393 Den Zam temple

Đền Dầm

h.Thường TínMẫu Thoảisông Hồng

Đền Dầm thờ Mẫu Thoải. Tên chữ: Xâm Dương Linh Từ. Lễ hội: từ mùng 5 đến 7 tháng 2 âm lịch. Vị trí: thôn Xâm Dương, xã Ninh Sở, WV4V+54, Thường Tín, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 18km (hướng 5h). Trạm bus lân cận: bến cuối tuyến xe 08b, 08a

Từ trung tâm Hà Nội bạn có thể lên xe bus 48 và xuống ở bến cuối Vạn Phúc rồi đi bộ theo đê Hữu Hồng về hướng nam khoảng 500m thì rẽ trái qua chùa Công Minh và đền Mẫu Cửu vào đền Dầm. Hoặc bạn lên xe bus 08 và xuống ở Đông Mỹ rồi lấy xe ôm đi tiếp về phía đông nam khoảng 3km thì sẽ thấy cổng đền dưới chân đê. Bạn cũng có thể sử dụng một trong các dịch vụ du lịch Sông Hồng tại số 42 Chương Dương Độ để đi cả một ngày bằng tàu thuỷ và đến thăm 4 địa chỉ văn hóa đặc sắc: đền Dầm, đền Đại Lộ, đền Chử Đồng Tử, làng cổ Bát Tràng.

Lược sử

Đền Dầm có tên chữ Xâm Dương Linh Từ, theo địa danh của thôn Xâm Dương, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Xa hơn khoảng 3 km về hướng nam, tại xã Hồng Vân còn có đền Xâm Thị cũng thờ Mẫu Thoải. Hai ngôi đền đó cùng gắn với sự tích Thánh Mẫu Đệ Tam hiển linh phù trợ vua tôi nhà Trần đánh thắng quân Nguyên-Mông vào thế kỷ XIII.

Sân đền Dầm. Ảnh NCCong ©2018

Đền Dầm tương truyền có từ thời Trần và từng được các vua ban sắc phong rất nhiều: thời Trần 7 đạo, thời Lê 13, thời Nguyễn 8. Tổng cộng có 28 đạo sắc, ngang với Phủ Dày nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh. Đáng tiếc trong đền hiện nay chỉ còn giữ được 6 đạo, trong đó sắc sớm nhất mang niên hiệu Đức Long 5 (1633) của vua Lê Thần Tông và muộn nhất là năm Khải Định 9 (1924).

Lễ hội đền Dầm được dân làng tổ chức hàng năm từ ngày mùng 5 đến mùng 7 tháng Hai âm lịch để tưởng niệm Thủy Cung Thánh Mẫu. Trong hội có lễ rước nước và những tiết mục như múa rồng, múa sư tử, thi kéo chữ, đánh cờ người, hát quan họ, chọi gà.

Sân đền Dầm. Panorama ©NCCong 2017

Kiến trúc

Đền Dầm tọa lạc tại khu đất bãi ngoài con đê hữu ngạn sông Hồng. Xưa kia, nước thường dâng ngập sân đền vào mùa lụt, cho nên thềm được tôn cao 5 bậc. Cổng đền gồm 6 trụ biểu và hai bức tường phù điêu long mã trên mái có đắp hình rồng. Du khách đi qua cổng thấy ngay một khu vườn nhỏ làm bình phong. Sân đền rất rộng, bên hữu là lầu Cô hình bát giác ở trên hồ sen, bên tả là lầu Cậu xây 2 tầng 8 mái và dựa lưng vào một hồ khác.

Tiền đường 5 gian 2 dĩ, tường hồi bít đốc, hai bên đầu hiên có dựng bia đá và đắp nổi trên tường cặp tượng ngựa và tượng hộ pháp. Hậu cung xây kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái khá đẹp, đáng tiếc hơi thấp nên du khách khó có thể nhìn thấy rõ từ sân đền.

Hát văn trong đền Dầm. Photo NCCong ©2018

Bên hữu tiền đường là một nếp nhà nhỏ 3 gian thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo rồi đến cây đa cổ thụ và khu dịch vụ. Bên tả tiền đường có nếp nhà nhỏ 3 gian với động Sơn Trang, du khách đi tiếp về phía bắc khoảng 50m là đến đền Mẫu Cửu kề gần chùa Công Minh.

Di tích lân cận

393, Den Zam temple ©NCCông 2017-2019

Tập hồ sơ