42 Thang Long citadel
Thành Thăng Long
q.Ba Đìnhthành cổTô Lịch - Nùng Sơn theo phong thủy xưa là hai biểu tượng của nước non Thăng Long - Hà Nội. Nói theo sinh thái học nhân văn thì Thăng Long - Hà Nội là một đô thị sông - hồ được bao bọc bởi một “tứ giác nước” với 30 km “đường đê La Thành”:
Nhị Hà quanh bắc sang đông
Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này.
Tô Lịch tách ra khỏi Nhị Hà ở khoảng chợ Gạo, chảy qua giữa Ngõ Gạch - Hàng Buồm, luồn qua Cầu Đông - Hàng Đường - Hàng Cá - Cống Chéo Hàng Lược, ngoằn ngoèo theo đường Quán Thánh rồi chảy xuống Thụy Khuê - Hồ Khẩu... Kim Ngưu mở cửa vào Hồ Tây (cũng có tên khác là hồ Kim Ngưu), chảy theo chiều bắc–nam thành Ngọc Hà, dọc dài đường Ông Ích Khiêm - Lê Trực (nay là cống ngầm) luồn qua đường Cát Linh mà chảy xuống Hào Nam.
Thích nghi tối ưu - tối đa với môi trường tự nhiên sông nước trên đại thể được vạch ra tóm gọn như trên, ta dễ dàng hiểu nhà phong thủy Cao Biền và các nhà quy hoạch La Thành - Đại La Thành - Long Phượng Thành sẽ lấy núi Nùng làm trung điểm và các đường - vệt nước sông hồ Tô Lịch - Kim Ngưu (Ngọc Hà) làm “hào” mà đắp xây các lũy thành. Các tấm bản đồ Thăng Long thành đời Lê, tuy không vẽ theo hoạ pháp địa lý học tân thời, về cơ bản cũng cho ta hình dung được điều đó (trong bài này tôi xin phép được sử dụng bản đồ do PGS.TS Ngô Đức Thọ vừa sưu tầm được trong cuốn Thiên tải nhàn đàm của Đàm Nghĩa Am viết và vẽ lại năm Gia Long thứ 9 (1810).
- Rồng đá điện Kính Thiên. Ảnh ©2012 NCCong
Theo “thủ chiếu” của Lý Thái Tổ thì ngài muốn dời đô từ Hoa Lư ra “thành Đại La cố đô của Cao Vương”. Cố nhiên Ngài và các vua kế vị về sau cũng xây dựng thêm nhiều cung điện, cầu cống. Nhà Trần thay ngôi nhà Lý một cách hoà bình cũng sử dụng lại Hoàng thành Thăng Long và có xây dựng, sửa chữa thêm, nhất là sau những cơn binh hoả chống Mông - Nguyên. Nhà Hồ dựng Tây Đô ở xứ Thanh, đổi tên Thăng Long thành Đông Đô và có dỡ một vài cung điện ở Thăng Long đưa vào Tây Đô. Sau 20 năm Minh thuộc và chống Minh, tháng 4-1428, Lê Lợi, người sáng nghiệp triều Lê vào yên vị ở Đông Đô (1430 đổi là Đông Kinh, nhưng cái tên tuyệt đẹp Thăng Long vẫn tồn tại dài dài). Nhà Mạc xây Dương Kinh ở quê nhà gần biển, ít xây dựng ở Đông Kinh ngoài việc đắp thêm nhiều lũy thành ở phía nam kinh thành để chống Trịnh. Thời Lê Trung Hưng, chúa Trịnh xây Vương phủ riêng bên bờ tả - hữu Vọng Hồ (Hồ Hoàn Kiếm). Vua Lê vẫn ngồi trên ngôi hư vị ở hoàng thành cũ, có đổ nát đi hơn là xây dựng thêm.
Rồi Gia Long và Minh Mạng phá Hoàng Thành cũ, xây Bắc Thành, tỉnh thành Hà Nội mới theo kiểu Vauban. Thi hào Nguyễn Du than thở:
Thiên niên cự thất thành quan đạo / Nhất phiến tân thành một cố cung.
Tạm dịch:
Cung điện ngàn năm thành đường cái / Một toà thành mới mất cung xưa.
