346 Huong Hai Thien pagoda
Chùa Hương Hải Thiền
h.Gia Lâmsông ĐuốngLê trung hưngChùa Hương Hải Thiền có từ thế kỷ XV. Tên chữ: Hương Hải Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1996). Vị trí: thôn Chi Đông, 3264+4V, Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 23 km (hướng 3 h). Trạm bus lân cận: KDL Hapro trên quốc lộ QL17.
Lược sử
Tên chùa là Hương Hải Tự, lấy điển tích nước biển thơm bao quanh núi Tu Di trong Kinh Hoa Nghiêm, và cũng trùng tên của vị cao tăng thời Hậu Lê là thiền sư Hương Hải Minh Châu. Năm 1957 chùa bị sập vì mưa đá; đến 1990 ngôi Tam Bảo được dân làng dựng lại trên nền cũ.
Theo bức bản đồ cuối cùng của triều Nguyễn là “Đồng Khánh địa dư chí lược” thì đất xã Lệ Chi xưa thuộc tổng Cổ Biện, huyện Gia Lâm, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Xã nằm ngay sát dòng sông Thiên Đức cũ. Nếu căn cứ vào cây hương đá còn lại trước sân chùa, tuy dòng chữ trên đó đã phai mờ nhưng kiểu dáng và hình thức trụ đá có thể cho phép đoán định chùa được khởi dựng vào thời Hậu Lê. Từ một Di tích lịch sử văn hóa, nay ngôi chùa trở thành nơi tu hành theo đường lối đạo Phật nguyên thủy của Tu Viện Chân Như.
Năm 1996, Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng chùa Hương Hải Thiền cùng với đình Chi Đông là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
- Sân trước chùa Hương Hải. Photo: NCCong ©2017
Kiến trúc
Chùa Hương Hải Thiền tọa lạc trong một khuôn viên rộng ngay trên khu đất bãi sông Đuống của thôn Chi Đông. Du khách từ đường làng có thể đi qua cổng ngôi đình liền kề ở phía đông-nam và leo bậc lên sân tiền đường hoặc đi tiếp sang khu vực tu viện. Bên tả tiền đường là một sân gạch lớn có mái che làm giảng đường và dẫn tới nhà thờ Tổ và thờ Mẫu rộng 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Các bộ đỡ mái được làm theo kiểu “kèo cầu quá giang, cột trốn”, nền nhà lát gạch, phía trước có cửa ra vào, phía sau thông với thượng điện. Nội thất chia làm 5 gian, sát tường hồi bên phải xây bệ gạch làm nơi thờ tự, bệ giữa thờ Mẫu. Bên trái là ban thờ Tổ, bên phải thờ các vong hồn gửi vào chùa. Trang trí trên các mảng kiến trúc đều đơn giản.
Mặt bằng chùa chính có hình “chữ Đinh”, sân trước quay hướng tây-nam nhìn ra những bụi tre và vườn keo tai tượng mới trồng. Tiền đường là một nếp nhà xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói mũi hài cổ. Bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, giữa nóc gắn một biển hình chữ nhật đắp 3 chữ Hán “Hương Hải Tự”, hai đầu đốc đắp hình trụ không trang trí. Nội thất chia làm 5 gian, mặt bằng 4 hàng chân, các cột gỗ tròn làm kiểu thượng thu hạ thách đặt trên các hàng chân tảng bằng đá hình trụ tròn miệng loe. Các vì giữa đỡ mái nhà làm kiểu thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ bẩy hiên. Hai vì đầu hồi kiểu “kèo cầu quá giang” gác trực tiếp lên tường bổ trụ, mái phân “thượng tam, hạ ngũ”.
- Nơi tu tập ở chùa Hương Hải. Photo: NCCong ©2017
Trang trí trên kiến trúc nhà tiền đường tập trung chủ yếu trên hai bức cốn nách gian giữa, mặt trong trang trí chạm nổi, chạm lộng các đề tài tứ linh quần hội, mặt ngoài trang trí hoa văn hình học. Phật điện gồm 3 gian chạy dọc, trang trí đơn giản.
Di vật
Trong chùa hiện lưu giữ được một hệ thống tượng tròn, phần nhiều có từ thời cuối Lê, đầu Nguyễn như các bộ tượng A Di Đà, Tam thế, cây hương đá… Từ ngoài vào sát tường hồi tiền đường, bên phải có tượng Đức Thánh Hiền, hai bên là Diệu Nhiên và Đại Sỹ. Bên trái đặt ban thờ Đức Ông ngồi giữa hai ông Tả, Hữu. Dọc hai bên sát tường hồi thượng điện bày bộ tượng Thập Điện Diêm Vương. Sát tường hậu thượng điện bên trái có pho tượng Quan Âm tọa sơn, bên phải là tượng hậu.
