395 Temple of Tue Tinh stella

Đền Bia (Tuệ Tĩnh)

đền, miếuthời Lê trung hưngHải Dương

Đền Bia thờ Tuệ Tĩnh và tấm bia ghi di nguyện của vị danh y. Đền xây từ thế kỷ XVIII, trùng tu vào các năm 1936, 1993, 2006. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1974). Vị trí: X7H3+4C thôn Văn Thai, x. Cẩm Văn, h. Cẩm Giàng, Hải Dương. Cách BĐX Bờ Hồ: 48km (hướng 3h)

Du khách từ Hà Nội qua thị trấn Như Quỳnh nếu đi thẳng theo tỉnh lộ TL388 sẽ rút ngắn thêm được 6km, trong khi cứ theo quốc lộ QL5 thì phải quặt vào đền bằng một trong vài lối rẽ trái ở quãng đường giữa Văn miếu Mao Điền và Khu công nghiệp Đại An, TP Hải Dương. Trên bản đồ, đền Bia khá dễ tìm vì tọa lạc ở ngay ven TL388, cách chợ Phú Lộc 600m và cách đền Tuệ Tĩnh 1,1km, gần bờ tây (hữu ngạn) sông Thái Bình.

Lược sử

Năm 1385, lúc đó Tuệ Tĩnh 55 tuổi và đã là một thầy thuốc có tiếng tăm vượt biên giới. Triều đình nhà Minh đề nghị vua nước Nam đưa danh y sang chữa bệnh trong cung. Tại Nam Kinh, ông vẫn dồn tâm sức cho nghề trị bệnh giúp đời, được vua Minh phong là Đại y Thiền sư sau khi cứu sống bà hoàng hậu. Nhưng cho đến phút cuối, ông không một lần được quay lại quê hương. Thời đó đường xá xa xôi cách trở, tin tức không thông nên cũng chẳng ai biết chính xác ông mất năm nào.

Hai thế kỷ trôi qua, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho (1638-1699) là người cùng làng với Tuệ Tĩnh, có dịp đi sứ Trung Quốc đã đến viếng mộ danh y tại Giang Nam. Đọc mặt sau tấm bia thấy dòng chữ: "Ngày sau có ai bên nước sang, nhớ cho hài cốt tôi về với", Nguyễn Danh Nho vô cùng cảm động. Ông đã dập mẫu bia mang về Kinh thuê thợ đá khắc lại và chở về làng. Không may vùng quê ông lại đang chịu lụt, thuyền xuôi đến địa phận đền hiện nay thì bị lật, tấm bia rơi xuống nước không lấy lên được.

Sân trước đền Bia. Photo ©NCCong 2014

Khi nước cạn dân làng mới đưa được bia lên, nhân thấy doi đất ở đây có hình con dao cầu (dụng cụ thái thuốc nam) bèn dựng miếu thờ. Ban đầu miếu làm bằng gianh tre, nhưng do người đến lễ đông, đèn nhang nghi ngút thường gây cháy. Dân làng phải lập một ngôi đền ở gần đó gọi là đền Trung để thờ vọng, sau đó mới xây đền Bia kiên cố bằng gạch và gỗ lim, gọi là đền Thượng.

Từ ngày dựng bia, người khắp nơi kéo đến đền lấy thuốc, hái lá, xin nước giếng ở đó về uống với hy vọng mọi bệnh sẽ khỏi. Tương truyền vào năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) mỗi ngày có tới hàng nghìn người như thế, vua phải hạ chiếu cấm việc cúng lễ và xin thuốc, sai người đem tấm bia cất tại kho. Sau có một người gốc làng Văn Thai làm chức thủ kho ở dinh quan Hải Dương đã bí mật lấy lại bia đem về đền cũ. Để giấu việc này, dân làng cho đặt bia vào trong tường chùa Văn Thai rồi xây kín, nhờ đó mà tấm bia còn lưu được đến ngày nay.

Kiến trúc

Năm 2003 một dự án đại trùng tu đền Bia đã được phê duyệt. Diện tích được mở rộng lên gần 4 ha, gồm khu thờ tự và khu y xá. Khu thờ tự gồm 5 công trình: tam quan, thuỷ đình, các nhà tả vu, hữu vu, tiền tế và hậu cung, tổng số 23 gian, còn lại là sân vườn, tường bao và cổng. Khu y xá gồm 3 công trình: nhà bắt mạch kê đơn, nhà bốc thuốc và nhà chẩn trị, mỗi công trình 5 gian. Ngoài ra còn có nhà từ tâm là nơi đón tiếp khách. Công trình khánh thành năm 2006 với tổng kinh phí 14,8 tỷ đồng.

Hồ nước trước đền Bia. Photo ©NCCong 2014

Đền Bia nhìn về tam quan ở hướng bắc qua một hồ nước khá rộng hình chữ nhật, xung quanh là cánh đồng giữa hai làng Văn Thai và Nghĩa Phú. Bên phải đền là một bãi đỗ xe trước cổng phụ có gác thường trực. Cạnh lối này có một thủy đình trên hồ. Bước lên thềm rồng trước bức bình phong đề chữ “Phúc” du khách đi vào một sân rộng lát gạch Bát Tràng nằm ở giữa hai dãy nhà tả, hữu vu.