Bà Huyện Thanh Quan hoài cổ Thăng Long Thành:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo / Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Nửa cuối thế kỷ XIX, Việt Nam - Hà Nội rơi vào tay thực dân Pháp. Pháp phá thành Hà Nội để xây “khu phố Tây”, khu nhà binh Pháp, sân vận động Mangin (nay là Trung tâm Thể dục thể thao quân đội)... Cái thiêng “Nùng Sơn chính khí” với toà điện Kính Thiên xây bên trên đã bị giải thiêng:
Kính Thiên ngai ngự thếp vàng / Tây ngồi đánh chén cùng đoàn thanh lâu.
Điện Kính Thiên còn 4 bệ 9 bậc (cửu trùng) rồng đá thời đầu Lê. “Cô Tư Hồng” đấu thầu phá thành, chỉ dùng gạch của thành cũ đã xây được vài khu phố mới ở đường Nguyễn Biểu - Đặng Dung nay, sau khi dùng phế tích lấp hồ Cổ Ngựa - cái hồ kéo dài Hồ Tây - hồ Trúc Bạch với hồ Hàng Đậu - hồ Hàng Khoai - hồ Hàng Đào nối với hồ Hoàn Kiếm qua Cầu Gỗ (cái cầu gỗ ấy năm 1901 vẫn còn - nay thì chỉ còn cái tên “Phố Cầu Gỗ”).
Trên mặt đất, coi như là sạch bách! Nhà khảo cổ muốn tìm di tích thì quả thật rất hiếm hoi.
Những dấu vết còn lại
Ở phía bắc thì còn Chính Bắc Môn với một vết đạn chưa mờ trên Cửa Bắc. Vết tích trận giặc 1882 và việc ngài Hoàng Diệu tử tiết. Lùi vào một chút thì còn Hậu Lâu, Pháp gọi là “Lầu Công Chúa” mà kiến trúc đã bị làm biến dạng, lai căng đi rất nhiều rồi.
Năm 2001, giới khảo cổ học được phép đào ở khu vực quanh Hậu Lâu và Cửa Bắc. Phía dưới Cửa Bắc hiện tồn, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một Cửa Bắc khác thời Lê, rộng hơn, chìm sâu hơn, đang rải nylon lấp cát vùi lại, chờ công cuộc khai quật quy mô lớn hơn. Còn ở quanh Hậu Lâu, đã tìm thấy tảng đá kê chân cột chạm hoa sen thời Lý cùng nhiều hiện vật khác thời Lê, nhưng đã được “dùng lại” với công năng khác. Khảo cổ học xác định đây có thể là một cái bến đợi ở Hoàng Thành bắc, thông với sông Tô Lịch (đường Quán Thánh - Thụy Khuê). Cũng đã giăng nylon vùi cát lấp lại chờ khai quật tiếp.
Ở phía nam, may mà còn Đoan Môn, năm cổng xây bằng đá, phía ngoài là cửa Tam Môn khoảng 1812 - 1814, triều Nguyễn Gia Long phá, xây Cột Cờ (nay vẫn còn sừng sững). Năm 2002, giới khảo cổ học Việt Nam được phép đào phía trong Đoan Môn đã tìm thấy “lối xưa xe ngựa” thuộc thời Trần, dùng lại nhiều gạch Lý. Nếu khai quật tiếp, sẽ có thể thấy cả con đường từ Đoan Môn.
Phía nam nữa là chợ Cửa Nam (may còn cái tên, cửa Đại Hưng (Nam) đã bị phá). Ngoài cửa Nam, còn có mấy cái tên đất: Đình Ngang (nơi dừng lại để soát xét giấy tờ, thẻ bài trước khi vào Hoàng Thành), Cấm Chỉ (dừng nơi khu cấm) và cái vườn hoa, thời Pháp thuộc có dựng tượng “Bà đầm xòe”. Căn cứ vào câu thơ của nho sĩ Hà Thành cuối thế kỷ XIX:
Tới Quảng Minh đình tớ muốn nghe
Quảng Minh không thấy, thấy Đầm Xòe!
