362 Yen Noi village
Thôn Yên Nội
thôn làngq.Bắc Từ Liêmsông HồngYên Nội 安 内 tên Nôm là Trại Noi, nằm ở phía nam khúc đê Liên Mạc gần cửa sông Nhuệ. Xếp hạng đình, đền, chùa: Di tích quốc gia (1992). Vị trí: 3QP2+CP, Liên Mạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 17 km (hướng 10 h). Trạm bus lân cận: đoạn giữa khúc đê Liên Mạc.
Cổng làng Yên Nội mở ra đoạn giữa của khúc đê Liên Mạc dọc bờ nam sông Hồng. Du khách có thể đến đây bằng xe bus đi chừng 7km từ BĐX Nam Thăng Long. Nếu đi theo quốc lộ QL32 thì đường từ ngã tư Nhổn rẽ sang các đường Tây Tựu, Trung Tựu và Yên Nội dài khoảng 4km.
Lược sử
Trước năm 1945, thôn Yên Nội thuộc tổng Hạ Trì, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông; về sau thuộc xã Tân Tiến, huyện Đan Phượng, tỉnh Sơn Tây. Tháng 4-1961, xã Tân Tiến đã được nhập vào huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Năm 1964, Tân Tiến đổi tên là xã Liên Mạc. Tháng 12-2013, khi thành lập quận Bắc Từ Liêm; xã Liên Mạc trở thành phường Liên Mạc với diện tích 598 ha và dân số 12.966 nhân khẩu.
Phường Liên Mạc nằm dọc theo bờ đê sông Hồng, giới hạn bởi tỉnh lộ TL69 và sông Nhuệ. Hiện nay, phần đất thổ cư trong thôn Yên Nội đã đô thị hóa gần hết. Đất canh tác ngoài đồng và bãi sông vẫn còn khá nhiều, chủ yếu để trồng rau và hoa.
- Đền Yên Nội. Photo NCCong ©2017
Trong thôn có một cụm đình, chùa và một ngôi đền thờ Bà Chúa Túc Trinh, sự tích ghi ở dưới đây. Ngày 22-4-1992 cả ba đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia.
Đình Yên Nội
Đình được xây vào khoảng thời Lê Trung hưng, thờ Bạch Hạc Tam giang, một vị thủy thần và tướng của Hùng Vương thứ 6, có sự tích trong các sách Việt điện u linh và Lĩnh Nam chích quái. Trong đình hiện còn lưu được nhiều sắc phong, đạo đầu tiên ghi năm Hoàng Định 10 (1610) dưới đời vua Lê Kính Tông và đạo cuối cùng ghi năm Khải Định 9 (1924). Lệ thờ cúng thần Bạch Hạc ở đây xưa kia kéo dài từ mồng 5 đến 16 tháng Hai âm lịch, có tục giã bánh dày và làm bánh cuốn rất cầu kỳ.
Đình đã trải qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1797, 1915, 1934, 1989. Dáng vẻ ngôi đình ngày nay mang phong cách nghệ thuật kiến trúc cuối thời Nguyễn. Tam quan ngoại gồm 4 trụ biểu to mở ra đường làng ở hướng đông, bên kia đường là một ao bán nguyệt.
- Giếng đình Yên Nội. Ảnh NCCong ©2017
Sau cổng là một sân gạch rất rộng, tam quan nội chỉ gồm đơn giản 2 trụ biểu nhỏ. Mặt bằng xây dựng theo hình “chữ Công”; hai bên sân trong là 2 nhà giải vũ nhỏ; đại đình gồm 5 gian, kết nối với hậu cung thành hình chuôi vồ.
Nhiều mảng gỗ chạm trổ trong đình có giá trị cao với các đề tài tứ linh và hoa văn cây cỏ. Các đồ thờ tự gồm có thần phả, sắc phong, hoành phi, câu đối, hương án, bia đá, bộ kiệu và bát bửu. Truyền rằng ngoài bia đá còn có một quả chuông do công chúa Túc Trinh xuất tiền thuê đúc kèm bản di chúc của bà. Chuông từng bị mất cắp, về sau dân làng đã quyên góp và đúc lại cùng bản di chúc.
Chùa Yên Nội
Chùa tương truyền do bà Túc Trinh con gái thứ 4 của vua Trần Thánh Tông sau khi chiêu dân đến đây khai hoang lập ấp đã cho dựng và đặt tên là Sùng Quang Tự.
- Đình Yên Nội. Photo NCCông ©2017
Lúc đầu, bà lập ra xóm Vườn Trên và Trại Noi trên cánh đồng xã Cổ Nhuế. Khi dân các nơi đến ở đông đúc thì xóm Vườn Trên chuyển thành làng Cổ Nhuế Viên còn Trại Noi chuyển thành làng Cổ Nội (sau đổi thành Yên Nội), kết chạ với nhau. Bà Túc Trinh làm nhà ở khu Vườn Dinh của Cổ Nhuế Viên và sống giản dị đến cuối đời với dân làng. Chùa đổi tên là Thánh Quang Tự sau ngày bà mất và được rước tượng bà đưa vào thờ. Hàng năm dân làng vẫn cúng bà bằng cơm gạo xay với muối vừng vào ngày mùng 1 và 2 tháng 8 âm lịch.
Chùa từng được đại trùng tu năm 1420 và dựng thêm gác chuông vào đầu thế kỷ XX. Khuôn viên chùa rất rộng và ở cách đình làng chỉ một hồ nước. Từ đường làng có thể thấy đỉnh các tháp mộ Tổ. Tam quan cũ hiện nay không còn, gần đây có xây một tam quan đồ sộ xoay hướng bắc, dẫn vào sân sau. Tiền đường kiểu tường hồi bít đốc, rộng 5 gian 2 dĩ, kết nối với thượng điện theo hình chuôi vồ. Sân trước nhìn ra cánh đồng ở hướng đông.
- Cổng chùa Yên Nội. Photo ©NCCong 2017
Gác chuông xây kiểu chồng diêm, chuông đúc vào tháng Hai năm Ất Hợi đời Tự Đức (1875) có khắc nguyên văn bản Di chúc của bà Túc Trinh. Hậu đường nằm sau thượng điện, là nơi thờ Tổ và thờ Mẫu.
Di tích lân cận
- Chùa Đại Cát: phố Sùng Khang, phường Liên Mạc.
- Chùa Hoàng Liên: đường Liên Mạc, phường Liên Mạc.
- Chùa Hoàng Xá: đường Liên Mạc, phường Liên Mạc.
- Chùa Kỳ Vũ: phố Châu Đài, phường Thượng Cát.
- Đền Hoàng: đường Liên Mạc, phường Liên Mạc.
- Đình Đại Cát: phố Sùng Khang, phường Liên Mạc.
- Đình Thượng Cát: phố Châu Đài, phường Thượng Cát.
362 thon Yen Noi ©NCCông 2017-2019