370 Mieu Nha village hall and temple
Đình, miếu Miêu Nha
Lý Bíq.Nam Từ Liêmsông NhuệĐình, miếu làng Miêu Nha có từ lâu đời. Miếu thờ thành hoàng Lý Nam Đế. Đình thờ thêm 4 vị thiên thần nữa. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1989). Vị trí đình: ngõ 124 Do Nha, 2P8P+JR, Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 15 km (hướng 9 h). Trạm bus lân cận: Công ty Viglacera Tây Mỗ.
Địa lý
Thôn Miêu Nha tên Nôm là làng Ngà, nằm ven đường tỉnh lộ TL70A, đoạn giữa Ngã tư Canh và đại lộ Thăng Long. Đây vốn là một vùng đất cao ven sông Nhuệ, từ trước thế kỷ thứ VI đã trở thành ấp trại của những người họ Trần từ Thanh Hóa ra lập cư dưới thời Bắc thuộc. Sau đó có thêm họ Lưu ở Thanh Hóa, họ Đỗ ở Tiên Lữ (Hưng Yên) và các họ khác chuyển đến.
Ban đầu, làng Ngà vốn tên là Do Nha, đến đầu triều vua Gia Long (1812—1819) mới đổi thành Miêu Nha. Khi đó làng có đến 618 mẫu ruộng, trong khi số dân chỉ chừng trên 1000 người. Nằm trong vùng trồng dâu Canh—Mỗ ven sông Nhuệ, làng Miêu Nha có nghề dệt với sản phẩm là lụa Ngà nổi tiếng. Trước đây đã từng có chợ để trao đổi hàng hóa, nhưng chợ này đã mất từ đầu thế kỷ XX do bị hàng nhập khẩu cạnh tranh.
- Ao đình Miêu Nha. Ảnh ©NCCong 2017
Làng Ngà từ 1945 trở về trước luôn là một xã thuộc tổng Phương Canh, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức. Trong kháng chiến chống Pháp, làng nhập với các làng Canh thành xã Thọ Nam, thuộc huyện Liên Bắc. Sau này Thọ Nam lại đổi là xã Vân Canh, gồm các làng Kim Hoàng, Hậu Ái, An Trai, thuộc huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Từ năm 1961 làng được chuyển về Hà Nội, thuộc xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm; từ cuối năm 2013 xã Tây Mỗ đổi thành phường Tây Mỗ, thuộc quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.
Lược sử
Đình làng tương truyền được xây từ thế kỷ VI, bên trong thờ Lý Nam Đế (tức vua Lý Bí, 503–548) và 4 vị thần: Thủy Hải Long Vương, Nhật Long Vương, Nguyệt Long Vương, Thiên Chúa Bình Vương. Theo lưu truyền trong vùng thì khi trận tuyến chống quân nhà Lương ở cửa sông Tô Lịch bị vỡ, Lý Nam Đế phải lui về làng Do Nha. Ba năm sau vua mất, dân làng tôn làm thành hoàng và tuân theo tục lệ kiêng tên húy của Ngài, như gọi “quả bí” là “quả bầu” và “lược bí” thành “lược mau”.
- Sân đình Miêu Nha. Photo ©NCCong 2017
Ngôi đình này đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo; đến nay bên trong vẫn còn một số mảng chạm khắc mang dấu án phong cách nghệ thuật của thế kỷ XVII—XVIII. Đình quay về phía tây bắc nhìn ra một ao sen hình vuông. Mặt bằng xây dựng hình “chữ Công”, sau cổng tam quan là hai nhà giải vũ và tòa tiền tế 3 gian 2 chái rồi đại đình 5 gian 2 chái.
Cách đình Miêu Nha gần 200m về hướng 5h là ngôi miếu cũng thờ Lý Bí, mặt nhìn về phía đông bắc, giáp ao sen nhỏ hình bán nguyệt. Miếu được xây hồi đầu thế kỷ XX, nay bị mất cả sân trước và sân sau, chỉ còn lại 2 toà tiền tế cùng trung đường đều 3 gian và nối với hậu cung thành hình "chữ Đinh".
- Trong đình Miêu Nha. Ảnh NCCong ©2024
Hội làng Miêu Nha hàng năm diễn ra vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch. Ngày 21-01-1989, đình và miếu Miêu Nha được xếp hạng Di tích lịch sử - kiến trúc, nghệ thuật quốc gia.
Di tích lân cận
- Chùa Hương Đỗ: thôn Hòe Thị, phường Phương Canh.
- Chùa Kim Hoàng: thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh.
- Chùa Miêu Nha: thôn Miêu Nha, phường Tây Mỗ.
- Đình An Trai: đường An Trai, xã Vân Canh.
- Đình Hòe Thị: thôn Hòe Thị, phường Phương Canh.
- Đình Ngọc Mạch: thôn Ngọc Mạch, phường Xuân Phương.
370 dinh, mieu Mieu Nha ©NCCông 2017-2024