360 Dong Dau village
Thôn Đồng Dầu
thôn làngh.Đông Anhsông ĐuốngThôn Đồng Dầu thuộc xã Dục Tú, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Vị trí đình: 4V3W+Q9, Đông Anh, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 14 km (hướng 2 h). Trạm bus lân cận: Nhà máy đúc Mai Lâm trên quốc lộ QL3 (cách đình làng 1,4 km). Cổng làng ở cạnh trạm xăng Mai Lâm.
Giới thiệu
Đông Anh vốn là một phần của huyện Kim Hoa (gồm thị xã Phúc Yên của Vĩnh Phúc và các huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn của Hà Nội bây giờ) và huyện Đông Ngàn, thuộc trấn Kinh Bắc dưới đời vua Gia Long. Từ 1831 đến 1901, huyện Kim Hoa (1841 đổi thành Kim Anh) thuộc phủ Bắc Hà, tỉnh Bắc Ninh [1].
Trong giai đoạn thực dân Pháp mới sang (1876-1903), huyện Kim Anh sáp nhập với huyện Đông Ngàn thành huyện Đông Khê, thuộc phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, rồi phần lớn đất được cắt về tỉnh Phù Lỗ thành lập ngày 6-10-1901. Ngày 10-4-1903, huyện Đông Khê lại được chia tách thành 2 huyện là Kim Anh và Đông Khê đổi tên thành huyện Đông Anh.
Năm 1904, tỉnh Phù Lỗ đổi tên thành tỉnh Phúc Yên thì huyện Đông Anh thuộc Phúc Yên, tiếp theo huyện còn trải qua các giai đoạn: từ 1913 đến 1923: thuộc tỉnh Vĩnh Yên, 1923-1950 lại trở về tỉnh Phúc Yên, 1950-1961 sáp nhập vào tỉnh Vĩnh Phúc. Sau đó, ngày 31-5-1961 đã thành lập huyện Đông Anh mới, gồm có 23 xã và sáp nhập vào thành phố Hà Nội.
- Ao đình Đồng Dầu. Photo NCCong ©2017
Ngược dòng lịch sử Việt Nam, Đông Anh đã từng là một trung tâm kinh tế và văn hóa rực rỡ tỏa sáng từ trước công nguyên tại vùng phía bắc sông Hồng với thành Cổ Loa của vương quốc Âu Lạc. Chính nơi đây đã phát sinh những truyền thuyết nổi tiếng như nỏ thần Kim Quy cùng bi kịch của tướng Cao Lỗ tài ba, vua An Dương Vương kiêu hùng và nàng công chúa Mỵ Châu ngây thơ...
Ngoài các di chỉ khảo cổ học, cũng tại vùng đất cổ này đến nay vẫn còn lưu giữ được nhiều dấu tích và huyền thoại về những nhân vật đáng chú ý khác mà tiêu biểu là các vị thành hoàng xưa kia và lớp danh sĩ xuất hiện muộn hơn. Có thể kể một số tên tuổi văn học khá quen thuộc như: Nguyễn Thực (1554-1637), Nguyễn Án (1770-1815), Nguyễn Tư Giản (1823–1890), Ngô Tất Tố (1893-1954), Nguyễn Triệu Luật (1903-1946), Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960), v.v..
Dục Tú là một xã cổ nằm trên địa bàn huyện Đông Anh, được sáp nhập vào thành phố Hà Nội ngày 31 tháng 5 năm 1961. Diện tích tự nhiên của cả xã hiện nay là hơn 848 ha, trong đó đất đai nông nghiệp chiếm đa số. Theo thống kê, năm 2004 đã có 15.976 người dân sinh sống tại đây.
- Đồng làng Đồng Dầu. Photo NCCong ©2017
Con đường quốc lộ QL3 chạy qua cổng làng Đồng Dầu thuộc đất Dục Tú. Địa giới xã này về phía nam giáp xã Đông Hội và xã Xuân Canh, phía tây giáp xã Cổ Loa (đều cùng huyện Đông Anh), phía đông giáp huyện Gia Lâm (Hà Nội) và phía bắc giáp xã Châu Phong (thuộc huyện Từ Sơn, Bắc Ninh). Xã còn có một dòng sông nhỏ nối sông Đuống với sông Cầu và chảy qua đất 5 huyện xưa nên gọi là Ngũ Huyện Khê.
