376 AQUARIUM

CÁ CẢNH MỘT THỜI

Hà Nội những năm 1970 hẳn rất hiếm thằng bé trai nào không có một con cá chọi.

Đó là suy đoán của tôi, một thằng bé con nhà giáo viên chẳng khá giả gì mà cũng có cá chơi thì có đứa nào không có. Anh tôi chơi cá có hạng ở khu phố. Anh đem cá đi chọi và thắng suốt. Kẻ thắng trận nhận được con thua. Con thua được anh cho vào chỗ tối để nó hồi phục dần. Giống cá chọi khi đang phong độ có màu sắc đậm đà tím than rõ là tím than, xanh lam ra xanh lam. Khi bắt đầu thất thế khi chọi nó nhạt màu dần. Khi thua trận trông màu sắc chúng bợt bạt thật thảm hại. Những con xanh lam thường có vây dài hơn bọn tím than nhưng chiến đấu kém. Mỗi khi có trận đấu, bọn trẻ bu lại xung quay sàn đấu làm thành một vòng tròn những mông. Nào là “bụp! Trúng rồi! Bổ đi! … thật sôi động. Hai chiến binh cá vè để doạ nhau rồi tìm cơ hội bổ vào mình nhau những đòn đích đáng bằng miệng. Có khi cả hai ngậm miệng nhau và cố dìm nhau xuống đáy nước. Kẻ nào hụt hơi sẽ bỏ chạy. Có lần cả bọn đang say sưa quanh trận dấu thì bỗng có một tiếng “đét” kèm theo tiếng quát: “Này thì bụp này! Về thổi cơm!”. Đó là nhát roi của mẹ một thằng quất vào mông nó.


Sau ít hôm trong bóng tối, kẻ thua trận đã lấy lại màu và anh bắt đầu cho nó vè gương. Con cá chọi đầu tiên của tôi do anh cho vốn là một kẻ thua trận như thế. Đó là một chàng xanh lam vây quả đào. Tôi chẳng nhớ nếu không phải vây quả đào thì là vây gì nhưng đó là từ để chỉ vây đuôi của cá chọi. Rồi anh lại cho thêm con nữa. Thế là tôi đã có một cặp để cho chúng vè nhau. Khi thấy chúng khoẻ thì cho chúng chọi nhau. Tôi chưa từng đem cá của mình đi chọi bao giờ vì chiến binh của tôi chưa bao giờ vượt qua “vòng gửi xe” là những chiến binh của anh. Chơi cá chọi có một công đoạn thú vị không kém cho chọi là nuôi cá đẻ. Muốn nuôi cá chọi đẻ phải có bể kính dù bể nhỏ và tất nhiên phải có cả cặp cá cái và đực. Anh đi kiếm một cái lá nho và thả trên mặt nước sao cho mặt ráp quay xuống dưới. Con đực sẽ thả những bong bóng bám vào những mặt ráp của lá nho. Khi cá cái đến lúc phải đẻ, cá đực thúc vào hậu môn cá cái để rơi ra quả trứng bé xíu. Con đực ngậm quả vừa đẻ rồi nhả vào đám bong bóng bám dưới mặt lá nho. Mỗi quả một bong bóng. Tuy nhiên tôi cũng chưa chứng kiến trứng cả chọi nở thành con bao giờ. Có lẽ anh tôi chưa đạt đến trình đó. Nếu thời đó có các phương tiện quay phim như bây giờ thì rất có thể một cậu bé Hà Nội sẽ bán được phim cho kênh National Geographic.

Cá chọi tuyệt vời rồi nhưng những sắc màu sặc sỡ của những con cá vàng, cá kiếm, mún, hac mô ni, vạn long, thái hà (hình như sau này gọi là cá bảy màu) … cũng làm cho bọn trẻ mê mẩn không kém. Nói như ngôn ngữ bây giờ, anh em tôi “hoành tráng” hơn bọn cùng phố nhờ có bể nước mưa không sử dụng. Bể xi măng hình chữ nhật kích thước chừng 2,5 m x 1,5 m, sâu khoảng hơn 1m có từ thời xa xưa. Bể khá to nên rong do anh đi mua chỉ đủ chấm phá vài cọng lơ thơ. Những lần về quê, chúng tôi nhặt ít rong dại ở mương để tăng cường màu xanh cho bể. Hàng ngày ngắm cá bơi tung tăng và theo dõi bọn cá đẻ. Đẻ mắn nhất là bọn thái hà. Cứ vài ngày lại có cá con. Phải theo dõi để vớt cá con cho ở riêng để chúng không thành mồi của bọn cá khác, nhất là cá vàng phàm ăn nhất bọn. Anh còn bày trò làm tàu ngầm. Tìm ống bơm cũ làm thân tàu. Đập phẳng nắp ống bơ rồi cắt chân vịt. Lắp chân vịt vào một đầu dây chun, đầu kia của dây chun cố định vào thân tàu. Cắt mốp ra để làm phao. Thêm thêm bớt bớt sao cho tàu vừa đủ lửng lơ trong nước. Ngắm tàu ngầm bơi cùng lũ cá thật tuyệt.

Thế rồi cứ mải mê cá mú mà chúng tôi bỏ bê việc nhà và bài vở. Một hôm, sau khi mắng hai anh em một hồi, bố cầm búa ra bể và đập tung nút xả đáy bể. Bọn cá của chúng tôi lần lượt trôi theo dòng nước xuống cống. Chúng tôi đứng đó mặt đần thối ra mà trong lòng đau xót không thể tả. Một bài học không thể quên !

Trịnh Minh Cường