32 Long Bien bridge

Cầu Long Biên

cận đạicầusông Hồng

Cầu Long Biên dài 2.290m, nối Bến Nứa với Gia Lâm từ năm 1902. Vị trí Ga Long Biên: 2VQ2+X3, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 3 km (hướng 1 h). Trạm bus lân cận bên Hà Nội: Điểm Trung Chuyển Long Biên, bên Gia Lâm: ngã phố Ngọc Lâm - Ngọc Thụy.

Lược sử

Cầu Long Biên được xây dựng vào năm 1898 và hoàn thành năm 1902, tính đến nay đã hơn một thế kỷ cần mẫn giúp cho hàng trăm triệu người vượt qua sông Hồng. Thời Pháp thuộc, cầu thường được dân Việt gọi là cầu sông Cái, còn tên tiếng Pháp là Pont Doumer [1].

Dự án xây dựng cầu được Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer thông qua ngày 4-6-1897. Khi tiến hành đấu thầu có 6 công ty Pháp tham dự, mỗi nhà thầu được phép đưa ra 2 dự án A và B. Thống sứ Bắc Kỳ Fourès là Chủ tịch Hội đồng thẩm định các dự án. Cuối cùng, Hội đồng mở thầu đã chọn dự án B của công ty Daydé & Pillé với giá 5.390.794 franc Pháp. Hiện nay trên đầu cầu vẫn còn gắn tấm biển kim loại của nhà thầu xây dựng, trong đó có đúc dòng chữ “1899—1902. Daydé & Pillé. Paris”.

Cầu Long Biên xây xong năm 1902

Cầu Long Biên có một điều lạ là xe hai bánh không đi về phía tay phải như thông lệ luật giao thông của Pháp và Việt Nam. Bên bờ hữu ngạn sông Hồng xe cần rẽ lên cầu từ các phố Hàng Đậu và Yên Phụ, còn xuống cầu thì thả dốc từ cửa ga Long Biên rồi quành ra đường Trần Nhật Duật.

Hồ sơ lưu trữ cho biết năm 1924 đã có quy định xe cơ giới đi bên phải. Đến năm 1929 do quá tải đường lên xuống cầu ở bờ tả ngạn sông Hồng (tức Gia Lâm, hồi đó thuộc tỉnh Bắc Ninh) thường bị tắc nghẽn nên Công sứ Bắc Ninh xin đổi ngược chiều, nhưng phải đến tháng 2-1937 mới thực thi và duy trì cho đến nay.

Nha công chính Đông Dương nhận xây dựng phần cầu dẫn. Ngày 12-9-1898 diễn ra lễ khởi công và sau 3 năm 9 tháng cầu đã hoàn thành, sớm hơn kế hoạch dự trù 13 tháng.

Cầu Long Biên ©A.Kahn 1915

Đội xây cầu gồm hơn 3000 công nhân bản xứ và khoảng 40 giám đốc, kỹ sư, chuyên gia và đốc công người Pháp. Họ đã dùng đến 30.000m3 đá và kim loại (5600 tấn thép cán, 137 tấn gang, 165 tấn sắt, 7 tấn chì). Tổng số tiền thực chi lên tới 6,2 triệu franc Pháp, chỉ vượt quá dự trù 5%.

Ngày 28-2-1902, vào lúc 8 giờ 30 phút, chuyến tầu đầu tiên khởi hành từ ga Hà Nội đưa vua Thành Thái và Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cùng đoàn tùy tùng tới đầu cầu để làm lễ khánh thành, trước sự chứng kiến của hàng nghìn người dân bản xứ.

Cầu Long Biên từng chứng kiến cuộc rút quân tạm thời của Trung đoàn Thủ đô đêm 17-2-1947 và sự ra đi vĩnh viễn của thực dân Pháp vào ngày 10-10-1954.

Cầu Long Biên ngày 10-10-1954

Cuối thập niên 1960, các điểm cao trên nóc cầu trở thành ụ pháo 12,7mm chống máy bay Mỹ. Bộ đội Việt Nam đã xây dựng hai trận địa pháo phòng không cao 11,5 m trên bãi cát nổi giữa sông, dùng máy bay trực thăng cẩu pháo cao xạ 57mm đến để vẫn có thể bắn khi có đỉnh lũ cao nhất. Ngoài ra dưới sông còn có các tàu tuần tiễu tham gia bảo vệ cầu.

Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam giai đoạn đầu (1965 - 1968) cầu Long Biên bị ném bom 10 lần, hỏng 7 nhịp và 4 trụ lớn. Giai đoạn cuối (1969 - 1972) cầu bị ném bom 4 lần, phá hỏng 1500m cầu và hai trụ lớn bị cắt đứt. Các nhịp của cầu bị bom đánh đổ đã được thay bằng các dầm bán vĩnh cửu, có khẩu độ ngắn đặt trên các trụ mới.

Cầu Long Biên năm 2016 ©NCCông

Sau năm 1975, vào thời bình Hà Nội liên tục xây dựng thêm các cầu khác nối hai bờ sông Hồng. Từ thập niên 1990, cầu Long Biên chỉ còn được sử dụng cho tàu hỏa, xe đạp và người đi bộ. Cuối năm 2005 xe máy được phép đi qua cầu Long Biên để giảm việc ùn tắc cầu Chương Dương. Năm 2002, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án gia cố sửa chữa cầu Long Biên giai đoạn 2, đầu tư 95 tỷ đồng nhằm đảm bảo an toàn khai thác đến năm 2010. Hiện nay số phận cây cầu lịch sử vẫn đang là dấu hỏi.

Panorama

Đường Trần Nhật Duật - Yên Phụ ©NCCong 2015

Di tích lân cận

32 - Cầu Long Biên ©NCCông 2011-2015


[1Paul Doumer: Toàn quyền Đông Dương từ năm 1897 đến 1902, sau trở thành Tổng thống Pháp và bị ám sát chết năm 1932.