424 Nam Du Ha community hall

Đình Nam Dư Hạ

q.Hoàng MaiLê trung hưngsông Hồng

Đình Nam Dư Hạ có trước năm 1783. Thờ thành hoàng: Tam đầu Cửu vĩ Long vương, Thái uý Nguyễn Xí, Hoàng thái hậu Trương Thị Miếu. Lễ hội: 14-16 tháng Hai âl. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1990). Vị trí: XVGP+R8, số 415 phố Nam Dư, P. Trần Phú, Q. Hoàng Mai, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 8,2km (hướng 5h). Trạm bus lân cận: Đình Nam Dư Hạ ven Vành đai 3 (xe 04, 48)

Lược sử

Đình Nam Dư Hạ hiện nay mang số nhà 415 phố Nam Dư, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Đây là ngôi đình của làng Nam Dư Hạ cũ, tên Nôm là Kẻ Dựa, trước kia thuộc xã Trần Phú, huyện Thanh Trì. Nam Dư Hạ còn gọi là Tây Trà hay Tây Dư để phân biệt với làng Đông Dư ở bờ đông sông Hồng thuộc huyện Gia Lâm.

Đình nằm trên mảnh đất cao ráo ở phía đông chùa Thiên Phúc Tự, cổng nhìn ra một hồ nước đã bị san lấp khi làm đường vành đai 3. Di tích có dáng vẻ của thời cuối Lê đầu Nguyễn, tuy chưa tìm thấy tài liệu nào ghi rõ niên đại xây dựng. Kiến trúc đình vẫn mang đậm phong cách dân tộc sau nhiều lần tu sửa, dù có cả những bộ phận giả gỗ được làm bằng bê tông cốt thép.

Trong đình có bản ngọc phả ghi sự tích ba vị thành hoàng. Theo đó, Tam đầu Cửu vĩ Long vương là vị thần vốn được thờ ở miếu làng đã báo mộng cho tướng quân Lam Sơn đánh thắng giặc Minh. Thành hoàng thứ hai là Thái uý Nguyễn Xí, một trong số khai quốc công thần của nhà Lê. Vị thứ ba là Hoàng thái hậu Trương Thị Miếu từng lánh nạn ở đây khi vua Lê Chiêu Tông con bà phải bỏ chạy khỏi kinh thành vì bị lộ kế hoạch chống quyền thần Mạc Đăng Dung.

Tam quan Nam Dư Hạ. Photo NCCong ©2023

Ngày 2-10-1990, đình (và chùa) Nam Dư Hạ đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hoá và Cách mạng - Kháng chiến.

Kiến trúc

Trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954), phương đình, tiền tế, trung cung của đình Nam Dư Hạ đã bị phá dỡ hoặc đốt cháy. Thời kỳ 2001-2005, đình đã được đại trùng tu theo phong cách kiến trúc truyền thống, gồm các hạng mục: nghi môn, tam quan, phương đình, đại bái, trung cung, hậu cung, tả hữu vu.

Từ đường vành đai 3 trở vào là cổng nghi môn trước hòn giả sơn, rồi đến con phố Nam Dư cắt ngang. Phố ngăn cách sân tiền với tam quan kiểu "cửa mã" có kết cấu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ri, bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt. Hai đầu hồi có trụ biểu, đỉnh trụ là tượng con nghê chầu trên ô lồng đèn, thân trụ đắp câu đối chữ Hán, đế trụ thắt cổ bồng.

Sân đình Nam Dư Hạ. Photo NCCong ©2023

Bên trong tam quan, tương ứng với 3 gian là các bộ vì phía tiền và hậu với kết cấu dạng vì nách theo kiểu chồng rường quá giang gối cột. Trên các bộ vì có chạm khắc hình dơi, phượng, hoa văn chữ thọ, đầu các thanh xà có chạm rồng theo phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. Hai bên tam quan là hai cửa phụ dẫn tới tả hữu vu, nơi có danh sách ghi công đức, bàn tiếp khách và đặt kiệu, trống v.v.

Sát ngay cửa giữa là toà phương đình chồng diêm hai tầng tám mái dựa trên 16 cột tròn. Từ đại bái qua trung cung có 5 lối vào kiểu cuốn vòm dẫn tới toà hậu cung. Tại đây có những đồ thờ như hoành phi, câu đối, nhang án, bát bửu. Hậu cung bài trí ba bộ long ngai, bài vị, khám thờ, trên xà bộ vì hiên là những mảng chạm khắc hoa văn hoa lá cũng theo phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.

Di sản

Tam quan của đình Nam Dư Hạ xây từ thế kỷ XIX theo kiểu "cửa mã" là một kiến trúc cổ rất hiếm thấy ở Việt Nam. Đình lại có ba ngai thờ mang những nét chạm tinh tế từ thế kỷ 18, với thành ngai là các con tiện chạm linh vật, tay ngai là đầu rồng chạm công phu, chân ngai là các tầng vuông được chạm thủng và chạm lộng hình hoa lá rồng mây.

Trong đình Nam Dư Hạ. Photo NCCong ©2018

Trong cung cấm còn có 12 đạo sắc phong của các triều Lê - Nguyễn từ năm Cảnh Hưng 44 (1783) đến Khải định 10 (1924). Ngoài ra, đáng lưu ý 3 cỗ kiệu bát cống sơn son thếp vàng, chạm khắc cầu kì, trau chuốt đầu rồng, thân rồng, đuôi rồng. Đây là những cỗ kiệu hiếm hoi in đậm dấu ấn của nghệ thuật chạm khắc cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn.

Tại đình Nam Dư Hạ, theo truyền thống nhân dân vẫn tổ chức và tham gia hội làng hàng năm từ ngày 14 đến 16 tháng Hai âm lịch, trong đó đặc sắc nhất là lễ rước nước (cấp thuỷ) cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa mang̀ bội thu. Lễ rước nước trước đây kéo dài suốt hai ngày đầu hội, sau này được sự thống nhất của ba làng Nam Dư Thượng, Nam Dư Hạ và Thúy Lĩnh thì diễn ra gọn trong ngày 14 tháng Hai.

Di tích lân cận

©NCCông 2017-2019, Nam Du Ha community hall