413 Tu Hoang community hall
Đình Tu Hoàng
q.Nam Từ LiêmTiền Lýsông NhuệĐình Nhổn (Tu Hoàng) có từ thế kỷ XVI. Thờ thành hoàng: Lý Nam Đế. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1990). Vị trí: 3P2J+F7, phố Tu Hoàng, Phương Canh, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 15 km (hướng 9 h). Trạm bus lân cận: Chợ Nhổn - ĐH Công Nghiệp HN - QL32, hoặc Xuân Phương trạm 0 - TL70A.
Địa lý
Đầu thế kỷ XIX, Tu Hoàng là tên một xã thuộc tổng Kim Thìa, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây (từ tháng 11-1831 đổi thành tỉnh Sơn Tây). Đến năm Canh Dần đời vua Thành Thái (1890), huyện Đan Phượng được cắt về vùng đất ngoại thành tỉnh Hà Nội mà năm 1902 gọi là tỉnh Cầu Đơ, năm 1904 đổi thành tỉnh Hà Đông.
Tu Hoàng là một làng cổ nhưng khá nhỏ, năm 1928 mới chỉ có 539 nhân khẩu, đông nhất là họ Vương, họ Đàm. Làng có 5 xóm, các trai đinh trước kia sinh hoạt trong hai giáp Đông và Đoài. Trong kháng chiến chống Pháp, thôn Tu Hoàng nằm trong xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Năm 1954, Tu Hoàng thuộc xã Di Trạch, huyện Hoài Đức. Tháng 6-1961, thôn lại được cắt về xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm. Trung tâm Thể thao Quốc gia Hà Nội đã được xây trên một phần đất rất lớn của thôn này. Đến 2014 cả thôn thuộc về quận Nam Từ Liêm mới tách ra và bị đô thị hóa hoàn toàn, không còn đồng ruộng.
- Tiền tế đình Tu Hoàng ©NCCong 2024
Lược sử
Đình Tu Hoàng có từ thế kỷ XVI, thờ Lý Nam Đế (503-548) làm thành hoàng. Ngài sinh tại phủ Long Hưng, tên là Lý Bôn tức Lý Bí. Ngài lớn lên văn võ song toàn, dấy binh khởi nghĩa đánh đuổi giặc Lương, xưng đế và lập nên nhà nước Vạn Xuân vào năm 544, lấy niên hiệu Thiên Đức. Sau khi mất, Lý Nam Đế được thờ ở rất nhiều nơi trên đồng bằng sông Hồng.
Năm 1990 đình Tu Hoàng được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Cuối năm 2017 đình bắt đầu được trùng tu, xây thêm tường bao, hồ bán nguyệt trước cổng chính, hai dãy tả hữu vu ở sân trước và nhà khách ở sân sau, gần cửa ngách.
- Cổng đình Tu Hoàng ©NCCong 2024
Kiến trúc và di sản
Đình Tu Hoàng nằm trên một khoảnh đất cao ráo với diện tích khá lớn, phía sau là một khuôn viên với các cây nhãn lưu niên và ao nhỏ và có cổng ngách mở ra đường làng. Cổng chính gồm 4 trụ biểu đắp các câu đối chữ Hán, phía sau là một sân rộng với 2 dãy tả hữu vu 5 gian. Giữa sân là phương đình 2 tầng, 8 mái cong vút đắp hình nghê chầu bốn mặt, rồng uốn quanh đao.
Tòa đại bái 3 gian 2 chái, kết nối với hậu cung theo kiểu chữ "Đinh". Khung nóc hình chữ "Vương" được chạm khắc tinh xảo. Trên sống nóc gắn gốm sứ hoa chanh, chính giữa đắp hình hổ phù mặt trời, bốn mái đao cong đắp hình rồng uốn nghê chầu. Trong đình có các bức hoành phi và nhiều câu đối ca ngợi non sông đất nước, quang cảnh địa phương và công lao của Đức thành hoàng. Ngoài ra còn có một cỗ kiệu bát cống sơn son thếp vàng, chạm khắc hình tứ linh cực kỳ sinh động.
- Sân sau đình Tu Hoàng ©NCCong 2024
Hiện tại, dân làng Nhổn vẫn duy trì đều đặn việc tế lễ hàng năm theo nghi thức truyền thống. Trình tự theo âm lịch gồm: lễ Mộc dục (ngày 30 Tết), Nghinh xuân (1-4 Tết), Khai hạ (mùng 7 tháng Giêng), lễ hội Bốn vấn (9-2 tháng Hai), Kỳ yên (Cầu mát, rằm tháng Ba), Thường tân (Xôi mới, 12 tháng Chín).
Di tích lân cận
- Chùa Đình Quán (Bà Bông Tự): thôn Đình Quán, phường Phú Diễn.
- Chùa Hòe Thị (Hương Đỗ Tự): ngõ 143 Xuân Phương, phường Phương Canh.
- Chùa Văn Trì (Bồ Đề Tự): thôn Văn Trì, phường Minh Khai.
- Đình Đụn: thôn Lai Xá, xã Kim Chung, H. Hoài Đức.
- Chùa Nhổn (Càn Phúc Tự): ngõ Tu Hoàng, phường Phương Canh.
- Miếu Đồng Cổ: phố Nguyên Xá, phường Minh Khai.
413 dinh Tu Hoang ©NCCông 2018-2024