364 Thuong Dong community hall
Đình Thượng Đồng
Long BiênTiền Lýsông ĐuốngĐình Thượng Đồng có từ thời Lê. Thờ thành hoàng: 3 anh em Trịnh Chính - tướng của Lý Nam Đế. Lễ hội: từ 10 đến 12 tháng Hai. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1993). Vị trí: 2WWH+4M, Phúc Lợi, Long Biên, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 12km (hướng 2h). Trạm bus lân cận: Chợ Phúc Lợi.
̣(“Đình” bị GoogleMaps ghi sai là "Chùa")
Lược sử
Đình làng Thượng Đồng hiện nay ở ngay gần đoạn giữa của con "Đường đê Vàng" chạy dọc bờ nam sông Đuống, hai bên là ngôi chùa làng (tên chữ Hiển Ứng Tự) và trụ sở UBND phường Phúc Lợi. Phường này được thành lập năm 2003 trên cơ sở toàn bộ gần 620 ha diện tích tự nhiên và số dân 7.820 người của xã Hội Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
Bản đồ phường Phúc Lợi gồm 5 mặt như hình ngũ giác. Địa giới hành chính về phía đông giáp sông Đuống; phía bắc giáp phường Giang Biên; phía tây-bắc giáp phường Việt Hưng; phía tây-nam giáp các phường Sài Đồng và Thạch Bàn (đều cùng quận Long Biên); phía đông-nam giáp đường quốc lộ QL1A và xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm).
- Đình Thượng Đồng. Photo ©NCCong 2017
Đình Thượng Đồng có từ thời Lê. Theo truyền thuyết địa phương và bản thần tích do đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), chép lại năm Bảo Đại thứ 14 (1938), bên trong đình thờ thành hoàng gồm Trịnh Chính cùng 2 người em là ba vị tướng đã có công đánh thắng đội quân nhà Lương chiếm đóng Giao Châu và giúp vua Lý Nam Đế (trị vì từ 542 đến 548) lập nên nhà nước độc lập Vạn Xuân ở vùng đồng bằng sông Hồng.
Theo các bô lão làng Thượng Đồng, ngôi đình cũ nằm ở cạnh vị trí con đường bây giở là phố Vũ Xuân Thiều và trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (1947-1954) đã bị phá hủy một phần. Đến năm 1960 toàn bộ diện tích lại bị lấy hết để mở trường học, các đồ quí và mấy tấm bia đá đều chuyển sang để tại ngôi chùa làng (tên chữ Hiển Ứng Tự) và thành hoàng cũng được thờ ở chùa.
Sau khi thống nhất đất nước khá lâu, đến năm 1998 đình mới được khôi phục bằng vốn của dân làng Thượng Đồng. Ngôi đình mà hiện nay du khách đang tham quan thực ra được xây lại hoàn toàn mới vào năm 2014 với sự đóng góp chủ yếu của các doanh nghiệp tư nhân thuộc diện có sử dụng đất đai trên cánh đồng cũ của làng.
- Bia đình Thượng Đồng. Photo ©NCCong 2017
Ngày 18-1-1993 cụm di tích đình và chùa làng Thượng Đồng đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc
Ngôi đình Thượng Đồng được xây mới hoàn toàn, tuy nhiên dáng vẻ vẫn giữ được phong cách nghệ thuật kiến trúc cuối thời Nguyễn. Từ xa trên đê, du khách đã có thể nhận ra 4 trụ biểu to cao. Sau cổng đình, bên trái là nhà bia với 3 tấm bia đá mang niên đại Khánh Đức 3 (1652), Chính Hòa 14 (1693), Chính Hòa 17 (1696). Đình có tường xây bao quanh ngăn với chùa và trụ sở UBND phường. Giữa sân là một bức bình phong có cuốn thư bằng đá xanh.
Sau bức bình phong là một sân gạch rộng kiêm luôn chức năng sân chơi bóng chuyền. Tiền tế gồm 3 gian hai chái, kết nối với hậu cung theo hình chuôi vồ. Hai bên hậu cung có hai nếp nhà nhỏ 3 gian quay mặt ra sân. Tất cả các gian đều dùng cửa gỗ bức bàn với chấn song con tiện.
- Đại đình Thượng Đồng. Photo ©NCCong 2017
Di sản
Hiện tại trong đình còn giữ được nhiều vật quý. Đáng kể có bản sao thần tích soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), 9 đạo sắc phong, trong đó sắc sớm nhất mang niên đại Cảnh Hưng thứ 28 (1767), 2 sắc đời Quang Trung thứ 4 (1791) và đời Cảnh Thịnh thứ 2 (1794).; 2 ngai thờ, 3 bài vị, một tượng thành hoàng bằng gỗ sơn và 10 pho tượng tả hữu bộ hạ, 2 cửa võng, 2 y môn, bát bửu, hương án, kiệu rồng, đôi ngựa gỗ và bức hoành phi.
Hàng năm dân làng tổ chức lễ hội truyền thống vào 3 ngày 10-12 tháng Hai âm lịch.
Di tích lân cận
- Chùa Mai Phúc: 2VRX+2F, số 231 đường Nguyễn Văn Linh (QL5), phường Phúc Đồng.
- Đình Hội Xá: 3W3C+X3, Đường đê Vàng, phường Phúc Lợi.
- Đình Kim Quan: 3W52+69, tổ 4– 5, cụm Kim Quan, phường Việt Hưng.
- Đình Lệ Mật: 3W32+72, phố Việt Hưng, phường Việt Hưng.
- Đình Mai Phúc: 2WR2+C7, số 85 phố Mai Phúc, phường Phúc Đồng.
- Đình Sài Đồng: 2WR5+2Q, số 253 Nguyễn Văn Linh, phường Phúc Đồng.
364 - Dinh Thuong Dong ©NCCông 2016-2019