40 Alum street

Phố Hàng Phèn

q.Hoàn Kiếm

Phố Hàng Phèn dài 100m, đi từ ngã ba phố Thuốc Bắc, cắt qua phố Bát Sứ đến ngã tư Cửa Đông - Hàng Gà. Nay thuộc phường Hàng Bồ, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 1,5km (hướng 1h). Trạm bus lân cận: 56 Hàng Cân, hoặc 115 Phùng Hưng.

Lược sử

Vào cuối thời Lê, phía Đông cổng hoàng thành có một cái chợ với tên chữ là Đông Thành Thị (chợ Đông Thành). Ngôi chợ này thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương và là chợ to nhất của Thăng Long. Sau khi chiếm đóng Hà Nội, thực dân Pháp bỏ chợ Đông Thành, xây chợ mới ở cạnh hồ Đồng Xuân.

Con phố đi qua chợ cũ được gắn biển tiếng Pháp là Rue du Vieux Marché (Phố Chợ Cũ). Còn dân ta tới đầu thế kỷ XX vẫn gọi đó là phố Chợ Lớn - Hàng Phèn. Từ năm 1945 phố được mang tên chính thức là Hàng Phèn. Trước kia, trên phố này có nhiều cửa hàng chuyên bán các loại phèn, do đó mà có tên.

Hàng Phèn - Thuốc Bắc. Ảnh ©NCCong 2013

Phèn là những muối kép có cấu tạo tinh thể đồng hình (đa phần có 8 mặt) có khả năng lọc chất bẩn trong nước sinh hoạt hoặc trong công nghiệp vải, sợi, giấy, thuộc da, v.v.. Loài người từ lâu đã biết tới một số loại phèn phổ biến như phèn nhôm, phèn sắt.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, ở phố Hàng Phèn đã có các hiệu bán hóa phẩm thông thường, gồm các loại phèn đen, phèn xanh, phèn chua. Bán chạy nhất là loại phèn chua dùng để lọc nước sông, nước hồ. Thời kỳ đó nhiều phố Hà Nội chưa có hệ thống dẫn nước máy nên dân phố phải tự gánh hoặc thuê người gánh nước sông hồ về đổ vào bể nước ở nhà (chỉ một số ít nhà có giếng trong sân), rồi nước đó lại phải đánh phèn cho lắng đất cặn trước khi sử dụng để nấu nướng hoặc tắm rửa.

Hàng Phèn chiều đông. Ảnh ©2011 NCCong

Phèn bán trong cửa hiệu thường ở dạng cục khá to, người mua đem về nhà phải đập vỡ vụn ra mới dùng được. Một phần nhỏ lượng phèn bán qua phố này thời ấy phục vụ cho người Hà Nội, phần còn lại lớn hơn chủ yếu đem bán cho người các tỉnh. Ngoài phèn ra, phố Hàng Phèn cũng có bán các loại hàng tạp hoá và giấy bút như bên phố Hàng Bút cũ ở liền đó.

Trước năm 1930, trên phố Hàng Phèn hầu hết là nhà một tầng cũ kỹ. Nhiều cây si, cây bàng, cây đa trổ rễ ở hai bên đường làm tôn thêm vẻ đẹp cổ kính của con phố. Sau đó những ngôi nhà này được xây lại theo kiểu mới bằng vật liệu sắt thép xi măng, nhưng với kỹ thuật ngày ấy thì diện tích sử dụng cũng không thể mở rộng được nhiều lắm.

Ngã phố Hàng Phèn - Hàng Gà - Nhà Hoả. ©NCCong 2015

Nhìn chung ngày nay hai bên hè phố hẹp toàn là nhà nhỏ cao hai, ba tầng, nhà nọ xây liền tường nhà kia, không có đất công cộng. Đứng từ ngoài nhìn không còn thấy vết tích những ngôi nhà cổ như trong phố khác. Ngoài những mặt hàng cũ, hiện nhiều gia đình ở phố Hàng Phèn còn kinh doanh các dịch vụ khác như ăn uống, y tế, quần áo thời trang... trong những cửa hiệu hiện đại.

Ở số nhà 29B Hàng Phèn có cửa hàng Sửa chữa đồng hồ của ông Đào Văn Dư. Ông là thợ đồng hồ duy nhất của Việt Nam có 7 bằng chứng nhận tay nghề của các hãng đồng hồ nổi tiếng thế giới như Rado, Omega, Longines... Ông cũng là một trong những người tham gia lắp đặt chiếc đồng hồ treo trên nóc tòa nhà Bưu điện Hà Nội từ 1978 và vẫn hoạt động cho đến nay.

Phố Hàng Phèn

Panorama

Di tích lân cận

40 pho Hang Phen ©NCCông 2011-2021