325 Lieu Giai community hall

Đình Liễu Giai

nhà Lýq.Ba Đìnhs.Kim Ngưu

Đình làng Liễu Giai có từ thời Hậu Lê. Thờ: thành hoàng Hoàng Phúc Trung (thời Lý). Lễ hội: 12 tháng Giêng âm lịch. Xếp hạng: Di tích thành phố (2002). Vị trí: ngõ 343 Đội Cấn, 2RP9+V4, Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 4,3 km (hướng 10 h). Trạm bus lân cận: cạnh ngã ba Liễu Giai - Vạn Bảo trên phố Đội Cấn (xe 09)

Lược sử

Đình Liễu Giai thờ quan Thái tể Hoàng Phúc Trung, gốc làng Lệ Mật, Gia Lâm. Theo truyền thuyết, ngài là người có công tìm vớt thi thể công chúa nhà Lý, do đó xin được vua ban cho vùng đất hoang phía tây nam hoàng thành Thăng Long. Ngài bèn chiêu mộ dân quê sang khai phá, xây dựng thành khu Thập tam trại nổi tiếng. Sau khi mất, ngài được dân tôn làm thành hoàng, lập đền thờ ở Lệ Mật và ở tất cả 13 trại đó.

Các đầm lầy và đồi hoang dần dần trở nên ruộng đồng và trang trại sầm uất, nhân dân an cư lạc nghiệp. Liễu Giai là một trong 13 trại. Làng vốn nhỏ, chỉ gồm một giáp, dân không đông. Theo sách “Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ” năm 1928 làng có 334 nhân khẩu; họ Nghiêm đông nhất, bên cạnh các họ Nguyễn, Trần, Ngô.

Cổng đình Liễu Giai. Photo NCCong ©2014

Làng Liễu Giai nay đã hoàn toàn đô thị hoá. Ngoài đình, đền, chùa, trên đất làng cũ còn có một kiến trúc lớn của thế kỷ XX là toà nhà thờ Gia tô giáo, về sau trở thành khách sạn La Thành trên phố Đội Cấn.

Năm 2002, ngôi đình Liễu Giai đã được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng Di tích Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật.

Kiến trúc

Từ phố Đội Cấn rẽ vào ngõ 343 hơn trăm bước, du khách sẽ thấy ngôi đền Liễu Giai với cổng tam quan, đi tiếp vài chục bước nữa thì sẽ đến đình. Cổng được xây kiểu nghi môn với các trụ biểu và hai cửa phụ có cặp phù điêu hộ pháp đứng gác, trước cửa giữa là bức bình phong đắp cuốn thư. Qua cổng là sân trước, bên trái có phòng họp và nhà khách. Du khách đi qua khu vườn cảnh sẽ thấy sân sau nằm dưới tán cổ thụ được gắn biển "Cây Di sản Việt Nam", ở giữa là ngôi đình làng xây trên một thế đất cao, mặt nhìn về hướng tây.

Sân đình Liễu Giai. Photo ©NCCong 2016

Trải qua lần tu sửa đầu thế kỷ XXI, dáng vẻ đình mang phong cách nghệ thuật cuối thời Nguyễn nhưng mái khá cao. Tòa tiền tế 3 gian, xây kiểu "đầu hồi bít đốc tay ngai", hàng hiên trên thềm cao 5 bậc. Từ tiền tế, du khách đi qua một "ống muống" xây đơn giản, gian giữa có hương án, hai bên bày lộ bộ, cặp tượng ngựa hồng bạch và chiêng trống, rồi tới hậu cung 3 gian.

Di sản

Lễ hội đình Liễu Giai được dân làng tổ chức hàng năm vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch. Trong đình Liễu Giai vẫn giữ được những đồ tạo tác bằng gỗ sơn son thếp vàng như kiệu bát cống, hương án, cửa võng, đèn lồng v.v. rất đẹp. Ngoài ra còn có một pho tượng gỗ tạc hình đức thành hoàng và các đồ tế khí như đỉnh đồng, lư hương, bát bửu, chuông đồng.

Trong đình Liễu Giai. Photo ©NCCong 2016

Bên cạnh đó lại có một số tư liệu chữ Hán của các thời kỳ trước đây gồm câu đối, đại tự, hoành phi, thần phả và đặc biệt quý là 01 đạo sắc phong cho thành hoàng vào năm Khải Định cửu niên (1924). Phần lớn các hiện vật được chế tác vào thế kỷ XIX và XX.

Di tích lân cận

©NCCông 2014-2016, Lieu Giai community hall