390 Tranh luận
Khu phố cổ hay khu kẻ chợ?
tranh luậnNhắc đến việc gìn giữ khu phố cổ Hà Nội, người ta thường chỉ nghĩ đến những ngôi nhà (được gọi là) cổ trong khu vực này.
Một khu chợ lớn
Tới nay, hầu hết những gì từng làm nên phong vị nức tiếng của một "Hà Nội băm sáu phố phường" thời quá vãng, từ những báu vật hữu hình như mái chợ, nếp nhà xưa đến những tài sản vô hình như một phong thái thanh nhã đến mức kiêu kỳ... đã bị sự vô tình của thời gian và sự vô ý thức của con người tàn phá đến mức gần như biến mất. Nhưng riêng nét "kẻ chợ" của không gian này thì kể từ khi in dấu vào những cổ thư, những áng ca dao, thành ngữ, rồi những tranh ảnh cổ... cho đến tận thời đại internet này vẫn ngày càng đâm cành sinh nhánh. Mỗi tuyến phố là một dãy cửa hàng nổi bật tính chuyên doanh.
- Đền Nghĩa Lập. Ảnh NCCong ©2015
"Không khí khu phố cổ HN nó khác lạ lắm, rõ nhất là không khí buôn bán tấp nập chẳng đâu sánh được. Tôi ở Ninh Bình mấy chục năm, có đêm nhớ về HN, không thấy nhớ phố, nhớ nhà mà lại thèm một tiếng rao đêm" - đó là cảm nhận của ông giáo Ngô Quang Ân (số 8 Ngõ Gạch) về nơi mình sinh sống.
Ông Phùng Duy Mận (70 tuổi, 123 Hàng Buồm) quan sát: "Hàng bánh kẹo chỉ có ở Hàng Buồm, gần đây phát triển bán sữa, và cũng chỉ bán bánh kẹo cao cấp. Kẹo gia công hay kẹo địa phương thì chỉ có ở Hàng Giày, trên này không thể nào bán được".
"Mỗi người đều có kỹ năng riêng trong sản xuất - kinh doanh. Ai làm nghề gì, phải thật giỏi nghề đó. Cần có cái tâm trong mỗi sản phẩm mà mình làm ra" - ông Phạm Tịnh (53 tuổi, thợ khắc dấu nổi tiếng ở 2B Tạ Hiện) nói.
Ông Lê Duy Long (46 tuổi, 21 Hàng Giầy) cũng rất tự hào về nghề làm oản của gia đình mình: "Tôi lớn lên đã thấy gia đình làm oản bột. Suốt bao năm, chưa bao giờ tôi thấy mẹ tôi ế hàng. Cũng chẳng bao giờ cần quảng cáo. Khách hàng tín nhiệm mẹ tôi vì hàng của bà luôn đảm bảo chất lượng, ngay cả thời bao cấp khó khăn là thế mà bà cũng không làm hàng giả".
Dạo bước theo mạng lưới phố cổ, sẽ thấy nơi đây giống như một bảo tàng sống khổng lồ của muôn hình vạn trạng các hình thức kinh doanh. Từ những nhà thuốc gia truyền vẫn cố giữ dáng vẻ xa xưa ở phố Lãn Ông, đến những cửa hàng lưu niệm trên phố "Tây balô" Tạ Hiện, hay rất nhiều quán bar, nhà hàng luôn tìm mọi chiêu từ "dân tộc" nhất đến hiện đại nhất để hút khách, từ những cơ ngơi kinh doanh bề thế đến những quán cóc vỉa hè, từ những "cửa hàng" chỉ là một tủ kính con con, đến những bác thợ gò Hàng Thiếc bày đồ lề của mình ra vỉa hè mà tán, mà hàn, từ những quán ăn 4-5 giờ sáng đã rục rịch dọn hàng cho đến khu chợ rau quả đầu mối tới 11 giờ đêm mới họp...
Trước đây, mỗi số nhà ở khu vực này chỉ là một hộ gia đình, còn hiện, hầu hết đều là nơi sinh nhai của nhiều hộ, thậm chí là hàng chục hộ. Trước kia, cả Hàng Bạc chỉ có 5 dòng họ sinh sống, còn giờ đây, mỗi phố cổ là nơi tồn tại của người tứ xứ.
Bên cạnh quan hệ gia đình đã ít nhiều lơi lỏng hơn nhưng vẫn được đề cao, mối quan hệ chi phối người ta nhiều nhất không còn là mối quan hệ họ tộc như trước kia, mà giờ đây là mối quan hệ với các hộ chung một số nhà và quan hệ bạn hàng.
