H. Ba Vì, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 70km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: Bến xe Tản Hồng (xe 70b)
Giới thiệu
Tản Hồng là một xã nhỏ ở phía Bắc dãy núi Tản Viên (Ba Vì) với khoảng 13 nghìn nhân khẩu của gần 3 nghìn hộ gia đình và tổng diện tích đất tự nhiên rộng chừng 8,8km2. Phía đông xã giáp sông Hồng, bên kia sông là đất của 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Phía Tây giáp xã Vạn Thắng, phía Nam giáp xã Châu Sơn, phía Bắc giáp xã Phú Cường, tất cả 3 xã này cũng đều thuộc huyện Ba Vì.
Xã Tản Hồng gồm 4 thôn, chia làm 19 cụm dân cư, trong đó có thôn Vân Sa nằm ở cuối xã về phía Đông-Nam và giáp xã Châu Sơn. Dân thôn này chủ yếu sống bằng nghề buôn và trồng trọt trên vùng đất bãi màu mỡ bên ngoài đê Đại Hà, đối diện ngã ba con đường liên xã 94. Vân Sa cũng là tên một bến đò trên sông Hồng từng nổi tiếng trước kia mà nay không còn nữa.
Du khách từ trung tâm TP Hà Nội có thể lên xe đi về hướng tây khoảng 63km theo quốc lộ QL32 đến thị trấn Tây Đằng của huyện Ba Vì rồi rẽ về phía bắc và chạy tiếp 7km sẽ thấy đình và chùa làng Vân Sa ở mé bên tả đê Đại Hà, ngay dưới con dốc ở đầu đường tỉnh lộ TL84. Đó là hai di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đã được xếp hạng năm 1999.
- Cổng đình Vân Sa. Photo NCCong ©2016
Tương truyền đình Vân Sa được lập từ rất lâu đời, bên trong thờ hai vị thành hoàng là Huệ Vũ đại vương Trần Quốc Chẩn (con thứ Trần Hưng Đạo, làm quan trong triều nhà Trần) và Liệt nữ Ngũ Nương (còn gọi là Đức Thánh Bà, một nữ tướng của Hai Bà Trưng).
Kiến trúc
Mặt đình Vân Sa quay hướng đông bắc, nhìn ra sông Hồng. Phía trước đình vốn là một hồ nước, sau này đã bị lấp khi nắn lại con đê. Ngày nay ta thấy các bậc dốc đi từ trên đê xuống thẳng cổng nghi môn chỉ gồm 2 trụ biểu.
Hai bên sân đình là dãy nhà tả, hữu vu 3 gian, đầu hồi phía Bắc giáp hai cổng ngách 2 tầng 8 mái giả, mới xây năm 2002. Cổng ngách cũ thì bị bịt vì quá thấp sau khi tôn nền con đường liên xã 94.
- Bên hông đình Vân Sa. Photo NCCong ©2016
Nhà đại bái gồm 5 gian 2 chái, bờ nóc đắp các tượng linh vật nhưng ở giữa không có lưỡng long chầu nguyệt. Lần đại trùng tu cuối cùng sử dụng những cây cột cái vừa to vừa cao nhưng vẫn giữ dáng dấp kiến trúc cũ với mặt tiền có tường hoa thấp và xung quanh để trống. Đại đình kết nối với hậu cung theo hình chuôi vồ. Hậu cung 3 gian xây 2 tầng 4 mái, tường cao che kín, lưng áp vào sân chùa, gần nóc có bức phù điêu lớn hình đầu rồng (hoặc con tiêu đồ) phủ lên cửa tò vò giả.
Các mảng điêu khắc gỗ ở bên trong tòa đại bái có thể coi là di sản mỹ thuật lớn nhất của đình Vân Sa với những đề tài truyền thống quen thuộc như tứ linh, mây lửa, hoa lá v.v. nhưng không có tượng dân gian. Phong cách nghệ thuật kiến trúc và kỹ thuật chạm khắc tinh xảo thể hiện tại đây cũng tương tự như ở các ngôi đình lân cận.
Lễ hội
Hàng năm dân Vân Sa tổ chức lễ hội vào hai ngày mồng 4 và mồng 5 tết để tưởng nhớ công đức nhị vị thành hoàng. Trung tâm lễ hội là khu vực đình, chùa và miếu làng. Đây là một lễ hội làng nghề khá đặc trưng và gắn liền với tín ngưỡng của dân cư nông nghiệp. Tục rước bông, rước nõ và rước ảnh bà Ngũ Nương thể hiện sinh động nguyên lý Mẹ và tín ngưỡng phồn thực của người Việt.
