4 Dao Duy Tu street

Phố Đào Duy Từ

q.Hoàn Kiếms.Tô LịchĐào Duy Từ

Phố Đào Duy Từ dài 290m, đi từ cửa ô Quan Chưởng (nơi giáp các phố Thanh Hà, Hàng Chiếu) đến ngã ba Lương Ngọc Quyến; đoạn giữa cắt ngang các ngã tư Nguyễn Văn Siêu - Chợ Gạo và Hàng Buồm - Mã Mây. Nay thuộc: phường Hàng Buồm, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 550 m (hướng 1 h). Trạm bus lân cận: 3 Hàng Muối (xe 04, 8, 11, 14, 18, 23, 31, 34, 36, 86), 54 Nguyễn Hữu Huân (04, 08, 11, 14, 18, 23, 36)

Lược sử

Phố Đào Duy Từ mang tên một đại công thần của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Ngài hồi trẻ bị mang tiếng con nhà phường chèo nên không tiến thân được với Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Năm 1627, Ngài trốn vào xứ Thuận Quảng, cùng năm được Trần Đức Hòa tiến cử lên Chúa Nguyễn Phúc Nguyên và được chúa tôn là Thầy. Năm 1630, Đào Duy Từ thiết kế và chỉ đạo xây dựng hệ thống các lũy Trường Dục, Nhật Lệ, Trường Sa (nay thuộc thành phố Đồng Hới và huyện Quảng Ninh). Ngài dâng các mưu lạ, lập nhiều chiến công và cai trị giỏi, được cả người đương thời và đời sau ca ngợi.

Thời Pháp thuộc, nơi đây gồm hai phố có tên khác nhau. Đoạn đầu đi từ cửa ô Quan Chưởng đến phố Hàng Buồm mang tên Rue de l’Ancien Canal, nghĩa là “phố Kênh cũ”, thuộc đất của thôn cũ Hương Bài.

Thôn Hương Bài sáp nhập với thôn Kiên Nghĩa và sinh ra thôn Hương Nghĩa. Dấu tích là đình Hương Nghĩa, một nơi thờ tướng Cao Tứ (em Cao Lỗ — người chế nỏ thần giúp An Dương Vương) và vợ là công chúa Phượng Minh. Hiện nay trong đình có ngôi đền thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu và cổng chung tuy mang số nhà 13b phố Đào Duy Từ nhưng mở ra cuối phố Chợ Gạo.

Góc phố Đào Duy Từ ©2015 NCCong

Thôn Hương Nghĩa vốn giáp con đê xưa ở phía bắc khúc sông Tô Lịch đổ ra sông Hồng. Dần dần sông Hồng đổi dòng sang phía Gia Lâm và để lại các bãi cát bồi. Cuối thế kỷ XIX, khúc sông Tô cạn hẳn, người Pháp cho lấp và xây khu Chợ Gạo, bãi Cột Đồng Hồ cùng một loạt phố mới.

Đoạn thứ hai đi từ phố Hàng Buồm đến phố Lương Ngọc Quyến, trong thời Pháp thuộc mang tên “Rue Dao Zuy Tu”. Nơi đây thuộc đất thôn cũ Ngư Võng, tổng Hữu Túc, sau gọi là tổng Đông Thọ, phủ Hoài Đức. Ngày nay đứng tại góc ngã ba Lương Ngọc Quyến có thể nhìn thấy một phần phía sau của ngôi đình Hương Tượng, bên trong có đền thờ Nguyễn Trung Ngạn từng làm quan Phủ doãn Thăng Long và trải 5 đời vua Trần.

Trong thời Pháp thuộc, nhiều hiệu buôn của Hoa kiều và của người Việt Nam đã mở các cửa hàng rải rác từ phía bãi Cột Đồng Hồ (tức đầu cầu Chương Dương bây giờ) đến khu Chợ Gạo, nhiều nhất là ở Rue de l’Ancien Canal. Đặc biệt ở đoạn giữa hai phố Chợ Gạo và Hàng Buồm có xây liên tiếp sát nhau các “nhà chàn”, tức là những kho chứa hàng của Hoa kiều. Tại đây từng tập trung hơn chục cửa hàng lương thực, đến nay vẫn còn lại vài cái, ngoài gạo ra còn bán ngô, khoai và bột mỳ.