"Buôn bán ở đây là tuyệt đối tin tưởng nhau. Vốn một cửa hàng mấy trăm triệu đồng, nhưng bọn tôi không cần vốn cũng bán được, gọi điện là người ta mang đến, ghi sổ, bán xong lấy tiền" (ông Phùng Duy Mận, 123 Hàng Buồm).
Tất cả 8722 số nhà trong "Khu Phố cổ" đều được xây dựng trong khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Và mỗi số nhà đó chỉ do MỘT GIA ĐÌNH sở hữu. Sau 1954, chính quyền mới quốc hữu hóa đất đai, các chủ gia đình trong đó chỉ được chiếm hữu không quá 100m2, diện tích dư sẽ được chia cho gia đình các cán bộ từ chiến khu về. Vì thế, những số nhà có diện tích lớn sẽ đương nhiên biến thành "khu tập thể". Theo cách đó, các không gian kiến trúc tổng thể vốn rất đẹp, rất có giá trị về kiến trúc và lịch sử đã bị băm thành nhiều mảnh. Đến năm 2005-2006, không có bất cứ nhà khoa học nào còn chứng minh được giá trị kiến trúc của Khu Phố cổ HN nữa. Nhưng chính quyền thành phố Hà Nội lại có tham vọng đề cử Khu Phố cổ thành Di sản văn hóa thế giới (lúc đó, người ta vừa phát hiện Hoàng thành Thăng Long, nhưng chỉ mới bắt đầu nghiên cứu, chưa kịp lập hồ sơ — TS Mai Thanh Sơn).
Lắng nghe dân nói
"Giá trị văn hoá khu phố cổ HN không phải là ở nhà cửa đâu. Nhà cửa bây giờ chẳng còn bao nhiêu để cho ra hồn phố cổ. Không giữ được 100% thì phải được 50-60%, đằng này không còn nổi 10%" - chị Trần Nguyệt Nga (phố Hàng Giầy) khẳng định.
TS Mai Thanh Sơn đã rất ngạc nhiên trước cách nhận thức về giá trị khu phố cổ của người dân nơi đây: "Trong rất nhiều giá trị được họ đề cập đến như mạng lưới tuyến phố cổ, lễ hội, tín ngưỡng dân gian, tri thức về ứng xử xã hội, v.v..., không gian văn hoá thương mại của khu phố này được nhắc đến như một giá trị quan trọng đặc biệt".
Trong những hội thảo do Viện Goethe tổ chức trước đây, nhiều chuyên gia người Đức cũng đã lưu ý rằng điều hấp dẫn họ nhất ở khu phố cổ chính là một nhịp sống tấp nập, đầy những sắc màu mà họ không thấy ở đâu khác. Không gian thương mại ở khu phố cổ vừa có tính nổi bật (hoạt động kinh doanh tập trung có lịch sử lâu đời với những bí quyết riêng, dựa vào chữ tín và cơ chế tin đồn, tính đa văn hoá, đa chức năng cao), có tính toàn vẹn (mạng lưới tuyến phố, tính chuyên danh của nhiều tuyến phố, có giá trị văn hoá trong nghệ thuật kinh doanh), cũng như đáp ứng được những tiêu chí khác mà UNESCO đề ra cho một di sản văn hoá thế giới.
Theo TS Nguyễn Văn Huy - GĐ Bảo tàng Dân tộc học VN, để bảo tồn được khu phố cổ, đầu tiên phải trả lời được câu hỏi: "Khu phố cổ trước hết là của ai, và bảo tồn nó để làm gì?". Và ông khẳng định: "Khu phố cổ trước hết phải là của những người dân ở đó, chính họ là những chủ thể của di sản, việc bảo tồn nó phải được gắn chặt với quyền lợi của họ. Vậy mà từ trước đến nay, các nghiên cứu về khu phố cổ mới chỉ thể hiện được quan điểm của các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà quản lý nhà nước".
"Quá trình làm dự án, được tiếp xúc với người dân và lắng nghe câu chuyện của họ, chúng tôi "học" được nhiều thứ rất khác với những gì được đọc trước đây" - chị Võ Mai Phương, một chuyên gia của dự án, tâm sự.
"Việc bảo tồn khu phố cổ cho đến nay còn tỏ ra thiếu tôn trọng ý kiến của người dân, nhiều dự án quy hoạch trước đây người dân không được tham vấn, nên ngay cả những dự án được đánh giá là giàu tính khoa học song lại thiếu tính thực tiễn" - TS Mai Thanh Sơn bức xúc.
Có lẽ, thay cho việc cứ bám riết lấy khái niệm "khu phố cổ Hà Nội" như một thói quen, đã đến lúc nên nghĩ đến một khái niệm, một cái tên phù hợp hơn với thực tế cho không gian văn hoá này.
(Theo báo Lao Động 23-4-2006)