347 Canh Hoach community hall
Đình Canh Hoạch
h.Thanh Oaisông Đáynhà MạcĐình Canh Hoạch tức đình làng Vác, có từ thế kỷ XVII. Thờ: Ngũ vị thành hoàng. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1991). Vị trí: RQ5G+PR, Phố Vác, xã Dân Hòa, H. Thanh Oai, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 31km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: 47 Phố Vác - QL21B (xe 75, 78, 91, 103)
- Đình Canh Hoạch. Photo ©NCCong 2019
Địa lý
Thôn Canh Hoạch xưa tên trang Cổ Hoạch, tên Nôm là làng Vác, vốn giàu và lớn nhất trong 5 thôn của xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Làng nằm bên Phố Vác có chiều dài khoảng 1km dọc theo Quốc lộ 21B. Dân địa phương chủ yếu theo đạo Phật và đạo Cơ Đốc. Kiến trúc lớn còn lại từ xưa bao gồm chùa Diên Phúc, nhà thờ xứ và đình làng.
Làng nổi tiếng với hai nghề thủ công là làm lồng chim và quạt giấy theo kiểu truyền thống. Quạt Vác nhẹ, bền và đẹp, nan cứng bằng tre gác bếp không mọt, phất bằng giấy dó và dán bằng nước cậy rất dính. Theo ThS. Bùi Văn Vượng, quạt Vác bắt đầu xuất hiện từ nửa cuối thế kỷ XIX, khi Tổ nghề của làng là cụ Mai Đức Siêu khởi nghiệp.
- Trong đình Canh Hoạch. Photo ©NCCong 2019
Du khách từ trung tâm Hà Nội có thể di chuyển đến gần cầu Hà Đông rồi lên bus số 78 (tuyến BX Mỹ Đình – Tế Tiêu) hoặc 103 (BX Mỹ Đình – Hương Sơn) đi theo quốc lộ QL21B và xuống xe ở ngã tư Vác. Từ ngã tư Vác đi bộ tiếp gần 300m sẽ thấy biển đề "Đình Canh Hoạch" ở bên trái.
Lược sử
Trong hậu cung đình có bài vị thờ 5 đức thành hoàng gồm: 2 vị quan thời vua Hùng là Trình Lý và Cao Hàn, ngài Trần Uất (thời Trần), trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng (thời Lê Sơ), Nguyễn Quyện (thời Mạc - Lê Trung hưng). Theo thần phả khi quân Thục tấn công, ngài Trình Lý và Cao Hàn cùng Tản Viên hành quân qua trang Cổ Trạch và xây dựng hành cung. Sau khi thắng trận ngài Trình Lý trở lại trang và mất tại đó, còn ngài Cao Hàn mất tại Ái Châu. Ở đình có lễ vào ngày giỗ và ngày sinh hàng năm. Minh Lang đại vương từng đóng quân tại trang, do hai ngài trước hiển linh nên nhận làm thần tử. Sau khi thắng giặc Nguyên ngài trở lại trang và trùng tu miếu thờ rồi mất ở Kiếp Bạc, từ đó được thờ chung tại làng.
Hội làng Vác được tổ chức hàng năm từ ngày 11 đến 13 tháng Ba âm lịch, mở đầu bằng lễ rước kiệu từ đình đến nhà thờ trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng và các từ đường khác. Do có quan hệ thân tộc mà làng Vác và làng Nhị Khê kết chạ từ xưa.
Ngày 19-4-1991 đình Canh Hoạch đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử - kiến trúc - nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc
Đình Canh Hoạch quay về hướng tây, nhìn qua hồ nước hình vuông ra mặt đường QL21B. Đình không rõ đích xác được xây khi nào nhưng hiện nay mang dáng vẻ kiến trúc thời Nguyễn. Cổng đình khá to với 4 trụ biểu và 2 cổng phụ. Sân gạch rất rộng, hai bên là tả, hữu mạc 3 gian và nhà bia công đức.
- Nhà thờ họ Nguyễn. Photo ©NCCong 2019
Đại đình gồm 7 gian, mái lợp ngói ta, trên bờ nóc đắp hình đôi rồng chầu nguyệt. Hậu cung và ống muống kết nối với tiền tế theo hình “chữ Công”. Bên trong bài trí theo kiểu truyền thống.