Mặt tiền một nhà "chàn" ©2015 NCCong

Thời Pháp thuộc, tuy nằm sát khu vực thương mại giầu có nhưng những người Hoa ở Rue Dao Zuy Tu phần đông đều nghèo khổ, phải làm công cho các cửa hiệu Tầu hoặc làm phu lao động nặng nhọc ở Chợ Gạo. Phu khuân vác người Việt thường đến từ ngoại ô, đa số ở trọ ngoài bãi Phúc Xá và có cai thầu đứng ra nhận việc cho cả nhóm. Trong số các cai thầu, nhiều người sau này cũng trở thành nhà buôn gạo. Ngoài mấy ngôi nhà một tầng kiểu cổ ở đầu phố, còn lại đều là nhà to gồm nhiều gian. Các kho cũ hầu hết xây một tầng nhưng diện tích rộng, mái cao, bên trong có nhiều lớp.

Cuối thế kỷ XX dân phố Đào Duy Từ mới mở thêm nghề kinh doanh du lịch, đá cảnh và đồ phong thủy. Nhiều thanh niên Hà Nội và du khách thích đến đây vì các quán giải trí và ăn uống bình dân thường mở tới khuya.

Di tích trên phố

Hà Nội hiện tại có một di tích độc đáo là Ô Quan Chưởng, tên chữ Đông Hà Môn 東 河 門. Cửa ô này nằm ở phía đông của toà thành đất bao quanh Thăng Long, được xây dựng vào năm Cảnh Hưng 10 (1749) và xây lại vào năm Gia Long 3 (1817). Tại đây năm 1872, tốp lính canh dưới sự chỉ huy của một viên quan nhỏ vô danh đã anh dũng kháng cự quân Pháp cho đến người cuối cùng. Từ đó Đông Hà Môn được dân ghi nhớ bằng tên gọi Ô Quan Chưởng. Chính ông trưởng thôn cùng dân sở tại đã nhất quyết không chịu cho phá và người Pháp phải nhượng bộ giữ nguyên.

Rạp Lạc Việt thời xưa

Xưa ở số 50 phố Đào Duy Từ có một rạp hát tên gọi Sán Nhiên Đài, là nơi ông trùm Nguyễn Đình Nghị (1883-1954) từng thực hiện nhiều cải tổ lớn, góp phần đưa chèo từ cửa đình ra mặt phố, từ sân đình lên sân khấu. Các nghệ sĩ Kim Phụng, Ba Tuyên, Thanh Nhã… với những vở chèo cải lương ra mắt từ nửa đầu những năm 1930 đã kịp thời cứu vãn một trong các bộ môn nghệ thuật dân tộc đang dần dần bị giới trẻ lãng quên.

Rạp chèo Sán Nhiên Đài sau đổi thành rạp tuồng Quảng Lạc, rồi rạp Hiệp Thành... Hồi thập niên 1960, nhà này trở thành nơi cư ngụ của nhiều gia đình nghệ sĩ. Hơn 20 năm sau, không may rạp bị thiêu trụi, họ phải sống tạm bợ 3 thập kỷ nữa cho đến khi di dời hết. Với sự cố vấn của các chuyên gia đến từ thành phố Toulouse (Pháp), trụ sở Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội đã được xây dựng trên nền rạp cũ và khánh thành vào ngày 2-2-2015.

Ngoài ra, trong ngõ Đào Duy Từ thông sang phố Tạ Hiện hiện còn một di tích bé tý xíu là miếu Sầm Công. Miếu này do những người Hoa xưa kia di cư sang sống khá đông đúc quanh đây xây dựng lên để thờ thái thú Sầm Nghi Đống. Vị tướng này chỉ huy một đại đồn quân Thanh đóng ở cạnh làng Khương Thượng và đã thắt cổ tự tử trên gò Đống Đa sau khi bị cánh quân Tây Sơn của Đô đốc Long đánh cho thua trận vào ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789.

Góc phố Đào Duy Từ - Lương Ngọc Quyến ©2012 NCCong

Panorama

Di tích lân cận

©NCCông 2011-2021, Dao Duy Tu street