Quảng Minh đình đời Minh Mạng, là nơi hàng tháng có quan tới giảng “Thập điều” (10 điều trung hiếu tiết nghĩa) bắt dân đi nghe.
Quảng Minh đình, như sử chép là xây dựng trên nền Quảng Văn đình đời Lê Thánh Tông, là nơi dán bố cáo, mệnh lệnh của vua quan, cho dân biết mà thi hành.
Nếu được phép khai quật vườn hoa Cửa Nam, nhà khảo cổ có thể tìm thấy nền cũ Quảng Minh đình rồi Quảng Văn đình. Sẽ cũng là điều lý thú.
Ở phía đông, thì trên mặt đất còn di tích Đông Môn đình (Đình Cửa Đông) nay đeo biển số nhà 10 Hàng Cân và Đông Môn tự (Chùa Cửa Đông), nay đeo biển số nhà 38b Hàng Đường mà nhiều tấm bia cổ còn giữ được ở trong chùa có niên đại Lê - Nguyễn khẳng định là chùa được xây dựng ngay phía ngoài cửa Đông Hoa, Hoàng Thành Lê. Cuộc điền dã khảo cổ - nhân học văn hoá cuối năm 2002 đã xác định được cửa Đông Hoa giữa số 4 (Đông Cung) và số 5 (Càn (Kiền) điện trên bản đồ, nay đánh số 4b) là ở nền nhà Hội quán Phúc Kiến phố Lãn Ông hiện nay. Các bia Gia Long, Tự Đức còn giữ trong nhà hội quán nói là “Mân thuyền” (thuyền đất Mân Phúc Kiến) đến Thăng Long buôn bán, mua được khu đất hoang, thuộc cửa Đông Hoa thời Lê cũ, xây nhà hội quán.
Về phía tây Hoàng Thành Lê, thì còn chứng cứ: Khán Sơn. Toàn thư chép là ở góc tây bắc Hoàng Thành, nơi vua Lê Thánh Tông và các đại quan ngự xem (khán) quân sĩ tập trận (số 11 trên bản đồ). Thời Pháp thuộc, chính quyền Pháp sai san phẳng Khán Sơn làm nền, trên đó xây dựng trường trung học mang tên viên toàn quyền Albert Sarraut, nay được cải tạo, sửa thành trụ sở TƯ Đảng CSVN.
Chùa Một Cột (tên chữ là chùa Diên Hựu), vẫn theo sử chép là được xây dựng thời Lý Thánh Tông (1049) để cầu cho vua sống lâu. Tấm bia Thiên phù duệ vũ (1121) trên chùa Đọi (Hà Nam - “Sùng thiện diên linh tháp bi ký”) nói chùa Diên Hựu được xây dựng lại hoành tráng vào thời Lý Nhân Tông.
Hướng tây cấm chi danh viên / Quyết Diên Hựu chi ngự tự
Tạm dịch:
Hướng về khu vườn nổi tiếng phía tây cấm thành / Xây dựng ngôi chùa ngự Diên Hựu (do vua sai).
Chùa Một Cột nay, trải bao lần tàn phá, xây dựng lại (cái hiện thể chùa Một Cột là được dựng lại tháng 4-1955) nhưng vẫn ở địa điểm nguyên sơ. Vậy chùa Một Cột là một điểm mốc ghi dấu Cấm thành thời Lý.
Chùa Am Cây Đề (Thanh Ninh tự) hiện còn ở cuối đường Ông Ích Khiêm, đầu đường Sơn Tây. Hai tấm bia Gia Long còn giữ lại được trong chùa cho ta biết: Chùa ở ngay sát phía ngoài hành lang phía tây của Hoàng Thành Thăng Long thời Lê. Thời đầu Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786) có một vị cư sĩ ở Bắc Giang tới đây, xây một cái am dưới cây đề trong chùa để thờ và giải hoá đám cô hồn không nơi nương tựa. Cuối năm 2002, giới khảo cổ đã đến tận nơi (nay trong lãnh thổ xí nghiệp may Chiến Thắng). Cây đề vẫn còn đó, cổ thụ mấy trăm năm, rễ gốc ôm vào lòng một cái am diện tích khoảng 9m2, xây hoàn toàn bằng gạch vồ Lê Cảnh Hưng. Công nhân xí nghiệp may vẫn giữ nguyên vẹn cái am (thời chống Mỹ dùng làm nơi trú ẩn máy bay Mỹ ném bom), có ban thờ đèn nhang liên tục...
