402 Cultural indexes

VĂN TỪ, VĂN CHỈ - BIỂU TƯỢNG TINH THẦN HIẾU HỌC Ở LÀNG QUÊ XƯA

văn hoátượng đài

Văn Từ, Văn Chỉ

Văn Miếu là biểu tượng cho tinh thần hiếu học của dân tộc Việt Nam, tương tự như vậy ở mỗi làng quê đồng bằng Bắc Bộ thì Văn Từ, Văn Chỉ cũng là một biểu tượng cho tinh thần hiếu học của làng quê ấy. Đó là một kiến trúc đặc biệt ở các làng quê xưa, mà đến nay do sự thay đổi biến thiên của lịch sử đang ngày càng ít được quan tâm và trở nên hiếm gặp.

Thời xưa, khi nền Nho học còn thịnh hành, mỗi làng quê đều có một nơi thờ tự Khổng Tử và các bậc thánh hiền trong Nho giáo khác. Có làng xây một ngôi đền nhỏ có đủ tường gạch mái che, thì gọi là Văn Từ. Có làng chỉ xây hoặc đắp một đàn tế bằng đất lộ thiên thì gọi là Văn Chỉ.

Ở những làng quê chưa có người đỗ đạt, thì Văn Từ hay Văn Chỉ chỉ thờ cúng Khổng Tử và các bậc thánh hiền Nho giáo (gián hoặc cũng có nơi thờ Văn Xương Đế Quân – một vị thần cai quản việc văn học) để chủ trương cho việc văn học của làng mình. Còn với những làng khoa bảng thì ở đó, người ta còn thờ cả những bậc đỗ đạt, những người học hành thành tài của chính làng mình để khuyến khích giới trẻ của làng gắng công học tập.

Văn Chỉ phường Văn Chương

Ngày xưa, nếu trong làng có người đỗ đạt, khi vinh quy về phải ra lễ ở Văn Từ, Văn Chỉ để tạ ơn tiên hiền. Có thể nói, Văn Từ, Văn Chỉ chính là nơi tôn vinh nho học, diễn ra các hoạt động tế lễ, hay cổ vũ khuyến khích cho việc học hành thi cử. Ở nhiều làng xã, đó còn là nơi học tập, khảo hạch sĩ tử, đón rước tiến sĩ vinh quy. Đó chính là nơi bảo tồn truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của làng quê xưa.

Ở khắp các làng quê Bắc Bộ hiện nay, cái tên “Văn Chỉ”, hay “ruộng Văn Chỉ”, “đồng Văn Chỉ” rất phổ biến, dù rằng nhiều người đã không còn hiểu xuất xứ của từ ấy nữa. Ngay trên phố Bạch Mai (Hà Nội) cũng có một con ngõ, với tên gọi “ngõ Văn Chỉ” – Đó chính là lối đi vào Văn Chỉ của huyện Thọ Xương cũ khi xưa.

Văn từ xã Hữu Bằng, Thạch Thất

Kiến trúc Văn Từ đến nay tuy cũng không còn nhiều, nhưng vẫn có thể thấy di tích khá nguyên vẹn ở một vài làng xã như tại làng Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội hoặc tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội …

Văn Từ xã Hữu Bằng

Văn Từ xã Hữu Bằng bao gồm hai lớp nhà ngói ba gian với kiến trúc thời Nguyễn. Lớp trong gồm gian giữa là nơi thờ Khổng Tử và hai gian bên là nơi thờ những người đỗ đạt của địa phương. Lớp ngoài là gian tiền tế, để tiến hành các nghi thức tế tự hay các hoạt động học tập họp hành, khuyến học, khuyến tài. Ở đây hiện cũng còn lưu giữ hai tấm bia “Hữu Bằng xã văn từ bi” (Bia văn từ xã Hữu Bằng) nói về việc dựng Văn Từ và ghi chép tên tuổi những người đỗ đạt của địa phương.

Trên cột trụ cổng ngoài cũng như các cột trên hàng hiên Văn Từ Hữu Bằng là những câu đối ca ngợi đạo học, khen tụng thi thư, và khuyến khích việc học tập. Có thể kể ra một số câu như câu đối ngoài trụ cổng: “Nho học phát nguyên tài Khổng Mạnh; Tư văn trường tại sáng Lê triều.” (Nghĩa là: Nho học khởi nguồn tài Khổng Mạnh; Văn chương còn mãi tự Lê triều). Qua câu đối có thể thấy Văn Từ ở đây đã được dựng bắt đầu từ đời Lê.

Trên hàng hiên lớp nhà trong của Văn Từ cũng có những câu đối như: “Lục tịch văn chương thiên nhật nguyệt; Bách vương lễ nhạc tuế xuân thu.” (Nghĩa là: Văn chương sáu kinh sáng rõ như nhật nguyệt trên trời; Lễ nhạc trăm vương mỗi năm hai kỳ xuân thu). Hay câu: “Sở tồn giả thần, dữ thiên địa hợp kỳ đức; Vi dân lập cực, hữu huyết khí mạc bất tôn.” (Nghĩa là: Cái còn lại là (Tinh) Thần, cùng hợp đức với trời đất; Dựng đỉnh cao cho dân chúng, người có huyết khí chẳng ai không tôn sùng). Hoặc câu: “Đạo như nguyên khí bất hưng mẫn; Lý tại nhân tâm vô cổ kim.” (Nghĩa là: Đạo như nguyên khí không dấy lên cũng không mất đi; Lý ở lòng người, chẳng phân biệt là cổ xưa hay hiện tại).

Có thể nói, hiện nay cùng với việc phát triển của kinh tế xã hội, nhiều làng quê đang được đô thị hóa, Văn Từ, Văn Chỉ ở các làng quê đang ngày càng ít được quan tâm tìm hiểu và biết đến, do vậy nguy cơ mai một rất cao. Thế nhưng đó lại chính là biểu tượng cho tinh thần hiếu học, tinh thần tôn sư trọng đạo ở ngay mỗi làng quê.

Lê Tiến Đạt
(Thiếu niên Tiền phong, chuyên mục Em yêu làng Việt)