416 Quang An pagoda
Chùa Ngòi (Quang Ân Tự)
h.Thanh TrìLê trung hưngsông Tô LịchChùa Quang Ân được lập năm 1704. Tên chữ: Quang Ân Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1995). Vị trí: xã Thanh Liệt, XR86+GW, Thanh Trì, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 9 km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: UBND xã Thanh Liệt (xe 37, 106, CNG02).
Lược sử
Quang Ân Tự lúc đầu chỉ là một am nhỏ dựng vào năm 1694, tên Nôm là chùa Ngòi do nằm bên cạnh con ngòi Đồng Đú. Đời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa thứ 25 (năm 1704), chùa được thiền sư Như Liên là Tổ khai phái Lâm Tế trụ trì chùa Linh Tiên ở bên làng Bằng Liệt sang chứng cảnh và xây dựng, đặt thạch trụ thiên đài trước chính điện.
Đến đời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 8 (năm 1747), chùa được hòa thượng Tri Giác (1692-1769) về trụ trì và mở mang tôn tạo rất nhiều. Tổ Tri Giác tu tại đây 22 năm, khi viên tịch được hỏa táng ở Mả Bụt, thọ 77 tuổi. Theo bia đá còn lại thì chùa tiếp tục được trùng tu năm 1832.
- Tam quan chùa Quang Ân. Photo NCCong ©2023
Năm 1913, thiền sư Thích Thanh Hanh tức Tổ Vĩnh Nghiêm (1840-1939) về chứng cảnh. Tổ vốn người Thanh Liệt, năm 1936 được tôn làm Thiền gia Pháp chủ Bắc Bộ. Tổ giao cho đệ tử là Chánh giám viện Thông Đạt chủ trì việc xây dựng, mở rộng quy mô từ năm 1935 đến 1941 mới xong và kiến trúc chùa định hình như ngày nay.
Từ năm 1944, trụ trì chùa là sư ông Hợi đã bí mật tham gia Mặt trận Việt Minh. Những năm 1947-1952, chùa là nơi đi về của cán bộ và du kích kháng chiến. Trong trận đánh sân bay Bạch Mai năm 1954, đội đặc công đã xuất kích từ đây.
Hiện nay Quang Ân Tự là một trong số ít các ngôi chùa Mật tông của Việt Nam và gần đây đã được Gyalwang Drukpa và Tăng đoàn Phật giáo Truyền thừa Drukpa viếng thăm. Ngày 6-4-2014, Đại Pháp Hội Quán đỉnh cộng đồng Mạn Đà La Tức Tai Dược Sư Phật đã được tổ chức tại chùa Quang Ân, cầu cho quốc thái dân an.
- Vườn tượng chùa Quang Ân. Photo NCCong ©2023
Kiến trúc
Ngôi chùa hiện nay mang phong cách nghệ thuật kiến trúc cuối thời Nguyễn. Tam quan đồ sộ xây 3 tầng đắp ngói giả, được hoàn thành năm 1942. Phía dưới có ba cửa vòm và hai nhà giải vũ ở hai bên, cạnh hai cây bồ đề cổ thụ. Cổng phụ và ngõ vào chùa ở bên tả, sát con ngòi đổ ra đầm Ngọc Thanh ở phía tây nam trước mặt.
Sau cổng tam quan là một sân gạch dài, từ năm 2015 đã đặt thêm hai dãy tượng 18 vị Tổ truyền đăng. Bên tả tiền đường là lầu Quan Âm xây trên một giếng nước to; bên hữu là phương đình cũng mới hoàn thành hồi đầu thế kỷ XXI. Tất cả cùng vườn tháp mộ được che phủ bởi những cây nhãn lưu niên trong khuôn viên rộng hơn 1 ha.
- Trong chùa Quang Ân. Photo NCCong ©2023
Chùa xây theo lối "nội Công ngoại Quốc". Tiền đường 5 gian cửa bức bàn, ống muống và hậu cung sâu 4 gian, các tượng Phật không to nhưng rất đẹp. Hai bên sân chùa trong có hai dãy nhà khách, ở giữa là nhà Tổ rộng 5 gian. Phía sau nhà Tổ còn có khu thờ Mẫu Tứ phủ với ban Trần triều ở bên tả.
Di sản
Năm 1995, Quang Ân Tự được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Chùa còn giữ được nhiều hiện vật cổ, như bia trùng tu (1694) và 7 tấm bia đá khác, ngoài một quả chuông đồng được đúc năm 1826. Trong chùa có cả bia chữ Hán và bia chữ Quốc ngữ; riêng tại nhà giải vũ và trên gác tam quan đã có một nửa số bia.
- Phật điện chùa Quang Ân. Ảnh ©2023 NCCong
Bia “Quang Ân Thiền Tự Thiên Đài Trụ Thạch Bi” hiện đặt ở trước chùa là do thiền sư Như Liên soạn và viết chữ, nội dung cho biết thêm: “...Nay chùa Quang Ân, thôn Giáp Trung xã Quang Liệt, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, đạo Sơn Nam là danh lam cổ tích, thời gian lâu ngày bị gió mưa vùi dập, các công trình cũ bị hư nát, may mắn ngày nay gặp vận thái bình, dự định trùng tu. Bèn hưng công, hội chủ tập hợp trên dưới toàn thôn, mọi người đều phát tâm bồ đề cùng tín chủ lòng thành nhiều ít tu tạo thượng điện một gian hai chái, làm bằng các loại gỗ quí, trên có lợp ngói, dựng hương đài thạch trụ, khắc bia ghi bài ký vào để cho các sở được trang nghiêm...".
Di tích lân cận
- Chùa Bằng Liệt: XR79+5F, số 63 Bằng Liệt, P. Hoàng Liệt.
- Đền Chu Văn An: XR79+F5, số 788 đường Kim Giang, xã Thanh Liệt.
- Đền Phạm Tu: XR86+72, thôn Trung, xã Thanh Liệt.
- Đình Huỳnh Cung: XR2J+PQ, thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp.
- Đình Tựu Liệt: XR3M+65, thôn Tựu Liệt, xã Tam Hiệp.
- Miếu Gàn: XR5J+W5, số 89 phố Linh Đường, P. Hoàng Liệt
©NCCong 2018-2023, Quang An pagoda