365 Ho Quoc pagoda

Chùa Thanh Lương (Hộ Quốc Tự)

q.Hai Bà TrưngLê trung hưngsông Hồng

Chùa làng Thanh Lương có từ thời Lê. Tên chữ: Hộ Quốc Tự, An Khánh Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1990). Vị trí: ngõ 132 Nguyễn Khoái, 2V58+499, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 3,7 km (hướng 4 h). Trạm bus lân cận: 222 phố Nguyễn Khoái (xe 19, 24, 40a, 40b, 45, 51, 55a, 55b).

Lược sử

Tên chữ của chùa là Hộ Quốc Tự. Dân gian ngày nay thường gọi là chùa Thanh Lương theo địa danh của phường sở tại. Còn theo bài minh trên chuông chùa này thì chính hoàng tử Linh Lang dưới đời vua Lý Thánh Tông (trị vì 1054-1072) đã thành lập chùa với tên chữ ban đầu là An Khánh Tự.

Đến thế kỷ XVI, nhà Mạc cướp ngôi, vua Lê phải lánh ra ở An Khánh Tự rồi trốn thoát, quân Mạc tức giận đốt phá chùa. Khi quân Lê trung hưng chiếm được Thăng Long, để tưởng nhớ ơn trước, vua bèn cho xây lại chùa tráng lệ hơn, ban tên là Hộ Quốc Tự và cấp cho nhà chùa nhiều đất bãi sông để bán hoa lợi lấy tiền đèn nhang cúng Phật.

Cổng chùa Hộ Quốc. Ảnh NCCong ©2023

Trải qua nhiều thế kỷ, trong chùa Thanh Lương hiện nay vẫn còn giữ được nhiều đồ tế khí là cổ vật có giá trị và các pho tượng Phật mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê. Ngày 9-1-1990, ngôi chùa này đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Chùa tọa lạc ngay bên trong con đê sông Hồng, trên một khu đất khá cao so với xung quanh với diện tích còn lại chỉ khoảng hơn 1000m2. Cho đến nay chùa đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần, đáng kể nhất là đợt tôn tạo lại toàn bộ vào năm thứ 4 niên hiệu Khải Định (1919). Dáng vẻ của chùa đã ổn định sau lần đại trùng tu gần đây với phong cách nghệ thuật kiến trúc cuối thời Nguyễn.

Tiền đường chùa Hộ Quốc. Ảnh NCCong ©2017

Tam quan chùa Thanh Lương hiện nay trông khá giống cổng mới của chùa Liên Phái (Bạch Mai) và na ná kiểu bắt chước từ chùa Kim Liên (Tây Hồ). Cổng chính bằng gỗ, mở về phía đông nam ra con ngõ 152 Nguyễn Khoái chật hẹp, hai bên có phù điêu bằng đá xanh đắp trên tường. Phía trong tường cũng có nhiều bức phù điêu khá đẹp.

Qua tam quan du khách bước vào một khoảng sân ngắn ở trước tiền đường, bên tả là vườn tháp mộ Tổ. Mặt bằng chùa chính có hình chuôi vồ bao gồm tiền đường 5 gian, thiêu hương và thượng điện 3 gian. Chùa trong gồm hai nếp nhà hai bên thượng điện, qua sân sau thì đến hậu đường 7 gian là nơi thờ Tổ. Mỗi dãy nhà đều có hàng hiên với các cột đá xanh. Chùa còn có một cổng phụ mở ra chân đê, ô tô ra vào được.

Sân sau chùa Hộ Quốc. Photo NCCong ©2017

Di tích lân cận

©NCCong 2018, Thanh Luong pagoda