421 Nam Du Ha pagoda
Chùa Nam Dư Hạ (Thiên Phúc Tự)
q.Hoàng MaiLê trung hưngsông HồngChùa Nam Dư Hạ có từ đầu thế kỷ XVII. Tên chữ: Thiên Phúc Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1990). Vị trí: XVHM+4H, phố Tây Trà, P. Trần Phú, Q. Hoàng Mai, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 7,9km (hướng 5h). Trạm bus lân cận: 595 Lĩnh Nam (xe 04), Đình Nam Dư Hạ đường vành đai 3 (xe 04, 48).
Lược sử
Chùa Nam Dư Hạ có tên chữ là Thiên Phúc Tự, trước kia thuộc xã Trần Phú, huyện Thanh Trì. Địa chỉ hiện nay ở phố Tây Trà, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Chùa được xây dựng vào đầu những năm Vĩnh Tộ (1619-1628) thời Lê Trung hưng, trên một mảnh đất cao ráo cách đình Nam Dư Hạ và đê sông Hồng chỉ vài trăm bước.
Một trong những Tổ đầu tiên của chùa Nam Dư Hạ là hoà thượng Từ Phong Hải Quýnh. Theo sách Kế Đăng Lục, ngài là đời thứ 4 của sơn môn Liên Tông, quê vùng Kinh Bắc, 16 tuổi xuất gia theo hoà thượng Bảo Sơn Tính Dược tu ở chùa Liên Phái (phố Bạch Mai), sau được ấn khả. Ngài thọ 84 tuổi, giáo hoá tăng chúng được hơn 300 người.
Ngày 02-10-1990, chùa (và đình) Nam Dư Hạ đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
- Cổng chùa Nam Dư Hạ. Photo ©NCCong 2023
Kiến trúc
Chùa trước kia ở đồng làng Nam Dư Hạ, về sau dần dần đô thị hoá, bây giờ nhà dân vây kín ba phía. Khuôn viên chùa vốn rộng, phần bên trái sân tiền đường trong chiến tranh có cho một xưởng cơ khí sử dụng, đến nay vẫn chưa thu hồi được hết. Chùa quay hướng nam, quy mô kiến trúc khá lớn, bao gồm cổng tam quan, chùa chính, hai dãy hành lang, nhà Mẫu, nhà Tổ. Kiểu thiết kế bài tự trong chùa có nhiều điểm tương đồng với chùa Liên Phái.
Tam quan xây bằng gạch, trên đỉnh các cột trụ đắp hình búp sen, dưới có các câu đối chữ Hán. Phía trên cửa chính là gác chuông xây 2 tầng 8 mái, lợp ngói ta, các đầu đao cong vút mang hình rồng, trên bờ nóc đắp nổi hình đôi nghê chầu nguyệt. Hai bên cổng chính là 2 cống phụ cách nhau khá xa, cũng xây 2 tầng 8 mái nhưng chỉ có một cửa. Tiếc rằng cổng phụ bên hữu đã bị phá (chỗ xưởng cơ khí).
Tiền đường rộng 5 gian, cửa bức bàn, kết nối với hậu cung theo hình chuôi vồ, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài. Thềm cao 5 bậc, hai đầu hiên có đắp tượng Hộ pháp, bẩy hiên với 6 hàng cột đều chạm tứ quý. Phật điện gồm 3 gian tiền tế, 2 gian hậu cung, kiến trúc kiểu vì kèo gỗ “thượng rường hạ kẻ”, không có chạm trổ. Các cột gỗ trong tiền tế cao tới 5m, hình vuông. Các đầu đốc có kèo cổ ngỗng cong với xà nách, vì này chỉ có đôi nghê đội quá giang, không có đầu đốc.
Giáp lưng hậu cung là một sân nhỏ với nhà thờ Mẫu và thờ Tổ, kiến trúc tương tự toà Tam bảo nhưng mái thấp hơn. Hai bên sân hậu là hai dãy hành lang đều dài 7 gian, dùng làm nơi tiếp khách và tăng phòng. Xung quanh chùa có nhiều cây nhãn và một vườn mộ Tổ gồm 8 ngọn tháp. Ngoài ra, giáp phố Tây Trà là một ao sen với tượng đài Quan Âm mới xây soi bóng trên mặt nước.
Di vật
Trong chùa Nam Dư Hạ hiện lưu giữ được 52 pho tượng Phật giáo mang niên đại khác nhau từ thế kỷ XVIII đến TK XIX. Không kể Phật điện, đáng chú ý là 4 tượng Tổ, 3 tượng Mẫu và 4 tượng thị giả. Lại có 13 bức hoành phi, 6 đôi câu đối, 6 bia đá, nhiều cổ vật và đồ tế khí bằng đồng, gỗ, gốm, sứ . Phần lớn mang dáng dấp và phong cách nghệ thuật giống như ở chùa Kim Liên và Nghi Tàm phía bắc Hồ Tây. Bên ngoài còn có một số tháp nhưng thiếu bia minh văn.
Di tích lân cận
- Chùa Khuyến Lương: XVFJ+88, tổ 10, P. Trần Phú.
- Chùa Nam Dư Thượng: XVMJ+88 ngõ 419 Lĩnh Nam, P. Lĩnh Nam.
- Đình Nam Dư Hạ: XVHQ+92, số 415 phố Nam Dư, P. Trần Phú.
- Đình Nam Dư Thượng: XVMP+X4 ngõ 112 Nam Dư, P. Lĩnh Nam.
- Đình Thuý Lĩnh: XVGV+3J, số 105 phố Thúy Lĩnh, P. Lĩnh Nam.
- Đình Trung Lập: XVJM+CP ngõ 538 Lĩnh Nam, P. Lĩnh Nam.
©NCCông 2018, Nam Du Ha pagoda