329 Former headquarters of the MOFA

Trụ sở cũ của Bộ Ngoại giao

q.Ba Đìnhcận đạitoà nhà

Tòa nhà này vốn là trụ sở Sở Tài chính do KTS Pháp Ernest Hébrard thiết kế năm 1924. Xếp hạng: Di tích quốc gia (2016). Vị trí: 2RPP+8Q, số 1 Tôn Thất Đàm, Q. Ba Đình, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 1,6km (hướng 11h). Trạm bus lân cận: 18A Lê Hồng Phong (09, 09act, 18), Đd Tượng Đài Bắc Sơn (22a, 45, 50), Đd Bệnh Viện Xanh Pôn - Trần Phú (22a, 32, 34, 50, CNG03)

Giới thiệu

Theo KTS. Trần Quốc Bảo, trụ sở Sở Tài chính (Direction des Finances) do kiến trúc sư người Pháp Ernest Hébrard thiết kế năm 1924 và khởi công năm 1925, hoàn thành năm 1928. Ngày 03-10-1945 toà nhà trở thành trụ sở Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Nằm trong bối cảnh khu vực trung tâm hành chính – chính trị của Hà Nội theo phương án quy hoạch của Hébrard, toà nhà là điểm kết thúc trục đường Vallenhoven (phố Chu Văn An ngày nay) đồng thời nằm giữa trục tam giác cân tạo bởi các tuyến phố Puginier (phố Điện Biên Phủ), Ollivier (phố Tôn Thất Đàm) và một đại lộ lớn chưa hình thành nằm ở vị trí đường Bắc Sơn hiện nay, đây cũng là công trình duy nhất của Hébrard được xây dựng theo quy hoạch này.

Trụ sở Sở Tài chính. Tư liệu thời Pháp thuộc

Toà nhà có mặt bằng hình chữ H cấu trúc đăng đối hoàn toàn qua trục trung tâm. Cánh nhà chính hướng ra phố Vallenhoven gồm 4 tầng: tầng trệt cao 2,65m là nơi bố trí các phòng phục vụ, kho …, ba tầng trên là nơi bố trí các phòng làm việc theo kiểu hành lang giữa. Cánh nhà phía sau ngắn hơn và chỉ có 3 tầng được bố trí các phòng lưu trữ tài liệu theo kiểu không gian xuyên phòng. Nối giữa chúng là khối hành lang cầu và các cầu thang.

Mặc dù về mặt tổ chức mặt bằng không gian chức năng hoàn theo phong cách kinh điển của các toà nhà hành chính ở Pháp lúc bấy giờ, nhưng về mặt xử lý kiến trúc tác giả đã khéo léo kết hợp với các thành phần và chi tiết kiến trúc Phương Đông tạo ra nét bay bổng, hoà nhập với cảnh quan xung quanh. Điều đầu tiên đáng lưu ý ở công trình này là việc xử lý bộ mái ngói với rất nhiều lớp mái, rất nhiều hình thức mái được tổ hợp một cách nhuần nhuyễn.

Mặt tiền Bộ Ngoại giao. Photo NCCong ©2012

Trên mặt chính chúng ta có thể thấy bộ mái chiếm tỷ lệ khá lớn. Khối trung tâm được nhấn mạnh bởi một lầu mái có cột đỡ nhô hẳn lên phía trên công trình, phía dưới là lớp mái phẳng nhô ra phía trước kết hợp với lớp mái che cửa sổ tầng 2 và mái tiền sảnh. Ngoài điểm nhấn ở khối trung tâm thì bộ mái còn lan toả trên toàn bộ khối nhà với rất nhiều hình thức phong phú: mái bát giác hai lớp trên các tháp, hồi mái tại các điểm kết thúc công trình, mái bằng phân vị giữa tầng 2 và tầng 3, mái tam giác che cửa mái và các mái nhỏ che cửa sổ, ống khói.

Hệ mái của công trình không chỉ mang tính trang trí mà có ý nghĩa thực sự về khả năng che nắng, cách nhiệt, chống chói và chống mưa hắt. Nếu quan sát kỹ chúng ta sẽ thấy phía Đông và phía Tây của toà nhà đều có các hàng hiên nhỏ có mái che chống bức xạ mặt trời gay gắt vào buổi sáng và buổi chiều.

Cận cảnh Bộ Ngoại giao. Photo NCCong ©2012

Khả năng thông gió và lấy sáng tự nhiên của công trình rất tốt nhờ lượng mở cửa lớn trên các mặt đứng. Các lỗ thoáng được đặt phía trên sàn và sát trần nhà đảm bảo khả năng thoát nhiệt. Toàn bộ cửa sổ đều được bố trí giữa hai lớp kính trong chớp ngoài đảm bảo thông gió, lấy sáng tốt mà vẫn chống được ánh nắng chói chang về mùa hè và cái lạnh buốt giá về mùa đông ở Hà Nội.

Sở Tài chính là một thành công lớn của E.Hébrard trong ý đồ tạo ra một hình loại kiến trúc kết hợp mặt bằng, hình khối kinh điển phương Tây với các thành phần, chi tiết kiển trúc phương Đông. Một sự kết hợp hài hoà không khiên cưỡng đã khiến công trình trở thành toà nhà hành chính mang sắc màu Phương Đông duy nhất ở Hà Nội thời pháp thuộc.

Infography trụ sở cũ Bộ Ngoại giao

Di tích lân cận

©NCCông 2012-2016, Former headquarters of the MOFA