- Điện thờ thành hoàng đình Vân Sa. Photo NCCong ©2016
Ngày mồng 4, đội kéo quân của làng do ông lý trưởng cưỡi một con ngựa dẫn đội quân gồm 12 - 14 đinh, mặc giả quần áo lính. Đi trước đội kéo quân có một người vác cờ, một người cầm trống bỏi, cuối đội hình là người vác loa. Đội kéo quân đi dọc ngõ làng vào ngõ xóm đánh trống, rao loa thông báo về việc làng tổ chức hội trò chiềng, thúc giục các giáp có trách nhiệm tham gia nghiêm cẩn theo tục lệ của làng.
Ngày mồng 5 là chính hội, buổi sáng hôm đó có đám rước và các cuộc tế lễ trước anh linh hai vị thành hoàng làng. Bắt đầu từ sớm mồng 5 tết, 8 giáp trong thôn tự nguyện cứ hai hoặc ba giáp liên kết với nhau thành một đám rước. Năm nào phong đăng hòa cốc thì trong 8 giáp có đến bốn hoặc năm đám rước, chí ít cũng có đến ba đám rước. Các giáp tổ chức rước kiệu cỗ, bao gồm oản, quả, xôi, gà, cau, trầu, rượu, hoa ra bày cỗ ở gian giữa đình. Sau đấy, làng tổ chức một đám rước mang kiệu bát cống vào nhà cụ già hay chữ nhất làng, xin bản văn tế rước ra đình để tế các vị thần, gọi là rước văn.
Phần hội diễn ra vào buổi chiều, lúc bấy giờ các giáp từ các xóm tổ chức rước kén ra đình. Hội rước kén rất tấp nập, có rước bông, múa linh và trò tứ dân lạc nghiệp[1]. Ngày nay, dân làng gọi đó là trò triềng với nghĩa trình diễn (triềng) các nghề, nhưng xa xưa hơn nó được gọi là trò chiềng với nghĩa trò vui của làng (chiềng). Đáng chú ý là ở trò triềng có tục rước kén và cướp kén. Một số cụ già nói rằng theo cha ông họ thì hai tục này mới chỉ xuất hiện vào những thập niên đầu thế kỷ XX, còn trước đó lại gọi là rước nõ và cướp nõ. Mọi người quan niệm đó là tục hèm của làng, định kỳ phải mở, nếu xao nhãng không làm thì dân sinh năm ấy sẽ ít gặp may.
- Chạm khắc trong đình Vân Sa. Photo NCCong ©2016
Di tích lân cận
- Chùa Vân Sa (Hoa Nghiêm Tự): thôn Vân Sa, xã Tản Hồng.
- Đền Lác: thôn Đồng Bảng, xã Đồng Thái.
- Đình Phương Châu: thôn Phương Châu, xã Phú Phương.
- Đình Phú Xuyên: thôn Phú Xuyên, xã Phú Châu.
- Đình Tri Lai: thôn Tri Lai, xã Đồng Thái.
- Đình Viên Châu: thôn Viên Châu, xã Cổ Đô.
©NCCông 2016, Van Sa community hall
[1] Tứ dân: sĩ, nông, công, thương. Trò này diễn ra ở sân đình Vân Sa vào lúc chạng vạng tối tức từ 4 đến 6 giờ tối. Đầu tiên đội kéo quân do lý trưởng cưỡi ngựa dẫn đầu trình diễn đội hình trước thành hoàng làng ra mắt dân thôn quanh sân đình. Người cầm loa đi sau cùng tiếp tục rao chương trình diễn trò. Giây phút linh thiêng nhất là cả đám hội chờ đợi cửa miếu Nhà Bà mở, để trai đinh của làng rước ảnh Đức Thánh Bà ra sân đình. Bức ảnh Thánh Bà Ngũ Nương, có công đánh giặc, cương nghị cưỡi trên mình ngựa. Người rước ảnh liệng qua liệng lại ba vòng thì ảnh Đức Thánh Bà được trịnh trọng rước trả lại yên vị trong cung miếu thờ. Sau đấy, một bên cổng đình bật mở để đám rước kén thứ nhất vào sân. Mọi người vừa đi vừa nhảy múa diễn trò quanh sân đình ba vòng rồi thoát ra bằng một lối ở cổng đình phía đối diện. Xưa kia, khi cây sào gắn dàn kén ra khỏi đình, dân thôn đưa dàn kén lên một gác gỗ gá buộc chắc chắn. Từ trên đó người ta sẽ lắc mạnh để kén rơi xuống phía dưới, mọi người đi hội tranh nhau cướp. Ai cướp được nhiều kén tâm niệm năm đó làm ăn gặp nhiều may mắn. Ngày nay, người vác kén ra khỏi sân đình thì lắc mạnh cây sào cho con kén rơi để người đi hội tranh cướp. Đám rước kén thứ nhất ra rồi, dân làng lại mở cửa đình để đám rước kén thứ hai vào diễn trò tứ dân lạc nghiệp tương tự như đám rước thứ nhất. Lần lượt thế cho tới đám rước cuối cùng.