Dấu tích dưới lòng đất
Thế là rõ! Căn cứ vào sách vở, bi ký, bản đồ, lời truyền miệng, một số di tích trên mặt đất, giới khảo cổ đã xác định được quy mô Hoàng Thành Thăng Long Lý - Trần - Lê khoảng 400ha. Đông là ở khoảng phố Lãn Ông, tây ở khoảng Ngọc Hà, nam ở khoảng Chợ Cửa Nam - Hàng Đẫy (Nguyễn Thái Học), bắc ở khoảng tiếp gần đường Quán Thánh.
Khu di tích khảo cổ vừa khai quật 14.000m2 đến 16.000m2 phía tây Hoàng thành Lý - Trần - Lê. Mùa hè năm 1973, sau Hiệp định Paris, Nhà nước ta mở công trường xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Trường Chinh, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng Lăng, có dự cảm là nơi đây kề cận Hoàng Thành Trần - Lê nên yêu cầu tìm hỏi cán bộ khảo cổ có chút am hiểu về khu vực có thể có di tích lịch sử này. Tôi cùng với ông Đỗ Văn Ninh và một cán bộ kỹ thuật (đo vẽ khảo cổ) được thu nhận vào theo dõi công việc đào móng xây dựng công trường Lăng Bác. Chúng tôi đã thấy gì?
- Thấy được Cửa Tây - Dương Mã Thành - của cái thành đời Nguyễn cùng nhiều đoạn thành, nền là lớp đá ong rất dày, trên xây gạch Nguyễn lẫn lộn gạch vồ Lê.
- Thấy nhiều di vật (gạch, ngói lưu li xanh vàng, đồ gốm sứ Lý - Trần - Lê - Nguyễn...).
- Thấy những đống xương: người, thú (trâu bò, lợn, gà...), có xương bả vai trâu có một đinh ba sắt xuyên qua (lễ hiến tế).
- Thấy một vài cái giếng xây bằng gạch ’’Giang Tây quân’’ (chữ in trên gạch, niên đại thuộc Đường thế kỷ VII - IX), có gạch in chữ ’’Lý gia đệ tam đế Long Thụy thái bình tứ niên tạo’’ (làm năm Long Thụy thái bình thứ tư, đời vua thứ 3 nhà Lý - 1057) v.v... (thời ấy phải nghiêm ngặt tuân thủ định chế của công trường: Không được mang vào và mang ra bất cứ hiện vật gì, không được hỏi, được nói bất cứ cái gì mình biết và không biết, không được đi ra khỏi nơi quy định...) Những hiện vật đó nay ở đâu? Chỉ có Ban chỉ huy công trường biết (bảo quản ở đâu đó).
Với công trường Lăng Bác (cũng như việc tìm thấy bộ xương voi ở 42 Trần Phú khi sửa đường), chưa thể nói là đã có một nền khảo cổ học đô thị Việt Nam (khảo cổ học mới Việt Nam được phát sinh và phát triển từ cuối thập niên 50 và thập niên 60 của thế kỷ XX0, song chủ yếu là khảo cổ ở vùng thôn dã - hang động - đồi gò (Hoà Bình, Bắc Sơn, Phùng Nguyên, Đông Sơn v.v... Có khảo cổ ở Cổ Loa, cố đô Âu Lạc, nhưng Cổ Loa đã trở thành làng - xã, chưa thể coi là khảo cổ học đô thị).
Phải chờ đến cuối năm 2002 và năm 2003, với việc Nhà nước cho mở công trường khảo cổ khu vực định xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới) với diện tích khai quật lớn nhất từ trước đến nay, giữa trung tâm Hà Nội hiện thời (hàng chục nghìn mét vuông), ta mới có thể nói là bắt đầu có một nền khảo cổ học đô thị Việt Nam (Có làm khảo cổ ở Hội An nhưng chủ yếu vẫn chỉ là khảo cổ vùng động cát ở khu vực rìa thị xã và ở Cù Lao Chàm).
