342 Ha Noi botanic garden

Công viên Bách Thảo Hà Nội

q.Ba Đìnhcông viênhồ đầm

Vườn Bách Thảo có từ cuối thế kỷ XIX. Vị trí: 2RRJ+4G, số 3 phố Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 2,5 km (hướng 11 h). Trạm bus lân cận: đầu các phố Hoàng Hoa Thám (xe 14, 45 đi từ phía Tây), Ngọc Hà (xe 09 từ phía Tây), Thụy Khuê (xe 14, 45 từ phía Đông).

Đền Khán Xuân

Phía đông bắc đình Ngọc Hà nguyên là đất phường Khán Xuân, nơi từng có một công trình kiến trúc xây trên gò đất cao, do bị đốt phá trong chiến tranh nên đến giữa thời Nguyễn đã không còn dấu tích gì ngoài hai cái tên cũ “Đền Khán Xuân” và “Đài Khán Xuân”. Dân Hà Thành truyền miệng rằng vào hồi đầu thế kỷ XIX nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương sống ở ven Tây Hồ từng viết một bài thơ bằng chữ Nôm như sau:

Chơi đền Khán Xuân
Êm ái chiều xuân tới khán đài
Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai
Ba hồi triêu mộ chuông gầm sóng
Một vũng tang thương nước lộn trời
Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn
Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi
Nào nào cực lạc là đâu tá,
Cực lạc là đây chín rõ mười.

Vườn Bách Thảo thời đầu

Vườn Bách Thảo

Sau khi chiếm xong Việt Nam, thực dân Pháp làm quy hoạch ngay thành phố Hà Nội và mở rộng thành thủ phủ của toàn xứ Đông Dương. Năm 1890, họ quyết định lập một Vườn Bách Thảo (Jardin Botanique) tại phường Khán Xuân và đã cho di dời cư dân cũ. Trong tổng diện tích hơn 33ha đất, ngoài các thảm cỏ, hàng cây, luống hoa, chuồng chim, chuồng thú còn có hồ nước tự nhiên với hòn đảo nhỏ.

Do nơi đây nuôi nhiều loài thú lạ và trồng lắm loài hoa đẹp nên người Việt quen gọi là vườn Bách Thú hoặc trại Hàng Hoa. Đến thời đại chiến lần thứ hai (1939—1945) bùng nổ, do không có điều kiện chăm sóc chu đáo, chim muông ở đây bị đói ăn và ốm chết dần. Người Pháp đã phải cho chuyển hết số thú còn lại vào Sở thú Sài Gòn, nơi đây trở lại là vườn cây đúng như tên gọi “Vườn Bách Thảo Hà Nội”.

Hồ Bách Thảo. Photo ©NCCong 2016

Sau năm 1975, nhiều chim thú đã được đưa sang Vườn thú Thủ Lệ và Thảo cầm viên Sài Gòn. Vườn Bách Thảo vẫn có 3 cổng mở ra các phố Hoàng Hoa Thám, Ngọc Hà nhưng bị thu hẹp chỉ còn hơn 10ha để nhường hai phần ba diện tích cho Khu di tích lịch sử Ba Đình.

Núi Sưa

Góc phía tây vườn Bách Thảo có một gò đất lớn thường gọi là núi Sưa, hoặc núi Khán, núi Long Đỗ, núi Nùng. Thực ra núi Long Đỗ hay núi Nùng lại ở hoàng thành cũ, như học giả Phan Huy Chú thời Nguyễn viết trong sách “Hoàng Việt dư địa chí”: Núi Nùng ở giữa thành. Triều Lý định đô lấy núi làm đài chính điện, đến thời Lê là điện Kính Thiên, nay là điện phía trước hoàng cung. Xưa truyền rằng giữa núi có một lỗ hổng là nơi thông hơi của hồ ao và núi, nên gọi là Long Đỗ (rốn rồng).

Đền Núi Sưa

Trên núi có ngôi đền thờ Huyền Thiên Hắc Đế được xây vào cuối thế kỷ XIX, mặt quay về hướng đông, bên trong treo bức hoành phi đề 4 chữ Hán “Sư sơn lăng miếu”. Tiền tế gồm 3 gian kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói mũi hài, trong khám thờ có đặt long ngai bài vị, mũ áo Đức Huyền Thiên. Hậu cung 3 gian chạy dọc phía sau. Tường bên phải gắn 4 tấm bia đá ghi các niên đại khác nhau: Thành Thái tứ niên (1894), Thành Thái lục niên (1896), Minh Mệnh (1829 – 1841), Bảo Đại lục niên (1933).

Vùng quanh núi vốn có các làng Khán Xuân, Ngọc Hà, Hữu Tiệp và tới năm 1892 thì thêm làng Xuân Biểu, tất cả đều thờ Đức Huyền Thiên Hắc Đế làm thành hoàng. Khi người Pháp làm vườn Bách Thảo, nhân dân Khán Xuân đã di đến ngụ cư tại đất xóm Yên Biểu của làng Ngọc Thanh (nay là đoạn đầu phố Sơn Tây). Họ vẫn thờ Huyền Thiên Hắc Đế nhưng sau do ở nhờ đất khách nên cũng thờ thêm thành hoàng của làng Ngọc Thanh là Bố Cái đại vương và Linh Lang đại vương.

Đền Núi Sưa

Đức Huyền Thiên Hắc Đế có công phò trợ vua Lý Thánh Tông đánh Chiêm Thành. Lễ hội Núi Sưa được tổ chức hàng năm nhân sinh nhật của ngài 19 tháng Giêng âm lịch. Cuối thế kỷ XX, dân làng Ngọc Hà đã quyên góp trùng tu đền. Những cây sưa cổ thụ ở quanh đền đến nay cũng đã hơn trăm tuổi.

Ngày 07-11-2015 UBND TP Hà Nội đã xếp hạng đền Núi Sưa là di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật.

Di tích lân cận

©NCCông 2016, Ha Noi botanic garden