Các đơn vị hành chính trực thuộc xã gồm có: Ngọc Lôi, Đình Tràng, Thạc Quả, Dục Tú 1, Dục Tú 2, Dục Tú 3, Phúc Hậu 1, Phúc Hậu 2, Lý Nhân, Đồng Dầu, Nghĩa Vũ. Hầu hết đó là những thôn làng xinh đẹp và trù phú từ lâu đời. Chúng tôi lần lượt đăng lên các bài mô tả lại những di tích lịch sử và sự thay đổi gần đây của cảnh quan trong vùng.
Trên bản đồ, Đồng Dầu là thôn cực nam của xã Dục Tú. Cổng làng nằm ở ngay phía bắc quốc lộ QL3, gần các trạm dừng xe bus số 15, 17, 43, 59, 65; phía nam đường là địa phận thôn Du Nội, xã Mai Lâm. Từ cổng này đến đình làng du khách có thể thả bộ đi trên đoạn đường nhựa dài khoảng 1,4km hai bên có rặng nhãn lưu niên và cánh đồng nên thơ với đàn bò gặm cỏ.
- Nhà trẻ thôn Đồng Dầu. Photo NCCong ©2017
Thôn Đồng Dầu có thế đất giống hình con trâu, dân làng trước đây ở bãi Đồng Cụt. Truyền thuyết kể rằng ở bãi có một con chó đang chửa bỗng bỏ đi, người mất chó lần theo vết tìm đến chỗ Đồng Dầu bây giờ, thấy chó đẻ ở đấy bèn cho là điềm lành. Mặt khác, thấy đất mới thuận tiện hơn cho canh tác và sinh hoạt nên dân làng bàn nhau dời Đồng Cụt sang hẳn bên này.
Ngôi đình làng được xây lại hoàn toàn, nhưng dáng vẻ xưa không còn mấy. May sao hồ nước trước đình vẫn đủ rộng, sâu và thu hút được nhiều tay câu cá. Chùa Linh Đường cũng vừa được tôn tạo trong một khuôn viên lớn ở rìa làng và mở đến 2 cổng nhìn về hướng đông, trong khi vườn tháp mộ và hậu đường đều quay lưng ra phía bắc.
Thôn Đồng Dầu khá nhỏ, ba mặt giáp các cánh đồng màu mỡ, dân không quá đông nhưng đất thổ cư thì đang bị đô thị hóa mạnh mẽ với những hệ lụy khó lường, ảnh hưởng đến môi trường và văn hóa truyền thống. Ngoài đồng, các loại rau màu và ruộng lúa được trồng xen canh gối vụ hợp lý, trong làng vẫn còn một số vườn cây ăn quả xum xuê.
- Chùa Linh Đường. Photo NCCong ©2017
Phần lớn mọi công việc sản xuất đã được cơ giới hóa và điện khí hóa, mặc dù vậy vẫn còn khá nhiều hộ chăn nuôi bò. Hiện nay có thêm nghề xẻ gỗ đang phát triển ở Đồng Dầu. Cuộc sống của người dân nơi đây bắt đầu thay đổi rất nhanh kể từ cuối thế kỷ XX. Trong làng nay đã có trường tiểu học, nhà trẻ và cả bể bơi khang trang.
Di tích lân cận
- Chùa Cổ Loa (Bảo Sơn Tự): thôn Cổ Loa, xã Cổ Loa.
- Chùa Tiên Cảnh: thôn Dục Tú, xã Dục Tú.
- Đền An Dương Vương: thôn Cổ Loa, xã Cổ Loa.
- Đình Dục Tú: thôn Dục Tú, xã Dục Tú.
- Đình Lý Nhân: thôn Lý Nhân, xã Dục Tú.
- Đình Xuân Dục: thôn Xuân Dục, xã Yên Thường.
360 thôn Dong Dau ©NCCong 2017
[1] Trấn Kinh Bắc xưa có 4 phủ: Bắc Hà, Từ Sơn, Lạng Giang, Thuận An. Phủ Bắc Hà gồm 4 huyện: Kim Hoa, Tân Phúc, Hiệp Hoà và Việt Yên (nay thuộc tỉnh Bắc Giang).