Cuối sân là khu đền thờ bao gồm các tòa tiền tế, trung từ và hậu cung; kết nối với nhau theo kiểu “tiền Nhất, hậu Đinh”. Toà tiền tế từng được trùng tu năm 1993, mang đậm phong cách nghệ thuật kiến trúc của thời Nguyễn; bao gồm 5 gian với diện tích 120m2. Tòa trung từ và hậu cung nhỏ hơn nhưng chắc chắn và đồng bộ từ kiến trúc đến các đồ thờ tự. Tòa nhà xây kiểu lòng thuyền tứ trụ, vì con chồng đấu sen, bức cốn chạm long cuốn thuỷ và hoa lá. Tất cả được bố trí trong một khuôn viên rộng có những vườn thuốc Nam và cây cối bao quanh.

Trong đền Bia hiện nay còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị nghệ thuật và lịch sử, trong đó có một bệ đá thời Nguyễn chạm khắc hình tứ linh tứ quý và một cỗ khám thờ bằng gỗ sơn son thiếp vàng để đặt tượng Tuệ Tĩnh. Chính điện treo bức đại tự ghi 4 chữ "Thánh cung vạn tuế", nghĩa là "Đức thánh muôn tuổi".

Trước đền Bia. Photo ©NCCông 2020

Dọc hai cột bên có đôi câu đối ca ngợi Thần y:
Hoàng giáp phương danh đằng Bắc địa
Thánh sư dược diệu chấn Nam bang

Đông Tỉnh tạm dịch là:
Thái học tiếng vang lừng đất Bắc
Thánh sư thuốc giỏi động trời Nam
[1]

Như đã nói, trong khám thờ ở hậu cung có một bức tượng nhỏ bằng đồng, tạc danh y Tuệ Tĩnh ngồi trên ngai, đầu đội khay, râu dài, hai tay chắp trước ngực, mặc áo thêu hình rồng, gương mặt sống động. Theo tài liệu còn lưu tại chùa, tác phẩm này do dân làng Văn Thai tự đúc để thờ ngài ngay từ khi mới xây đền.

Ngoài ra ở phía sau cùng của gian hậu cung còn có một tấm bia đá trông như cây cột nhỏ, cao khoảng 80cm và rộng khoảng 20cm, đầu được mài nhọn. Do thời gian và con người, những chữ khắc trên bia đã mờ và bị đục nham nhở, rất khó đọc. Theo Ban quản lý đền Bia đó chính là dòng chữ ghi lại ước mong của thiền sư Tuệ Tĩnh trước khi mất ở nơi đất khách quê người: "Về sau có ai bên nước nhà sang, nhớ cho hài cốt tôi về với".

Trong đền Bia. Photo ©NCCông 2020

Lễ hội Đền Bia

Xưa kia lễ hội thường kéo dài. Tư liệu cho biết dịp Thánh ứng lần thứ nhất (năm 1830) phải hết 4 ngày mới rã đám. Từ đó lễ hội hàng năm vẫn được duy trì và tổ chức đầy đủ lệ bộ nhưng người đến dự không đông bằng lần đầu. Hội đồng tộc biểu đặt lệ: nhà có đại tang không được dự rước kiệu, ai ăn thịt chó không được vào đền làm lễ, nếu làm sai sẽ bị làng phạt.

Hơn một thế kỷ sau, vào năm Bảo Đại thứ 11 (1936) tương truyền có Thánh ứng lần thứ hai, lễ hội cũng được tổ chức 4 ngày, từ mùng 1 tháng 4 đến ngày mùng 4 tháng 4 như dịp thứ nhất. Nhưng lần này người đến lễ và xin thuốc đông hơn rất nhiều, mỗi ngày có tới hàng vạn người từ trong Nam, ngoài Bắc đổ về, tất cả những thứ lá gì trong đền cũng đều được coi là thuốc quý chữa bách bệnh. Nhân dân địa phương càng cho là hiện tượng "hiển thánh".

Sườn bên đền Bia. Photo ©NCCông 2020

Cho đến ngày nay lễ hội vẫn diễn ra bình thường nhưng không đông như năm 1936 nữa. Năm 1962 đền Trung giải hạ, từ đó lễ hội tập trung vào đền Bia là chính. Năm 1992 xã Cẩm Văn thành lập Chi hội Đông y, chuyên sản xuất, kê đơn bốc thuốc nam, bắc. Hội viên khá đông, địa điểm đặt tại đền Bia, xung quanh trồng nhiều dược thảo, hoạt động có hiệu quả tốt, phát huy truyền thống của Tuệ Tĩnh.

Di tích Hải Dương

©NCCông 2014-2020, Temple of Tue Tinh stella
[1] Tuệ Tính từng đỗ Thái học sinh nhưng gặp thời mạt Trần, không ra làm quan mà đi tu, làm thuốc. Xin dịch là “Thái học”, bởi vì đến thời Hậu Lê mới chia bậc khoa bảng ra Tam khôi, Hoàng giáp và Tiến sĩ. Câu đối ra đời muộn nên tác giả đã dùng bậc tương đương Thái học sinh là Hoàng giáp