368 Doi Can street

Phố Đội Cấn

Phố Đội Cấn dài 3km, từ ngã tư Lê Hồng Phong - Ngọc Hà đến ngã ba đường Bưởi đi qua các phố: Giang Văn Minh, Vạn Bảo, Liễu Giai, Văn Cao, Đốc Ngữ, Linh Lang. Nay thuộc: các phường Đội Cấn, Liễu Giai, Vĩnh Phúc, Cống Vị, Q. Ba Đình, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 2,6m (hướng 9h). Trạm bus lân cận: 18A Lê Hồng Phong (xe 09, 18), Ngã 4 Liễu Giai - Đội Cấn (09, 90), 290 đường Bưởi (25, 55a, 55b)

Lược sử

Về vẻ đẹp thanh lịch trên đất Thăng Long - Đông Đô, không biết từ bao giờ các cụ đã có câu “Đông Hòe, Tây Liễu”. Đó không hẳn chỉ là mỗi sự xếp hạng của người xưa mà còn nhấn mạnh đặc điểm của hai con phố nổi tiếng trong lịch sử ở khu vực bên ngoài hoàng cung.

“Tây Liễu” ý nói phố Liễu Giai chạy qua các dinh thự quý tộc ngoài cổng thành phía tây với những rặng liễu thướt tha dập dìu tài tử giai nhân. “Đông Hòe” là phố Hòe Nhai, nơi có lệ mỗi đoàn sứ thần khi được vua tiễn ra khỏi cổng thành phía đông thì trồng một cây hòe để làm kỷ niệm. Con phố này từng rực rỡ sắc điệp vàng nở vào đầu mùa hè và có lẽ vì thế mà đường đi sứ gian nan lại được gọi là “đường hoa”.

Đền Liễu Giai. Photo NCCong ©2014

Trải bao thăng trầm binh lửa, từ lâu phố Hòe Nhai tuy còn tên nhưng chẳng có hoè, phố Liễu Giai thì đã đổi thành phố Đội Cấn và không thấy dáng liễu ở đâu. Đến đầu thế kỷ XXI, may sao UBND TP Hà Nội nhớ ra chuyện cũ và một đoạn đường mới mở đã được mang tên Liễu Giai trở lại, đó là đoạn nối từ đầu phố Nguyễn Chí Thanh đến cuối phố Văn Cao ở đúng nơi bị cắt ngang bởi phố Đội Cấn.

- * Đình Liễu Giai. Panorama ©NCCong 2016

17 năm đạp xe đi làm qua phố Đội Cấn, tôi nhớ đoạn từ làng Ngọc Hà đến hai làng Đại Yên và Liễu Giai vào hai thập niên 1970, 1980 vẫn thấp thoáng nhà gạch xen lẫn nhà gianh và những ruộng rau, vườn thuốc, luống hoa, ao bèo, v.v.. Đoạn cuối phố thì ít dân hơn, ngoài làng Cống Vị chỉ thấy có người vào ra khu bệnh viện, nhà xe, doanh trại của quân đội và sân vận động Quần Ngựa rộng lớn chẳng còn bóng ngựa đua. 

Mộ Ngọc Hoa công chúa. Photo NCCong ©2023

Hai bên đường phố dài này đã từng là ruộng vườn của Thập Tam Trại được lập ra bởi vị thái giám họ Hoàng với dân di cư từ quê hương ngài. Vì tìm ra xác con gái Lý Thánh Tông chết đuối khi đi chơi trên sông Thiên Đức, ngài được vua cho phép lập 13 trại khai hoang. Sau khi chết lại được tôn là Thành hoàng tại 17 làng. Cho đến nay vào dịp giỗ ngài hàng năm, dân các nơi đó lại cử đoàn mang lễ về đình Lệ Mật và tham dự chính hội vào ngày 23 tháng 3 Âm lịch.

Đội Cấn tên thật Trịnh Văn Cấn, còn gọi Trịnh Văn Đạt, người xã Vũ Di, tỉnh Vĩnh Phú. Khi chỉ huy một đội lính khố đỏ đóng tại thị xã Thái Nguyên, ông được chí sĩ Lương Ngọc Quyến giác ngộ, đứng lên khởi nghĩa, diệt giám binh Pháp và cướp đồn vào đêm 30-8-1917. Pháp đem quân lên, đêm 5-9-1917 Đội Cấn phải phá vây. Để khỏi rơi vào tay giặc, ông đã tự sát trên đất Vĩnh Phú ngày 11-1-1918, hy sinh rất sớm, trước cả Nguyễn Thái Học và các lãnh tụ khác sau khởi nghĩa Yên Bái 10-2-1930 của Việt Nam Quốc dân đảng.

Tam quan chùa Bát Tháp. Photo ©NCCong 2015

Tại số nhà 211 phố Đội Cấn có ngôi chùa Bát Tháp được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1989. Chùa xây trên một gò đất tương truyền chính là núi Vạn Bảo và vốn do ba chùa: Vạn Bảo, Chéo Vang, chùa Voi trên núi Voi nhập thành. Dựa vào sách “Thiền uyển tập anh”, một số nhà nghiên cứu cho rằng, chùa Vạn Bảo chính là chùa Chân Giáo - một ngôi chùa lớn của Kinh thành Thăng Long được xây năm Bính Tý 1024 để vua Lý Thái Tổ đến nghe tụng kinh và là nơi vua Lý Huệ Tông tự vẫn năm Bính Tuất 1226.

Tại địa chỉ 157 phố Đội Cấn có viện “Bảo tàng Chiến thắng B52”, ngay bên cạnh nơi ghi dấu nhục nhã của không lực Mỹ trong chiến dịch “Linebacker II” nhằm hủy diệt Hà Nội. Vào lúc 23 giờ 09 phút đêm 27-12-1972, một máy bay ném bom chiến lược B52 đã bị bắn cháy và lao cắm xuống bùn đen của hồ Hữu Tiệp. Bản thân hồ này lại là di tích của một khúc sông cũ nghe nói ăn thông với hoàng thành nhưng từ lâu đã bị lấp gần hết.

Cổng đình Liễu Giai. Photo NCCong ©2014

Trong ngõ 345 Đội Cấn có ngôi đình Liễu Giai, nơi thờ thành hoàng Hoàng Phúc Trung, người lập ra "Thập tam trại". Liền kề là đền thờ Thuỷ Tinh phu nhân (thời Trần) và Thánh Mẫu. Cả hai cùng được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1990. Tọa độ: 21°02’13"N 105°49’02"E; cách Hồ Gươm hơn 5km về hướng tây. Điểm dừng xe bus gần nhất: cạnh ngã ba Liễu Giai - Đội Cấn (bus 09, đầu phố Liễu Giai) hoặc ngã ba Đội Cấn - Vạn Bảo (bus 09, đối diện khách sạn La Thành).

Di tích lân cận

©NCCong 2014-2017, Doi Can street