423 Tan Khai community hall

Đình Tân Khai (Vĩnh Hưng)

q.Hoàng MaiLê trung hưngChampasông Hồng

Đình Tân Khai (Vĩnh Hưng) có từ cuối thế kỷ XVIII. Thờ thành hoàng: vua Chiêm Thành Nha Cát và công chúa Nguyệt Nga. Xếp hạng: Di tích thành phố (2004). Vị trí: ngõ 179 Vĩnh Hưng, XVQF+HW, Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam. Cách BĐX Bờ Hồ: 7 km (hướng 5 h). Trạm bus lân cận: cổng chùa Phúc Khánh trên phố Vĩnh Hưng (xe 106)

Lược sử

Đây là ngôi đình của làng Tân Khai, trước kia thuộc xã Vĩnh Tuy, huyện Thanh Trì. Địa chỉ hiện nay tại ngõ số 179 Vĩnh Hưng, thuộc phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Đình tọa lạc về phía tây chùa Đông Thiên tức Phúc Khánh Tự, tam quan chùa này ở gần ngay điểm dừng xe bus số 106 chạy trên phố Vĩnh Hưng.

Tại đền Đông Thiên có bản Ngọc phả lục do Đông Các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm 1572 và Nguyễn Hiền sao lại năm 1736. Theo đó, mùa thu năm 1470, vua Chiêm đem 10 vạn quân thủy bộ đánh úp Châu Hóa (Thừa Thiên). Vua Lê Thánh Tông bèn tự dẫn đại binh vào nam, đánh thắng giặc. Tháng 5, vua về đến Thăng Long, ăn mừng thắng lợi và tế lễ ở Thái Miếu xong xuôi rồi xuống chiếu: phàm tù binh bắt được, hiện giam ở đâu thì cho lệ thuộc ở đó. Tại những nơi đất công còn hoang dã thì cho tù binh khai phá để trồng cấy mà sinh sống.

Cổng đình Tân Khai. Photo NCCong ©2017

Huyện Thanh Đàm (sau đổi là Thanh Trì) bấy giờ có vùng đất màu mỡ, người Chiêm đã tới lập nghiệp tại đây. Nhà vua cho họ lập đền thờ vua cũ là Nha Cát và công chúa Nguyệt Nga (vợ ông) cũng được phối thờ tại đó; lại đặt tên đất ấy là Vĩnh Hưng Trang.

Đến năm 1740, vua Lê Hiển Tông lên ngôi, lấy niên hiệu Cảnh Hưng, do húy kỵ nên Vĩnh Hưng Trang phải đổi thành xã Vĩnh Tuy. Xã trước kia gồm 5 thôn: Thượng, Đoài, Tân Khai, Đông Thiên, Trung Lập. Đình thôn nào cũng thờ vua Chiêm là Nha Cát và bên cạnh có đền thờ vợ ông là công chúa Nguyệt Nga, dân gọi là đền Mẫu.

Năm 2004, UBND TP Hà Nội đã xếp hạng đình Tân Khai là Di tích lịch sử - văn hóa thành phố.

Đại đình Tân Khai. Photo by NCCong ©2017

Kiến trúc

Đình Tân Khai đã trải qua nhiều lần tu sửa, hiện nay kết cấu chủ yếu bằng gạch, đá và bê tông cốt thép. Tam quan ngoại mở ra ngõ ở hướng nam. Tam quan nội xây kiểu 2 tầng 8 mái, hai bên có trụ biểu và đôi tượng Hộ pháp mặt quay về hướng tây nhìn qua sân trước ra một ao nhỏ với hòn giả sơn. Phía tay trái là một nếp nhà hữu mạc 3 gian, xây kiểu chồng diêm, tường hồi bít đốc.

Sau lưng hộ pháp có cặp tượng ngựa hồng bạch đứng đối diện. Du khách nhìn qua cửa giữa sẽ thấy một sân ngắn dẫn đến thềm đá 7 bậc. Tòa đại bái khá cao, bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, bề ngang rộng 3 gian 2 dĩ, cửa bức bàn. Mặt bằng đại bái cùng hậu cung làm thành hình chuôi vồ. Bên trái là một nếp nhà khách, cũng xây tường hồi bít đốc.

Phương đình Tân Khai. Photo by NCCong ©2017

Phía sau đình là ngôi đền thờ công chúa Nguyệt Nga với tiền tế rộng 3 gian xây kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái. Tại hai đầu hiên cũng có tượng hai Hộ pháp cầm binh khí đứng gác, mặt quay về hướng nam nhìn qua sân và tam quan ra ngõ.

Di tích lân cận

©NCCông 2015-2020, Tan Khai community hall