Với tư cách là người tư vấn của công trường của Ban chủ nhiệm dự án khảo cổ, chỉ xin nhấn mạnh mấy điều mà tôi cho là chủ chốt như sau:
- Chưa từng có một công trường khảo cổ nào ở nước ta (và khu vực) mang một tầm cỡ lớn như vậy, không chỉ về quy mô (hàng vạn mét vuông) mà cả về tầm quan trọng: Ta đã đụng đến và, nói như ngôn ngữ khảo cổ học, nhìn thấy được, sờ mó được, sở hữu được một di sản văn hiến ngàn năm và trên cả ngàn năm của một Thủ đô - Kinh thành - Đất nước.
- Mấy triệu hiện vật lịch sử tìm thấy - trên một diện tích còn quá nhỏ so với qui mô Hoàng Thành - Kinh Thành Thăng Long - Hà Nội. Nay được phép của Bộ Chính trị cho giới khảo cổ tiếp tục đào tìm trên một diện tích lớn hơn nữa (khoảng trên 20.000m2 nữa), vẫn trong khu vực tây Hoàng Thành thì tôi cả quyết rằng giới khảo cổ - với Viện Khảo cổ là trung tâm - sẽ nhất định tìm thấy nhiều di tích - di vật hiếm quý hơn nữa để góp phần làm sáng tỏ hơn cái sáng giá của nền văn hiến nhiều ngàn năm của đất nước.
- Nó sẽ là cái khôn lường nếu ta muốn dùng một khái niệm Phật giáo: Vô lượng và vô biên. Vì như viện sĩ Nga Anutrin đã nói từ lâu, di vật, di tích khảo cổ chỉ không tìm thấy ở nơi nào nhà khảo cổ không chịu đến và không chịu - hay không đủ kinh phí để khai quật.
- Cái quý nhất, cái quan trọng nhất, phát hiện có ý nghĩa nhất của cuộc khai quật này là các phế tích kiến trúc (cùng với các di vật - hiện vật có liên quan đến các kiến trúc) của các thời, từ Bắc thuộc (Tùy - Đường thế kỷ VII - IX) qua Lý - Trần - Lê, đến Nguyễn.
Khảo cổ học lịch sử việt Nam - nói rộng, và khảo cổ học kiến trúc, nói hẹp, trước - nay mới chỉ khẳng định được kiến trúc cổ truyền Việt là các kiến trúc thuộc “dòng” chịu lực bằng khung gỗ liên kết (chứ không phải bằng tường chịu lực như truyền thống kiến trúc Tây Âu, châu Âu). Xương sống của hệ khung chịu lực ấy là hệ thống cột. Tất cả sức nặng của công trình, của ngôi nhà dồn xuống các cây cột. Và, người Việt đã kê dưới chân các cây cột ấy những tảng đá lớn. Những chân tảng đá ấy vừa chịu lực vừa chống lún, chống nghiêng cho kiến trúc.
Cuộc khai quật này đã tìm thấy những chân tảng bằng đá. Nhưng, ở khu vực này nền đất yếu (vì rất gần sông) nên bên dưới các chân tảng đã được gia cố rất cẩn thận bằng các hố/cột sỏi, được lèn - đầm chặt. Một số chân tảng còn nằm đúng vị trí trên các hố sỏi gia cố. Rất nhiều chân tảng khác đã mất, đã được tận dụng lại ở công trình khác nên chúng ta chỉ còn thấy các “trụ sỏi”. Tuy nhiên, với hiểu biết này, chúng ta hoàn toàn có thể xác định được về quy mô của kiến trúc xưa.
Chỉ biết rằng, quy mô các kiến trúc ở đây là lớn. Hầu như các kiến trúc còn tồn tại trên mặt đất hiện nay không có bước gian, chiều dài, chiều rộng lớn đến như thế.
Do vậy, ta có thể kết luận rằng: Công trình khảo cổ ở khu vực Ba Đình đã thành công rực rỡ, đã lấy ra từ lòng đất các di tích và di vật vô giá.
GS Trần Quốc Vượng