Nhà thờ họ Nguyễn
Tháng 1-1995, nhà thờ họ Nguyễn ở Canh Hoạch được xếp hạng Di tích quốc gia. Khởi tổ là Nguyễn Bá Ký, tiến sĩ khoa Quý Mùi (1463, bia Văn Miếu đề họ Phạm), đời Lê Thánh Tông làm đến Binh bộ Thượng thư, thân tộc với dòng họ Nguyễn Trãi ở Nhị Khê. Ký sinh ra Hề, 50 tuổi đỗ trạng nguyên khoa Giáp Tuất (1514) đời Lê Tương Dực, vua ban tên Đức Lượng, làm đến Lễ bộ tả thị lang, từng đi sứ. Lượng sinh ra Lệ, tiến sĩ khoa Ất Mùi (1535) đời Mạc Đăng Doanh, làm quan Hữu thị lang, cũng từng đi sứ.
Chị của Nguyễn Đức Lượng được gả cho Doãn Toại — con của Nguyễn Doãn Địch, trú quán Canh Hoạch, đỗ thám hoa khoa Tân Sửu (1481) đời Lê Thánh Tông, làm đến chức Hữu thị lang. Toại sinh ra Thiến, hiệu Cảo Xuyên, theo học cậu Nguyễn Đức Lượng. Năm 38 tuổi, Thiến đỗ trạng nguyên khoa Nhâm Thìn (1532) đời vua Mạc Đăng Doanh, làm tới chức Lại bộ Thượng thư.
Nguyễn Thiến về sau cùng với thông gia là Phụng quốc công Lê Bá Ly dẫn quân vào Thanh Hóa quy thuận nhà Lê Trung hưng. Thiến sinh ra Quyện và Miến, sau khi Thiến chết, Quyện và Miến lại quay về phò Mạc, được phong tước Thường quốc công. Con thứ ba của Miến là Nhiệm, năm 1601 chống quân Lê Trung hưng ở Hoàng Giang (Ninh Bình), bị thất bại phải đi ẩn ở Tiên Điền (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), trở thành tổ chi họ của đại thi hào Nguyễn Du.
- Ao đình Canh Hoạch. Photo ©NCCong 2019
Nhà thờ tổ họ Nguyễn ở Canh Hoạch được lập vào thời Hậu Lê. Vị trí: RQ6H+PH Dân Hòa, Thanh Oai, Hanoi, Vietnam. Đến nay qua tu bổ vẫn giữ dáng vẻ của lần tôn tạo năm 1821 với hình “chữ Nhị”. Cổng vào gồm 2 cột trụ, trên đỉnh trang trí đèn lồng và bông sen cách điệu. Gian giữa treo bức hoành phi đề 3 chữ Hán “Trạng nguyên từ”, trong khám thờ đặt bài vị cụ tổ. Gian bên phải bày cỗ ngai trên đặt chân dung Nguyễn Trãi. Gian bên trái là khám thờ “Trạng cậu” Nguyễn Đức Lượng và “Trạng cháu” Nguyễn Thiến. Ngoài ra còn hai bia đá từ thế kỷ XVII, cuốn gia phả và các đạo sắc phong.
Trong làng còn có nhà Sắc hay đình Sắc, gồm ba gian xây kiểu “chữ Nhất”, hai bên là tả hữu mạc. Gian giữa đặt long ngai và bài vị Thường quốc công Nguyễn Quyện, gian bên phải để hòm sắc của các vua chúa xưa kia phong cho 5 vị thành hoàng, gian bên trái đặt bài vị Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, tục gọi là Bà Chúa Thuận, con gái Trạng nguyên Nguyễn Thiến.
Mộ trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng nằm ở ngoài cánh đồng làng, cách đình Canh Hoạch khoảng 100m về phía tây đường quốc lộ QL21B. Vị trí: RQ5G+93 x. Dân Hòa, h. Thanh Oai. Hiện nay lăng mộ đã được tu bổ đàng hoàng, có cả nhà bia và ao bán nguyệt nho nhỏ cùng cây cối xanh tốt trong một khuôn viên rộng khoảng 200m2.
- Mộ Tổ họ Nguyễn ở Canh Hoạch. Photo ©NCCong 2020
Di tích lân cận
- Chùa Hoàng Trung: RQ2M+QPV, xã Hồng Dương.
- Đền Áng Phao: thôn Áng Phao, xã Cao Dương.
- Đền Hoàng Trung: thôn Hoàng Trung, xã Hồng Dương.
- Đình Áng Phao: thôn Áng Phao, xã Cao Dương.
- Đình Tảo Dương: thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương.
- Đình Thị Nguyên: RQ86+926, đê Tả Đáy, xã Cao Dương.
©NCCông 2017-2019, Canh Hoach community hall