Tòa tam bảo được xây bệ cao dần từ ngoài vào làm nơi tọa lạc cho các pho tượng Phật và Bồ tát. Lớp trên cùng là bộ Tam thế Phật tượng trưng cho quá khứ, hiện tại và vị lai. Lớp thứ hai bày bộ tượng A Di Đà tam tôn. Lớp thứ ba gồm tượng Ngọc Hoàng, hai bên là Phạm Thiên, Đế Thích. Lớp thứ tư bày tượng Thích Ca sơ sinh đứng trong tòa Cửu Long.
Tổng cộng trong chùa còn bảo toàn được 8 bức hoành phi sơn son thiếp vàng, 3 câu đối sơn son [1], 30 tượng tròn, 1 tượng Tổ, 3 tượng Mẫu, 20 tượng Phật, 1 cây hương đá, 8 bát hương sứ gốm da lươn, 5 bát hương xứ men trắng vẽ lam ngoài ra còn nhiều đồ thờ tự khác và 1 chuông đồng [2] đúc năm Tân Sửu 1841.
Di tích lân cận
- Chùa Bút Tháp (Bắc Ninh): thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành.
- Chùa Dâu: đường Lạc Long Quân, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành.
- Chùa Keo (Báo Ân Trùng Nghiêm Tự): thôn Giao Tự, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm.
- Chùa Tổ (Phúc Nghiêm Tự): thôn Mãn Xá, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành.
- Đình Gia Lâm: thôn Gia Lâm, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm.
- Đình Giao Tự: thôn Giao Tự, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm.
346 chua Huong Hai Thien ©NCCông 2015-2019
[1] Một câu đối trong Tam Bảo có ghi:
Bát vạn lưu truyền thanh tịnh đồng quy ư giác hải
Tam thiên pháp giới minh nguyệt phổ chiếu tại chân không. (Tám vạn pháp môn đồng quy về biển giác
Ba ngàn pháp giới sáng như mặt trăng tại chân không).
[2] Bài văn trên chuông: “Thuận An phủ, Gia Lâm huyện, Lệ Chi xã, viên chức hương lão đồng thôn thượng hạ hiệp cùng bản tự bần tăng Thiết nghĩ, đạo tàng ở pháp khí phát ra ở thanh âm, tỏ sự dẫn dụ ở chỗ có đại hồng chung, tiếng vang vang, để vọng cơ huyền vô hình vô tướng mà hiển được đạo chính giác. Chùa bản hương ta tên là Hương Hải, đồ pháp bảo đã đủ đầy, há đâu để chày kình buông bỏ nơi đỗ, tiếng bồ lao im mãi, để cho Phạm âm bị vẳng lặng mà không trù liệu gây dựng lên. Có phải là ý trời thấu được mà hoàn tất cho được đại nhân duyên, nên cùng hội thập phương công đức cúng thí. Ngày tốt tháng 3 nhuận năm Tân Sửu, gom được đồng tốt, tập hợp thợ khéo, luyện đúc thành quả phúc tròn đầy, tiếng vàng hội tụ để ngân vang, dựng cành báu treo lên. Đánh cho tiếng vang, người nghe được thì giải hết cả phiền não, tiêu hết nghiệp bến mê. Cái đạo giác thế của đức Phật khì diệu như thế, không phải là trong thanh âm có tiếng Tam muội nên như thế sao! Đấy là tiếng chuông có thể giải thoát cho lòng người, lập định tuệ tri kiến nên phát thành tiếng đấy ư! Lời đức Phật nói tốt thay, những điều ta nghe được như vậy, lại theo lời ấy mà soạn bài minh rằng: Chí đạo nói gì đâu / Không lời mà không lặng / Chí giáo nói gì đâu / Là không lại là sắc / Chuông kia là pháp khí / Định tuệ giải lòng mê / Pháp khí là âm thanh / Mở muôn vạn hành thức / Suy cho rộng đạo mầu / Công đức thật vô lượng / Đến tất cả mọi vật / Muôn nghìn ức nhân thiên. Ngày tốt tháng 3 nhuận, Thiệu Trị nguyên niên”.