397 Generalissimo Tran Hưng Đao

Trần Quốc Tuấn (?-1300)

nhà TrầnTrần Hưng Đạo

Tiểu sử

Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn 陳國峻, con trai của An Sinh Vương Trần Liễu và cháu gọi vua Trần Thái Tông bằng chú, quê ở làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường, nay là huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Các tài liệu khác nhau cho là ông sinh năm 1228, 1230 hoặc 1232.

Trần Quốc Tuấn văn võ song toàn, lại là tôn thất nhà Trần, trong cả 3 lần quân Nguyên - Mông xâm lăng, ông đều được vua Trần cử làm tướng. Đặc biệt ở lần thứ 2 và thứ 3 vào các năm 1284 và 1285, ông được vua Trần Nhân Tông giao làm Quốc công Tiết chế, tổng chỉ huy các đạo quân thủy bộ. Dưới tài lãnh đạo của ông, quân và dân Đại Việt đã chiến thắng vang dội ở Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp, Bạch Đằng, đuổi giặc ra khỏi nước ta.

Vì có công lao lớn trong cả 3 lần chống Nguyên nên vua gia phong ông là Thượng quốc công, cho phép ông được quyền phong tước cho người khác, từ minh tự trở xuống, chỉ có tước hầu thì phong trước rồi tâu sau. Nhưng Quốc Tuấn chưa bao giờ phong tước cho một người nào. Khi quân Nguyên vào cướp, Quốc Tuấn lệnh cho nhà giàu bỏ thóc ra cấp lương quân, mà cũng chỉ cho họ làm lang tướng giả chứ không cho họ tước thực.

Đền Thiên Trường (phường Lộc Vượng, TP Nam Định)

Dù chỉ đứng thứ hai sau vua, ông rất kính cẩn giữ tiết làm tôi. Ông thường tiến cử nhiều nhân tài ra giúp nước, không kể sự học hay thuộc thành phần xã hội nào. Dưới trướng ông đã có những gia nô và môn khách trở thành danh nhân đất Việt như Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu.

Sau Quốc Tuấn về nghỉ ngơi và tiếp tục nghiên cứu binh pháp ở thái ấp của mình tại Vạn Kiếp, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, các vua Trần vẫn thường xuyên đến vấn an và hỏi ông về những kế sách quan trọng. Khi sắp mất, ông dặn con rằng: "Ta chết thì phải hỏa táng, lấy vật tròn đựng xương, bí mật chôn trong vườn An Lạc, rồi san đất và trồng cây như cũ, để người đời không biết chỗ nào, lại phải làm sao cho mau phục".

Tôn vinh

Vua Trần Thánh Tông có soạn bài văn bia ở sinh từ (nhà thờ sống) của Trần Quốc Tuấn, ví ông với Thượng phụ (tức Lã Vọng ngày xưa có công giúp nhà Chu lập nghiệp đế).

Quốc Tuấn mất ngày 20 tháng 8 âm lịch năm Canh Tý (tức ngày 5-9-1300) ở trang viên Vạn Kiếp, hưởng thọ khoảng 70 tuổi. Vua Trần Anh Tông truy phong ông danh hiệu Thái phu Thượng Phụ Thượng Quốc Công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương. Nhân dân sau này tôn ông là một trong các vị Thánh của Việt Nam và yêu kính gọi là Cha ("Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ").

Đền thờ Đức thánh Trần có ở khắp nơi, nổi tiếng nhất là Đền Kiếp Bạc (thuộc địa phận hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, cách Hà Nội 80 km và cách Côn Sơn 5 km). Hàng năm vào dịp "giỗ Cha" ở đây có tổ chức hội rất lớn. Khách xa có thể trảy hội đền Kiếp Bạc bằng đường bộ từ Hà Nội theo đường QL5A, từ Bắc Ninh theo đường QL18 về Phả Lại và dọc đê sông Thương...

Tác phẩm

Trần Quốc Tuấn để lại một số tác phẩm rất giá trị cả về mặt văn học nghệ thuật lẫn nội dung tư tưởng, tính lý luận và nghệ thuật quân sự: Hịch tướng sĩ (có trong sách giáo khoa văn học được dạy ở bậc trung học phổ thông), Binh gia diệu lý yếu lược (tức "Binh thư yếu lược", bản lưu hành ngày nay được cho là nguỵ tạo) và Vạn Kiếp tông bí truyền thư (đã thất lạc).